Tại phiên tòa phúc thẩm, do không có tình tiết mới nên VKS đề nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng.

VKS đề nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng

Thu Anh | 10/05/2018, 14:17

Tại phiên tòa phúc thẩm, do không có tình tiết mới nên VKS đề nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng.

Ngày 10.5, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bố kết thúc phần xét hỏi đối với các bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC với sai phạm tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Trước khi tranh luận, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã nhận định: Xét thấy hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi của mình, nhưng bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận bản án sơ thẩm khi cho rằng việc chỉ định thầu là do chỉ đạo của Thủ tướng, bị cáo chỉ thừa nhận trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV nên nôn nóng, đã ép tiến độ; tại phiên tòa không có tình tiết mới nên VKS đề nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Đối với các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển, Lê Đình Mậu, Nguyễn Mạnh Tiến, VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt do các bị cáo thành khản khai báo. Do không có thêm các tình tiết mới nên VKS đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo còn lại. Riêng bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC), VKS đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho tội “Tham ô” và giữ nguyên bản án như cấp sơ thẩm đã tuyên với tội “Cố ý làm trái”.

Đại diện VKS tại phiên xét xử phúc thẩm - Ảnh: M.Hùng

Trong phần luận tội, VKS nhận định: Đối với kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, VKS cho rằng Đinh La Thăng có quyền hạn và quyết định, thực hiện giám sát các quyết định của HĐTV PVN. Trong dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo là người chịu trách nhiệm toàn bộ về việc lựa chọn nhà thầu sai quy định khi PVC không có năng lực thi công, không đáp ứng yêu cầu tài chính lành mạnh.

Theo VKS, bị cáo Thăng biết không đủ điều kiện để có thể ký Hợp đồng EPC số 33 (HĐ ký giữa chủ đầu tư PVPower và nhà thầu PVC đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) nhưng chỉ đạo cấp dưới phê duyệt thiết kế kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ đề xuất để đảm bảo kịp khởi công.

Từ những lời khai của các bị cáo khác, cùng tài liệu điều tra cho thấy những việc trên thể hiện bị cáo Thăng biết HĐ 33 chưa có những hồ sơ cần thiết theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, bị cáo còn chỉ đạo tạm ứng khi chưa có hướng dẫn tạm ứng dẫn đến việcPVC sử dụng tiền sai mục đích.

Như vậy, VKS khẳng định Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc chủ trương thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo BQL căn cứ HĐ này cấp tạm ứng sai quy định để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 1.100 tỉ đồng sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỉ đồng.

Đối với kháng cáo của bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN), VKS cho rằng bị cáo là người điều hành các hoạt động sản xuất hàng ngày, hành vi chỉ đạo PVPower ký HĐ 33 khi chưa đủ căn cứ là trái quy định của pháp luật.

Xét kháng cáo của các bị cáo còn lại, VKS nhận định: Về tội “Cố ý làm trái” được thể hiện qua hành vi lựa chọn nhà thầu PVC trái với các Nghị địnhcủa Chính phủ khi HĐ 33 có nhiều nội dung không có thật, không có giá trị HĐ và thanh toán, không có phụ lục quy định về điều kiện thanh toán, chưa được chủ đầu tư phê duyệt nhưng PVN đã chuyển tiền tạm ứng cho BQL để chuyển tạm ứng cho PVC, trái quy định của nhà nước.

Trước đó, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái”. Các bị cáo đồng phạm nhận mức án từ 30 tháng tù treo đến 22 năm tù.

Theo cáo trạng truy tố, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVC là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Cơ quan chức năng xác định, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.

Sau đó, Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỉ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỉ đồng.

Nhã Thanh

Ông Đinh La Thăng nói tài sản hiện nay không có gì ngoài 1 căn hộ chung cư

Cấp dưới PVN: Đã cảnh báo nhiều lần nhưng tất cả đều im lặng​

Ông Đinh La Thăng: Trách nhiệm về hợp đồng 33 là của PVPower​

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VKS đề nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng