Các ĐBQH đề nghị cần có cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia vào dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Cơ chế này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho Nhà nước về vốn, nhân lực, tiến độ dự án, tiến tới làm chủ công nghệ.
Theo dòng thời sự

Cần huy động nguồn lực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân để làm điện hạt nhân

Lam Thanh 18:16 17/02/2025

Các ĐBQH đề nghị cần có cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia vào dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Cơ chế này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho Nhà nước về vốn, nhân lực, tiến độ dự án, tiến tới làm chủ công nghệ.

Ngày 17.2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Một số ý kiến cũng cho rằng tờ trình của Chính phủ cần nêu rõ hơn nữa cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đối với sự cần thiết, tính cấp bách ban hành các cơ chế, chính sách, quan điểm và nguyên tắc ban hành các cơ chế, chính sách trong dự thảo nghị quyết.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết điện hạt nhân là lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, phức tạp, đặc thù trong khi trình độ của Việt Nam trong lĩnh vực này chỉ ở mức cơ bản. Do đó, khó tránh việc phụ thuộc nhiều vào nước ngoài - các quốc gia đã phát triển loại năng lượng này từ lâu, sở hữu công nghệ lõi.

hn-1.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông)

Đại biểu đề nghị cần có cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia vào dự án, chính sách này có thể nghiên cứu tương tự phát triển dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Theo ông Mai, cơ chế này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho Nhà nước về vốn, nhân lực, đảm bảo hoàn thành tiến độ dự án, cũng như hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ làm chủ công nghệ, tự chủ vận hành nhà máy trong thời gian sớm nhất.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho biết hợp đồng “chìa khóa trao tay” là phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay. Hàn Quốc, quốc gia đang nắm công nghệ điện hạt nhân cũng chọn hình thức này cho nhà máy đầu tiên của họ vào 1972-1978. Tới năm 1998 họ hoàn toàn làm chủ công nghệ, xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân “Made in Korea” cho Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2009…

Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng chọn hình thức hợp đồng “chìa khóa trao tay” như Bangladesh, Ba Lan… Việc vận hành bảo dưỡng cung cấp nhiên liệu cũng do nhà thầu chính cung cấp một thời gian sau khi nhà máy vận hành.

Đối với việc áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn với đối tác đủ năng lực vận hành, bảo dưỡng trong 5 năm từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng, đại biểu Tú Anh cho rằng việc áp dụng là phù hợp để bảo dưỡng nhà máy liên tục trong trường hợp hết hợp đồng chìa khóa trao tay… Tuy nhiên, về lâu dài, chủ đầu tư cần kế hoạch chuẩn bị năng lực, kỹ thuật thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, chương trình đào tạo với đối tác cung cấp công nghệ nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam.

hn-2.jpg
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng)

Về an toàn, an ninh hạt nhân, đại biểu cho rằng theo thông lệ các nhà cung cấp đều tuân thủ nguyên tắc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nên dù chọn công nghệ đối tác nào thì các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân đều phù hợp với tiêu chuẩn của IAEA. Với thiết kế liên quan đặc điểm địa hình, khí hậu theo điều kiện Việt Nam, cần được phê duyệt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn của Việt Nam, có thể thẩm định theo quy trình rút gọn.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhận xét quy định như trong dự thảo nghị quyết thì chủ đầu tư có thể làm nhanh ở thời điểm đầu thực hiện dự án, nhưng sẽ vướng về sau khi họ muốn thay đổi vốn, phương án công nghệ.

Đại biểu Hân nhấn mạnh điện hạt nhân là dự án rất lớn, quá trình làm có thể phát sinh nhiều thứ chưa lường trước được hết. Trong trường hợp sau này vốn chủ sở hữu không đáp ứng được, cần tăng mà cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước không tham gia giám sát, chủ đầu tư có đủ thẩm quyền điều chỉnh, hay cần phải xin Quốc hội? Đại biểu đề nghị nên để cơ quan chủ sở hữu nhà nước giám sát quá trình này để họ ra quyết định nhanh hơn.

Đại biểu Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) cho biết Chính phủ giao tỉnh Ninh Thuận trong năm 2025 phải thực hiện xong giải phóng mặt bằng, di dời và tái định cư cho người dân vùng dự án, tức là chỉ còn khoảng 10 tháng nữa để thực hiện việc này.

hn-3.jpg
Đại biểu Trần Quốc Nam (Ninh Thuận)

Theo ông Nam, ngoài các chính sách đặc thù, tỉnh Ninh Thuận đề xuất được bổ sung thêm 5 chính sách, cơ chế, nhất là về giải phóng mặt bằng, di dời bồi thường và hỗ trợ người dân vùng dự án để làm dự án này. Trong khi đó, giải phóng mặt bằng thường là khâu khó, mất nhiều thời gian. Nếu thực hiện theo đúng quy định của luật thì chắc chắn một năm không thể hoàn thành được.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu và giải trình đầy đủ, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định và thông qua tại kỳ họp này.

Bài liên quan
Chính quyền Trump bảo vệ chương trình vũ khí hạt nhân trước 'cơn bão' DOGE
Trong một động thái bất ngờ, chính quyền Trump đã đảo ngược quyết định sa thải hàng trăm nhân viên liên bang làm việc trong các chương trình vũ khí hạt nhân quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nghiên cứu khoa học cần có chính sách đột phá
một giờ trước Theo dòng thời sự
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng việc triển khai những hướng đi mới trong nghiên cứu khoa học cần có một chính sách mang tính đột phá, vì hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần huy động nguồn lực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân để làm điện hạt nhân