"Việt Nam là một “học trò trung bình khá” của WTO", đây là nhận định của TS. Võ Trí Thành khi bàn về cơ hội của doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn tất việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do.

Việt Nam là “học trò trung bình khá” trong lớp học WTO

Một Thế Giới | 15/09/2015, 06:00

"Việt Nam là một “học trò trung bình khá” của WTO", đây là nhận định của TS. Võ Trí Thành khi bàn về cơ hội của doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn tất việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do.

Trong tọa đàm “Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp xuất khẩu - Đón bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do” diễn ra ngày 14.9, ông Trần Thanh Hải – Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đưa ra nhiều thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối phó khi hội nhập.
Thách thức lớn cho doanh nghiệp
Cụ thể, theo ông Trần Thanh Hải, thách thức đối với doanh nghiệp Việt là phải cạnh tranh cả ở trong và ngoài nước, trong khi khả năng “tiêu hóa” vận dụng những ưu đãi từ FTA kém. 
Không chỉ vậy, Việt Nam còn thiếu những doanh nghiệp “đầu tàu”, “mũi nhọn” vươn ra thị trường thế giới, tạo động lực cho các doanh nghiệp khác.

Mặt khác, việc tăng sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường quốc tế, cùng với sức ép, xung đột hội nhập lên môi trường rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp nông nghiệp, cũng là một trong nhiều thách thức đang được đặt ra.

Đồng tình với ông Hải, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam cũng cho hay, các hiệp định thương mại chính là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp, song vẫn còn phải đương đầu với nhiều khó khăn nên càng không dễ dàng. Chính vì vậy, cần hợp lực chính sách, hợp lực liên kết doanh nghiệp để có sức mạnh tổng hợp.

“Chúng ta kí nhiều hiệp định FTA, không thể nào đòi nhăm nhăm ăn một mình. Đây là cuộc chơi chung của nhiều nước, nếu doanh nghiệp chúng ta nắm bắt được cơ hội thì bay lên rất tốt, còn không thì để các đối tác nước ngoài lao vào hưởng hết” – ông Thiên cho hay.

Nhà nước chỉ hỗ trợ người làm tốt nhất

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Nhà nước chỉ có thể mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, thông tin, đào tạo, quy hoạch, định hướng, cải cách hành chính… Do đó, không phải yêu cầu nào của doanh nghiệp Nhà nước cũng  có thể đáp ứng được.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nhà nước không thể tạo điều kiện và hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp mà chỉ có thể hỗ trợ được trong một giới hạn. 
"Hiện nay, mong muốn của doanh nghiệp đang nhiều hơn so với năng lực của Nhà nước. Trong một nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp cần phải cố gắng nhiều hơn", ông Thành nhận định.
Ông Thành cũng dẫn ví dụ về Hàn Quốc trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, Hàn Quốc chỉ có 1 nguyên tắc, đó là hỗ trợ người tốt nhất, nếu họ thỏa mãn được những tiêu chí đặt ra chứ không hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp. 
"Doanh nghiệp Việt nên chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất , chứng minh cho người ta thấy cơ hội mình đang có", ông Thành nói.
TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, Việt Nam là một “học trò trung bình khá” của WTO. Lý giải cho điều này, ông Thành cho hay, nếu so về tốc độ tăng của xuất khẩu thì không nước nào so được với Việt Nam trong 10-15 năm qua, đó là tốt. 
Nhưng nếu nói đến việc tận dụng cơ hội thì Việt Nam lại làm rất không tốt, hay biến cơ hội thành thách thức. Cái tốt và xấu đồng hành nên Việt Nam chỉ là “học trò trung bình khá”.
Đồng tình với TS Võ Trí Thành, bà Hoàng Thị Tư – Hàm Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế Trung ương cho hay, doanh nghiệp phải nâng cao vai trò của hiệp hội, doanh nghiêp chủ động nắm bắt thông tin, tự cứu lấy mình chứ không thể trông chờ tất cả vào Nhà nước. 
Đồng thời, doanh nghiệp phải trung thực, nếu không sẽ gây tiếng xấu cho cộng đồng doanh nghiệp, và ngân hàng mất lòng tin.

Bà Tư cũng nói thêm, các ngân hàng cần đơn giản hóa tối đa thủ tục cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phải đưa ra những quy định khả thi, chứ không chỉ hợp lý trên giấy tờ mà không sát với thực tế.

Hoàng Long

Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
6 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam là “học trò trung bình khá” trong lớp học WTO