Một trong những câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm nhất của dư luận trong thời gian vừa qua là việc các tập đoàn Thái Lan liên tục thâu tóm các thương hiệu lớn trong nhiều lĩnh vực tại thị trường Việt Nam.

Việt Nam sẽ đánh mất rất nhiều nếu không sớm cổ phần hóa DNNN

Một Thế Giới | 04/03/2016, 12:37

Một trong những câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm nhất của dư luận trong thời gian vừa qua là việc các tập đoàn Thái Lan liên tục thâu tóm các thương hiệu lớn trong nhiều lĩnh vực tại thị trường Việt Nam.

Nhưng khi mà tất cả còn đang lo lắng về việc khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước sau khi quyền lực của các ông chủ Thái trong ngành bán lẻ đang ngày càng bành trướng, thì câu chuyện thâu tóm thương hiệu của người Thái còn có nhiều điều đáng suy nghĩ không kém. Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các thương hiệu mà người Thái thâu tóm đều là các doanh nghiệp tư nhân, nhưng khi mà mục tiêu đang có dấu hiệu chuyển dần sang các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì vấn đề đã lại khác hẳn. Một sức ép cổ phần hóa các DNNN thông qua một loạt hiệp định thương mại đã ở rất gần, và nếu như không nhanh chóng có sự chuẩn bị và xử lý hiệu quả, Việt Nam sẽ có thể đánh mất một lượng tài sản khổng lồ.
Câu chuyện các tập đoàn Thái Lan đầu tư vào nhiều ngành và lĩnh vực ở Việt Nam, trong đó có cả những doanh nghiệp mà nhà nước chiếm cổ phần chi phối, không có gì là quá mới mẻ. Chẳng hạn như việc tập đoàn Fraser&Neave (F&N) của Thái Lan là cổ đông lớn thứ hai tại Vinamilk với việc nắm giữ 11% cổ phần (chỉ đứng sau SCIC –Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước – với 45% cổ phần). 
Tuy nhiên, sau khi Chính phủ lên kế hoạch thoái vốn ra khỏi một loạt các doanh nghiệp lớn nhất, trong đó có Vinamilk, thì câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác hẳn. Trong số các kiến nghị mà Vinamilk trình lên Chính phủ về phương án thoái vốn, có một đề xuất cho nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Nếu đề xuất này được thông qua, thì việc Vinamilk được điều hành bởi một ông chủ nước ngoài là điều hoàn toàn có thể xảy ra, khi công ty sữa lớn nhất Việt Nam này bấy lâu nay vẫn thuộc diện ăn nên làm ra nhất trên thị trường.

Câu chuyện của Vinamilk vẫn chưa đi đến hồi kết, nhưng nó đã đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm và có mức độ ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều. Đó là những hệ quả mà Việt Nam có thể phải hứng chịu trong quá trình cổ phần hóa các DNNN chủ chốt và có quy mô lớn nhất. Theo ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của ngân hàng ANZ, thì cổ phần hóa và tư nhân hóa là bước đi mà các nền kinh tế phải xử lý khi muốn chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, tuy nhiên đây là một quá trình gắn liền với nhiều rủi ro và dễ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước trên quy mô lớn.

Việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại có các quy định liên quan đến các DNNN như TPP đang dẫn đến sức ép buộc Việt Nam phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa này cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong TPP có riêng một chương về DNNN và mua sắm chính phủ nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trong TPP. Theo viện trưởng viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, thì TPP đã đặt ra áp lực thời hạn cho việc cải cách các DNNN với 4 điểm ưu tiên: 
1. Cổ phần hóa DNNN phải hướng đến thay đổi cấu trúc sở hữu thay vì số lượng các DN tham gia cổ phần; 2. Việc điều hành phải dựa trên năng lực cá nhân; 3. Một loạt các chính sách liên quan đến giá tài sản, nhà xưởng khá phức tạp của Nhà nước nếu không xử lý được quá trình cổ phần hóa sẽ thất bại. 4. Cần công khai minh bạch.
Nói cách khác, TPP đang đặt ra một thời hạn nhất định và những yêu cầu cực kỳ khắt khe đối với Việt Nam trong việc cổ phần hóa các DNNN. Dù Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương bắt đầu cổ phần hóa các DNNN gồm các các DN lớn và các công ty con ngay từ năm 2011, thì tính đến thời điểm hiện tại, mọi thứ dường như vẫn chưa đâu vào đâu. 
Theo thống kê của Bộ Tài Chính, thì tính từ 1.1.2001 Việt Nam đang có khoảng 1.300 DNNN cần phải được sắp xếp lại, mục tiêu cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2015 chỉ là khoảng 531 doanh nghiệp, và tính đến tháng 9.2015 mới cổ phần hóa được 340 doanh nghiệp, chiếm 64%. Tính đến cuối năm 2015 thì tổng số doanh nghiệp được cổ phần hóa là 422, chiếm 78% kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Theo thống kê, sau năm 2015 thì số DNNN cần được cổ phần hóa là hơn 600 đơn vị.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Bộ Tài Chính và Chính phủ, thì việc cổ phần hóa tại các DNNN vẫn mang yếu tố đặt nặng số lượng hơn là về chất lượng, chỉ cổ phần hóa 5-10% cũng được tính là đã cổ phần. Tại hầu hết các DNNN lớn thì Nhà nước vẫn nắm tới 80% cổ phần và vẫn giữ vị trí chi phối.

Quá trình cổ phần hóa chậm chạp và thiếu hiệu quả của Việt Nam trong thời gian qua, giờ đây khi phải đối mặt với áp lực rất lớn về quy định và thời hạn rất ngặt nghèo của TPP, đang trở thành một vấn đề lớn. Không khó để dự đoán được rằng, Việt Nam nếu muốn tuân thủ các quy định của TPP sẽ phải đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, ngay tại cả các DNNN lớn nhất, trong một thời gian tương đối hạn chế. Theo Viện trưởng viện kinh tế Trần Đình Thiên, thì “đây là một cuộc di chuyển cực kỳ lớn, tài sản Nhà nước giao cho xã hội nếu không công khai minh bạch thì khả năng sẽ mất mát rất nhiều”. 
Hiện số lượng các DNNN chủ chốt vẫn đang nắm một lượng tài sản cực lớn và số lượng các DN này thì tương đối đông, khi bị buộc phải cổ phần hóa trong một thời gian quá ngắn sẽ dễ dẫn đến tình trạng thất thoát tài sản quốc gia ở quy mô khổng lồ, có thể vào tay tư nhân hoặc các cá nhân và tổ chức nước ngoài. Câu chuyện của nền kinh tế Nga sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 dẫn đến việc hàng loạt tỷ phú ra đời nhờ nắm được các tài sản nhà nước bị bán tháo trong cơn hoảng loạn, đang là một bài học nhãn tiền mà Việt Nam cần phải xem xét kỹ lưỡng.
Để tránh tình trạng này xảy ra thì việc Việt Nam cần làm ở thời điểm hiện tại là chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản đó, bằng cách tiến hành cổ phần hóa các DNNN ngay lập tức cả về số lượng lẫn chất lượng, để tránh tình trạng bị dồn ứ khi các quy định và thời hạn của TPP đến gần sẽ dễ dẫn đến tình trạng thất thoát tài sản quốc gia. Vấn đề sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu những tài sản chiến lược lại lọt vào tay các cá nhân và tổ chức nước ngoài một cách thiếu minh bạch, thậm chí sẽ còn tạo ra sức ép ngược lên chính nền kinh tế Việt Nam. 
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng bỏ ra những cái giá cao như thế nào để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, và họ chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội để thâu tóm các tài sản quốc gia quý giá trong cơn bán tháo vốn luôn hỗn loạn và thiếu minh bạch.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam sẽ đánh mất rất nhiều nếu không sớm cổ phần hóa DNNN