Trong xu hướng dịch chuyển sản xuất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, thì nguồn phát sinh các công nghệ lạc hậu và tác động lớn tới môi trường phần lớn là có xuất xứ từ Trung Quốc – quốc gia từng được xem là công xưởng sản xuất và là nơi tập trung những công nghệ lạc hậu nhất.

Việt Nam sẽ không chào đón các dự án đầu tư có nguy cơ môi trường từ Trung Quốc?

Nhàn Đàm | 13/09/2016, 14:35

Trong xu hướng dịch chuyển sản xuất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, thì nguồn phát sinh các công nghệ lạc hậu và tác động lớn tới môi trường phần lớn là có xuất xứ từ Trung Quốc – quốc gia từng được xem là công xưởng sản xuất và là nơi tập trung những công nghệ lạc hậu nhất.

Một thông điệp đáng chú ý được thủ tướng gửi tới các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam trong cuộc đối thoại với CEO các doanh nghiệp lớn nhất nước này tại tỉnh Quảng Tây vào ngày 11.9, đó là Việt Nam sẽ chỉ tiếp nhận những dự án có công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại và bảo vệ môi trường. Đó có thể xem như một lời cảnh báo và răn đe cần thiết với các doanh nghiệp Trung Quốc vốn được coi là một trong những nguồn chủ yếu xuất khẩu các công nghệ lạc hậu vào nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua.

Trong xu hướng dịch chuyển sản xuất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, thì nguồn phát sinh các công nghệ lạc hậu và tác động lớn tới môi trường phần lớn là có xuất xứ từ Trung Quốc – quốc gia từng được xem là công xưởng sản xuất và là nơi tập trung những công nghệ lạc hậu nhất. Phát biểu của thủ tướng tại cuộc đối thoại ở tỉnh Quảng Tây vì thế cũng đồng nghĩa với một thông điệp rằng, Việt Nam sẽ không chào đón các dự án đầu tư có nguy cơ môi trường từ nước này. Và có thể xem đó là một sự răn đe cần thiết.

Tại cuộc đối thoại với CEO các doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây, ngoài những phát biểu mời gọi các dự án đầu tư từ nước này vào nền kinh tế Việt Nam, thì một trọng tâm đáng chú ý của thủ tướng Việt Nam là việc đưa ra thông điệp về vấn đề môi trường. Theo đó, Việt Nam sẽ không chào đón các dự án đầu tư có nguy cơ môi trường từ các doanh nghiệp Trung Quốc: “Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý các nhà đầu tư bảo vệ môi trường cho tốt, không đầu tư bằng bất cứ giá nào, cho nên phải sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân” (theo CafeF).

Lời phát biểu này không chỉ mang hàm ý như một thông điệp rằng, Việt Nam đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường trong các dự án đầu tư kinh tế, mà có lẽ nó còn mang theo những thông điệp khác, liên quan mật thiết đến một thực tế rằng: khá nhiều các dự án có nguy cơ về mặt môi trường ở Việt Nam trong thời gian vừa qua dù có ngẫu nhiên hay không thì lại đều đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Có thể kể đến những trường hợp điển hình nhất cho thực tế rằng, tỷ lệ lớn các dự án đầu tư có nguy cơ về môi trường ở Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Chẳng hạn như dự án nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang đang bị thanh tra toàn diện do có nguy cơ đầu độc toàn bộ sông Hậu, hay mới đây nhất là việc vỡ đường ống dẫn xút ở nhà máy Alumin Nhân Cơ do nhà thầu Chalieco đến từ Trung Quốcphụ trách.

Đó là chưa kể đến hàng loạt các nhà máy nhiệt điện tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cũng sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Đối với nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, những dự án đầu tư có xuất xứ từ Trung Quốc phần lớn đều gắn liền với những tai tiếng nhất định và những công nghệ mà các dự án này sử dụng đều đồng nghĩa với sự lạc hậu và có nguy cơ môi trường rất cao.

Theo thống kê,trong tổng số các dự án đầu tư vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc,tỷ lệ lớn nằm trong các lĩnh vực không đòi hỏi công nghệ cao như khai khoáng, dệt may và da giày,… và những công nghệ được các công ty Trung Quốc đem vào phần lớn là công nghệ cũ và lạc hậu, thuộc diện thâm dụng lao động đơn giản quy mô lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài có nguy cơ về môi trường tại Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Quá trình phát triển nóng một cách ồ ạt theo kiểu bằng mọi giá của Trung Quốc trong ba thập kỷ vừa qua biến nước này thành nơi tập trung của rất nhiều các dây chuyền công nghệ cũ và lạc hậu trên khắp thế giới đổ về, và khi quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra tại khu vực châu Á Thái Bình Dương do Trung Quốc đã không còn là nơi đầu tư thuận lợi, thì các công nghệ cũ và lạc hậu từ nước này cũng bắt đầu dịch chuyển sang các nền kinh tế đang phát triển khác, mà Việt Nam là một trong số đó.

Nguy cơ đào thải công nghệ cũ lạc hậu và có tác động lớn về môi trường này từ quá trình dịch chuyển sản xuất đã được giới nghiên cứu quốc tế cảnh báo từ cách đây cả thập kỷ, theo đó các công nghệ lạc hậu sẽ không bị loại bỏ mà được chuyển sang các nền kinh tế mới nổi để tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất và những quy định lỏng lẻo về môi trường tại các quốc gia này.

Theo thống kê, doanh nghiệp FDI từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông thường ưu tiên chọn những điểm đến có chính sách môi trường kém khắt khe hơn; trong khi doanh nghiệp từ các quốc gia phát triển như Australia, New Zealand, Hà Lan,… lại tìm kiếm những điểm đến xứng đáng với danh tiếng mà họ đã dày công tạo dựng dù tiêu chuẩn về môi trường khắt khe hơn và có thể khiến cho tăng giá thành sản phẩm và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh (theo The Saigon Times).

Thực tế đã chứng minh, các dự án sử dụng công nghệ cũ và lạc hậu thường có xuất xứ từ các quốc gia đang phát triển và có những quy định lỏng lẻo về môi trường; và ít khi đến từ các nước có nền kinh tế phát triển và quy định môi trường chặt chẽ. Nói cách khác, thách thức về môi trường từ các dự án phát triển kinh tế đối với Việt Nam hiện nay một phần lớn đến từ chính Trung Quốc – quốc gia phát triển ồ ạt trong ba thập kỷ qua và là nơi tập trung các dây chuyền công nghệ lạc hậu lớn nhất thế giới.

Chi phí sản xuất gia tăng mạnh tại Trung Quốc là lý do khiến những công nghệ lạc hậu và năng suất kém cỏi không còn chỗ dung thân tại nước này, nhưng chúng không bị loại bỏ mà tìm cách chuyển tới các nền kinh tế mới nổi có chi phí thấp như Việt Nam. Thảm họa môi trường do Formosa gây ra cách đây không lâu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi mà một thực tế là có tới 80-90% các dự án đầu tư đến từ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ ở Việt Nam đều có công nghệ cũ và lạc hậu. Nói cách khác, đây đang là yếu tố lớn nhất tạo ra “nguy cơ biến Việt Nam trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường đang hiện hữu” như nhận định được đề cập trong Chỉ thị 5/CT-TTg được thủ tướng ban hành cách đây không lâu.

Vì thế, việc cảnh báo và đưa ra thông điệp mang tính răn đe đối với các doanh nghiệp Trung Quốc có ý định tiếp tục đưa các công nghệ cũ và lạc hậu vào Việt Nam của thủ tướng là điều cần thiết. Để cụ thể hóa thông điệp bảo vệ môi trường này của thủ tướng, Việt Nam sẽ vẫn cần những quy định cụ thể và chặt chẽ để kiểm soát các dự án đầu tư nước ngoài có nguy cơ nói chung, và từ Trung Quốc nói riêng. Nhưng, một thông điệp răn đe mang tính cảnh báo trước đối với nguồn phát sinh chủ yếu của các dự án tiêu cực về môi trường cũng là việc cần làm.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam sẽ không chào đón các dự án đầu tư có nguy cơ môi trường từ Trung Quốc?