Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt trên phạm vi toàn quốc thì số tiền Nhà nước tiết kiệm được chiếm khoảng 15% tổng giá trị mua sắm, tương đương 30.200 tỉ đồng/năm. 

Mua sắm tài sản công tập trung sẽ tiết kiệm 30.200 tỉ/năm

Một Thế Giới | 28/02/2016, 06:24

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt trên phạm vi toàn quốc thì số tiền Nhà nước tiết kiệm được chiếm khoảng 15% tổng giá trị mua sắm, tương đương 30.200 tỉ đồng/năm. 

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung ngày 27.2. Theo đó, danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia sẽ được công khai.
Theo quyết định này, đơn vị mua sắm tập trung gồm: Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia (là đơn vị tại Bộ Tài chính để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tài sản tập trung cấp quốc gia, trừ thuốc); đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia (là đơn vị tại Bộ Y tế để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia); đơn vị mua sắm tập trung của các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh.

Quyết định cũng quy định rõ: Mua sắm tập trung được thực hiện theo 2 cách thức là ký hợp đồng trực tiếp hoặc ký thỏa thuận khung.

Trường hợp ký hợp đồng trực tiếp được áp dụng khi mua tài sản thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách Nhà nước mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp. Trường hợp mua vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng cũng được sử dụng cách thức này.

Việc mua sắm tập trung của các trường hợp khác sẽ được thực hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung, trừ trường hợp kí hợp đồng trực tiếp nêu trên.

Tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 71 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Căn cứ kết quả mua sắm tập trung, yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, năng lực của các đơn vị mua sắm tập trung, điều kiện phát triển của thị trường cung cấp tài sản và điều kiện quy định, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung.
Cụ thể, Bộ Tài chính công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc phòng, chữa bệnh cho người); Bộ Y tế công bố danh mục thuốc mua sắm tập trung (bao gồm danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương); các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp Bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ thuốc).
Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia áp dụng cho tất cả các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương, địa phương áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương và địa phương; riêng danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp địa phương áp dụng cho các cơ sở y tế của trung ương và địa phương đóng trên địa bàn địa phương. 
Tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương, địa phương không được trùng lắp với danh mục tài sản mua sắm tập trung quốc gia do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành và công bố. Danh mục tài sản mua sắm tập trung phải được công khai theo quy định của pháp luật.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt trên phạm vi toàn quốc thì số tiền Nhà nước tiết kiệm được chiếm khoảng 15% tổng giá trị mua sắm, tương đương 30.200 tỉ đồng/năm. Trong đó, có việc giảm chi cho bộ máy và biên chế trong mua sắm công.

Hiện cả nước có hơn 100.000 đầu mối mua sắm tập trung sẽ giảm còn 107 đầu mối gồm 2 đơn vị mua sắm cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các bộ, ngành Trung ương và 63 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước đó, theo dự thảo được đề xuất vào tháng 3.2015, Quyết định của Thủ tướng về mua sắm tập trung thay thế cho Quyết định 179 sẽ quy định đơn vị mua sắm tập trung cơ bản chỉ thực hiện nhiệm vụ tổng hợp nhu cầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng khung với nhà thầu về số lượng, chất lượng và giá cả hàng hóa dịch vụ.
Đơn vị sử dụng tài sản sẽ trực tiếp ký hợp đồng mua sắm và thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản. Cách thức trên đã áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới.
Quy trình mua sắm tài sản sẽ được thực hiện khép kín từ khâu lập dự toán cho đơn vị tổ chức thực hiện mua sắm và quản lý, sử dụng tài sản; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Mô hình đơn vị mua sắm tập trung ở các cấp: Trung ương, bộ, ngành và các địa phương. Theo đó, đơn vị mua sắm tập trung quốc gia hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập không vì mục tiêu lợi nhuận.

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua sắm tài sản công tập trung sẽ tiết kiệm 30.200 tỉ/năm