Ngày 17.8.2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trả lời phóng viên vềcâu hỏi Việt Nam vừa nhận lô tên lửa Brahmos của Ấn Độ, Người phát ngôn cho biết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đã và đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, an ninh – quốc phòng… Hợp tác an ninh – quốc phòng giữa hai nước đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Vị này cũng cần nhấn mạnh rằng “chúng tôi kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ. Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước. Do đó, câu hỏi này của phóng viên sẽ được chuyển đến các cơ quan chức năng liên quan”.
Về thông tin Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho biết, nước này đang xem xét hợp tác dầu khí với Trung Quốc trên Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết sẽ xác minh thông tin này.
“Việt Nam đã nhiều lần nói rõ có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo tinh thần đó, chúng tôi yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên khu vực Biển Đông được xác định bởi luật pháp quốc tế. Trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần DOC đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, đóng góp thiết thực cho mục tiêu chung của khu vực là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển ở Biển Đông”, bà Hằngnhấn mạnh thêm.
Về việc Công ty Repsol của Tây Ban Nha ngừng khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi của Việt Nam, Người Phát ngôn khẳngđịnh rằng: “Tất cả các hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam đều được tiến hành trong các vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Lộ trình tiến độ triển khai dự án là quyết định của doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan”.
Với câu hỏi liên quan đến việcBộ Ngoại giao Mỹ vừa ra báo cáo tự do tôn giáo 2016, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. Chính điều này đã tạo nên một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú, sinh động ở Việt Nam.
Theo bà Hằng, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2016, có hiệu lực vào tháng 1.2018.
“Chúng tôi ghi nhận Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã có một số điều chỉnh sát với tình hình thực tế ở Việt Nam. Song đáng tiếc, Báo cáo vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”, bà Hằng nói.
Liên quan tới vấn đề Trịnh Xuân Thanh đầu thú, Người Phát ngôn cho biết thêm, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra và khẳng định một lần nữa rằng: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì phát triển quan hệ Đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Clip uy lực tên lửa BrahMos của Ấn Độ - nguồn QPTV:
Tên lửa BrahMos được phát triển dựa trên sự hợp tác nghiên cứu giữa NPO Mashinostroeyenia của Nga và tổ chức nghiên cứu và phát triển bộ quốc phòng của Ấn Độ với dự án BrahMos Aerospace Private Limited để mở rộng tầm hoạt động của BrahMos trên không.
BrahMos là tên ghép của hai dòng sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moscow của Nga. Loại tên lửa này có vận tốc 2,5 đến 2,8 Mach, tầm bắn lên tới 290 km. Nó nhanh hơn 3,5 lần so với tên lửa hành trình Harpoon của Mỹvốn bay dưới tốc độ âm thanh.
Trong khi Ấn Độ thì muốn BrahMos lấy nền tảng từ tên lửa hành trình tầm trung P-700 Granit còn Nga thì muốn nó nên là anh em với tên lửa hành trình tầm ngắn P-800 Oniks (Yakhont) để thích hợp với hiệp định kiểm soát công nghệ tên lửa, hiệp định mà Nga đã ký vào. Động cơ đẩy được lấy nền từ tên lửa của Nga trong khi hệ thống dẫn đường được phát triển bởi BrahMos Corp.
Một phiên bản nâng cấp siêu thanh gọi là BrahMos-II, cũng đang được phát triển với tốc độ bay thiết kế là 7 Mach. Tên lửa mới này sẽ được thử nghiệm trong năm nay, theo nguồn tin quân sự Ấn Độ.
Không chỉ có tốc độ cao, bay sát mặt đất BrahMos nổi tiếng vì khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Nga cũng quan tâm tới việc trang bị loại tên lửa hợp tác này cho quân đội của mình.
Hoài Phong - Thiên Hà