Không phải tự dưng giáo sư Ohsawa, tác giả của phương pháp thực dưỡng Ohsawa nổi tiếng toàn cầu lại cho rằng Việt Nam là quê hương đích thực của “Phương pháp thực dưỡng (Macrobiotics)”, bởi linh hồn cốt lõi của phương pháp thực dưỡng chính là gạo lứt, mà Việt Nam lại là cái nôi của nền văn minh lúa nước.

Việt Nam, quê hương của phương pháp thực dưỡng bằng gạo lứt

Một Thế Giới | 23/08/2014, 14:57

Không phải tự dưng giáo sư Ohsawa, tác giả của phương pháp thực dưỡng Ohsawa nổi tiếng toàn cầu lại cho rằng Việt Nam là quê hương đích thực của “Phương pháp thực dưỡng (Macrobiotics)”, bởi linh hồn cốt lõi của phương pháp thực dưỡng chính là gạo lứt, mà Việt Nam lại là cái nôi của nền văn minh lúa nước.

Tiếc rằng tại chính quê hương của văn minh lúa nước ấy, nơi hạt gạo 5000 năm trước được phát hiện và trở thành nguồn bổ dưỡng hiện nay, lại rất ít người Việt Nam hiểu biết các giá trị của hạt gạo với tư cách là một thực thể nguyên vẹn, gồm vỏ bọc (cám), mầm và lõi (tinh bột).
Trong khi đó các giá trị của nó với thực thể nguyên vẹn lại được các thiền sư Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ vô cùng quan tâm. Ở thời đại nào cũng vậy, tôn giáo của một dân tộc luôn là thành lũy cuối cùng để bảo vệ các giá trị văn hóa của dân tộc đó. Phật giáo Việt Nam đã nhiều giai đoạn lịch sử làm được cái sứ mệnh thiêng liêng đó. Nhưng thật trớ trêu, ngày nay, ở tại  các chùa, giá trị văn hóa ẩm thực chay được nâng niu, bảo vệ nhưng cái lõi của nền văn hóa, văn minh thực dưỡng truyền thống phương Đông là gạo lứt không phải ở chùa nào cũng được tôn vinh.
Các sư sãi, phật tử vẫn ăn gạo trắng (được xay sát kỹ) là chính. Nếu chúng ta nghiên cứu về gạo lứt thì không thể phủ nhận được các giá trị của gạo lứt đối với sức khỏe con người, đối với sự sảng khoái, minh mẫn, sáng tạo, đối với sự hưng phấn, cởi mở hòa đồng – tạo nên những phẩm chất con người toàn diện mà một quốc gia nói riêng, một thế giới nói chung phát triển bền vững cần có.
Sách Phật có dạy: “Mạng nhờ ăn mà sống/Đạo nhờ ăn mà còn”. Kinh Upanishad của Ấn Độ giáo có viết: “Mọi sinh vật, sinh từ thức ăn, sống nhờ thức ăn, chính thức ăn là cội rễ của vạn vật”. Đại sư Dogen ở Nhật Bản viết: “Đã là người tu thiền thì không được phép hững hờ với thức ăn mình dùng”.
Một thiền sư khác của Nhật Bản là Taisen Deshimaru nói: “Trong khi ăn phải quên hết tất cả để chăm chú mà ăn, đây là dịp để đạt cõi Ngộ với tâm trạng của chư Phật và chư Tổ, hành động nhai cũng là Phật hạnh”. Ấy vậy mà ở Việt Nam, rất nhiều người tự cho mình là sĩ phu, văn nhân, bậc học giả tri thức lại thường phỉ báng cái gọi là miếng ăn “tầm thường”. Có người nho học xưa coi “miếng ăn là ô nhục”.
Viet Nam, que huong cua phuong phap thuc duong bang gao lut
 
Khi tầng lớp tinh hoa một quốc gia coi “miếng ăn” là điều tầm thường không đáng phải quan tân so với biết bao điều lớn lao quốc gia đại sự, so với nghệ thuật khoa học, và không ít người có học cho rằng cái ăn – miếng ăn chỉ là phương tiện để duy trì đời sống, thế thôi, thì làm sao có được sự đam mê, cảm hứng khi ăn? Thì làm sao biết được các giá trị mà Tạo hóa – trời đất ban tặng cho con người là thế nào? Và, vì sao Tạo hóa – vũ trụ vô biên thần thánh ấy qua hàng triệu năm lại ban tặng cho con người những tặng phẩm ấy? Có ai đó nói rằng một dân tộc coi thường chuyện ăn uống, coi ăn uống chỉ là phương tiện thì dân tộc ấy đang bị hủy hoại về văn hóa. Mà cái văn hóa lớn nhất đó là văn hóa ứng xử với những  sản phẩm lao động mồ hôi nước mắt do con người kết hợp với Tạo hóa tạo ra.

Cha ông ta từ xa xưa không phải không hiểu biết các giá trị của cái ăn, vì vậy có câu tục ngữ “Trời đánh tránh bữa ăn”, “có thực mới vực được đạo”. Nhưng cuộc sống hôm nay của chúng ta quá tất bật, quá xô bồ, quá bon chen, nên hầu như nhiều người cần lao của chúng ta coi bữa ăn là nghĩa vụ sinh tồn chứ không còn là niềm cảm hứng đợi chờ, đón nhận, giao hòa, thăng hoa với nó nữa. Văn hóa ẩm thực dần mất đi, dần biến dạng, dẫn đến điều tất yếu văn hóa thực dưỡng gạo lứt cũng dần mất đi, dần biến dạng.

Có thể cha ông chúng ta không hề có những nghiên cứu khoa học như các chuyên gia ẩm thực ngày nay để biết rằng, gạo lứt có các giá trị vô cùng quý giá như: Do gạo lứt còn giữ lớp cám bên ngoài (không bị xay xát thành cám) nên chứa nhiều vitamin bổ dưỡng: E, B1, B3,Mg, K,C, chất xơ, chất sắt. Trong khi đó gạo trắng xay xát kỹ đã mất đi hầu hết chất bổ dưỡng trên. Trong gạo lứt có chất salen ngăn ngừa được các tế bào ung thư, làm cho các tế bào ung thư không phát triển lên. Gạo lứt còn có nhiều calo, chất sơ, chất bột hơn hẳn gạo trắng.

Nhưng cha ông ta qua thực tiễn đời sống của mình đã biết rằng, sự tinh khôi, tươi mới của hạt gạo bao giờ cũng có giá trị hơn hạt gạo để lâu ngày. Và hạt gạo chưa bị chà xát phá vỡ, bao giờ cũng có ích cho cơ thể, cho sức khỏe hơn so với hạt gạo đã kỳ công chế biến. Không phải tự dưng về cơ bản mà nói cha ông ta xưa là người hiền lành, hiền hòa, lạc quan, yêu đời. Chính vì nguồn thực phẩm với thành phần rau và gạo lứt đã là tác nhân chính cho những phẩm hạnh không phải ở dân tộc nào cũng có được đó. Câu chuyện “Tấm cám” theo nhiều chuyên gia nghiên cứu ẩm thực người Việt thì đó là câu chuyện của ngày nay, vì ngày nay mới có cách nhìn sai lệch về “cám” so với “tấm”.
Viet Nam, que huong cua phuong phap thuc duong bang gao lut
 
Trong khi đó theo Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh thì cha ông ta đã biết rõ cái giá trị mà “cám” trong hạt gạo đem lại, không hề có cái tâm thức coi thường “cám” – lại vứt đi. Ngay cả những năm đầu thế kỷ 20 khi mà công nghệ xay xát chưa ào ạt vào VN, biến hạt gạo trở nên “trắng ngần” – mà một nhà thơ đã phải thốt lên “trắng đến vô hồn”, thì thói quen giã, xay thủ công vẫn là chủ đạo, và hạt gạo không hề mất đi 100% “mầm” và “cám” mà còn giữ được 50 %– 60 %. Chính vì biết các giá trị của cám và mầm gạo, khi nấu cơm, các bà các cô của làng quê xưa vò gạo rất nhẹ tay, hầu như họ chỉ nhúng nước vào gạo, vì sợ làm mất đi lớp vỏ gạo tinh hoa, bổ dưỡng. Trong khi đó những người trên phố lại vò gạo vò kỹ, chà tay thật sát hạt gạo vào thành rá, dẫn đến nước gạo “đục ngầu”, làm bổ béo cho các chú lợn mà các bà đổi nước gạo ở quê đem về.

Một triết gia nói rằng: “Bạn hãy cho tôi biết bạn ăn thế nào, tôi sẽ biết bạn sống thế nào”. Chính vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thế giới đang có xu hướng chuyển dịch cơ cấu bữa ăn – từ đó dẫn đến tái cấu trúc lại nền kinh tế. Chính vì vậy, với người VN ta thì ngạc nhiên, trong khi đó người từ các nước văn minh lại coi rất bình thường, khi hỏi một khách du lịch đến VN cảm nhận của bạn là gì, thì câu đầu tiên vị khách đó nói về “miếng ăn”.

Nhìn ở bình diện phát triển nhân loại và với tư duy “đi tắt đón đầu” thì các nhà hoạch định chiến lược quốc gia ở VN nên quan tâm đầu tiên đến cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam. Chỉ khi thực sự quan tâm tới điều này, chúng ta mới thấy hết được thế mạnh của dân tộc mà lịch sử văn hóa cha ông cũng như Tạo hóa đã tạo nên cho chúng ta, từ đó mới có thể đưa đất nước ta sớm vượt lên đi con đường ngắn nhất, đúng đắn nhất mà nhiều nước trên thế giới vẫn còn loay hoay trên những cung đường khác, để chúng ta có quyền hãnh diện là người đi trước, chứ không chỉ đi tắt đón đầu.

Nói một cách khác, cần có ngay một cuộc cách mạng về ẩm thực và lấy cuộc cách mạng ấy là trung tâm của mọi trung tâm, từ đó điều chỉnh cơ cấu toàn bộ chiến lược quốc gia về nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ, giáo dục, an ninh, ngoại giao, thể chế đáp ứng nó.

Đến đây câu chuyện về gạp lứt VN không còn đơn giản chỉ là hạt gạo còn nguyên mầm gạo và cám nữa mà còn là một cách nhìn mới, cách tiếp cận mới các giá trị cốt lõi của con người  - miếng ăn, mà như đức Phật đã dạy: “Mạng nhờ ăn mà sống/ Đạo nhờ ăn mà còn”. Như bao đời nay cha ông ta truyền dạy: “Có thực mới vực được đạo”.

Chỉ khi chúng ta thực sự quan tâm tới miếng ăn và coi đó là văn hóa đẳng cấp tinh hoa, chúng ta mới biết giành sức lực để bảo vệ, phát triển nó. Ví dụ như với gạo lứt – làm sao hạt thóc để tạo ra gạo lứt phải là hạt thóc tốt nhất, được tạo nên bởi cách thức tự nhiên nhất, sinh thái nhất, hữu cơ nhất để ngon và bổ dưỡng nhất. Từ những hạt thóc tinh hoa nhất đó mới có thể có chất lượng gạo lứt VN tốt nhất thế giới, để rồi xưa kia cha ông chúng ta đã tạo nên cho thế giới một nền văn minh lúa nước, thì con cháu hôm nay có thể tự hào tạo nên cho thế giới một nền văn minh gạo lứt.
Viet Nam, que huong cua phuong phap thuc duong bang gao lut
 

Rồi sẽ đến lúc các nhà nghiên cứu khoa học, các triết gia sẽ phải thốt lên rằng “Cám ơn VN, chính “văn minh gạo lứt” đã cứu nhân loại”. Lẽ nào đó là một giấc mơ khi mà chỉ xin nêu một dẫn chứng rất nhỏ từ lợi ích dinh dưỡng của gạo lứt thôi, đó là, chỉ việc ăn gạo lứt nhiều hơn một chút và thành chế độ ăn đời thường thì trái đất sẽ không phải quá tải vì chăn nuôi bò, lợn, gà, cừu với cả một nền công nghệ, công nghiệp gây ô nhiễm khủng khiếp của nó cùng các chất tăng trưởng độc hại hủy diệt môi trường.

Bài Lưu Trọng Văn - Ảnh: Tư liệu (Nguồn DDVN)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
39 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam, quê hương của phương pháp thực dưỡng bằng gạo lứt