Theo luật sư Kiều Anh Vũ, các sai phạm (nếu có) của công ty Alibaba với quy mô lên đến hàng nghìn người với hàng nghìn tỉ đồng thì có thể thấy rằng có lẽ cơ quan có thẩm quyền của địa phương đã không thật sự sâu sát trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm cũng như cảnh báo kịp thời cho người dân.
Liên quan đến vụ việc hàng loạt lãnh đạo Công ty địa ốc Alibaba bị khởi tố, phóng viên báo điên tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty Luật KAV Lawyers về vấn đề này.
- Thưa ông, lãnh Công ty cổ phần Alibaba vừa bị khởi tố. Theo điều tra sơ bộ của cơ quan công an, đã có khoảng 6.700 người tham gia góp vốn với số tiền khoảng 2.500 tỉ đồng. Theo ông, liệu những khách hàng đã góp tiền mua đất của Alibaba có cơ hội lấy lại tiền của mình hay không? Họ cần làm những gì để đòi lại quyền lợi cho mình?
Luật sư Kiều Anh Vũ: Về việc nhà đầu tư muốn lấy lại tiền thì cũng phải xem xét trên cơ sở hợp đồng, giao dịch giữa nhà đầu tư với công ty cũng như tư cách tham gia tố tụng của nhà đầu tư trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Cơ quan có thẩm quyền đang giải quyết.
Tùy theo nhà đầu tư, loại hợp đồng, giao dịch đã thực hiện giữa nhà đầu tư với công ty này, nhà đầu tư có thể được xác định tư cách tố tụng khác nhau, không phải nhà đầu tư nào giao dịch, ký hợp đồng với công ty, có chuyển tiền cho công ty thì đều là người bị hại.
Nhà đầu tư là người bị hại nếu trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc cũng có thể là nguyên đơn dân sự nếu bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại (tương ứng công ty là bị đơn dân sự) hoặc thậm chí cũng có thể được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
Nếu là bị hại trong vụ án, nhà đầu tư được quyền yêu cầu bị can, bị cáo có trách nhiệm hoàn trả tiền, bồi thường thiệt hại cho mình trong vụ án hình sự này. Đối với những nhà đầu tư không phải là bị hại trong vụ án thì quyền lợi của nhà đầu tư là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, có thể được giải quyết chung trong vụ án này hoặc tách riêng để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Khi đó, nhà đầu tư có thể căn cứ vào hợp đồng, giao dịch, có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự về hợp đồng vô hiệu chẳng hạn (nếu có cơ sở như hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, có yếu tố lừa dối,…) và quyền lợi của nhà đầu tư được giải quyết trên cơ sở hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, công ty đã nhận tiền của nhà đầu tư thì phải hoàn trả cho nhà đầu tư, bên có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại tương ứng.
Do vụ án đang được giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự nên khách hàng muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, căn cứ trên cơ sở hợp đồng đã ký kết, khách hàng cần liên hệ cơ quan điều tra để nêu ra các yêu cầu, kiến nghị của mình và đề nghị tham gia vào vụ án. Tất nhiên, khách hàng cũng cần phải củng cố các hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan như các văn bản đã ký kết, các bằng chứng về việc thanh toán tiền, nhận tiền của công ty,…
- Sau khi lãnh đạo công ty bị bắt, các nhân viên của địa ốc Alibaba này đã hướng dẫn khách hàng ký vào đơn xin… không tố cáo. Xin ông cho biết quan điểm của mình về điều này? Với vụ việc này, giả dụ việc không có người tố cáo thì cơ quan chức năng có xử lý được hay không?
Luật sư Kiều Anh Vũ: Có thể nói là mẫu đơn tự chế, tự phát từ phía công ty mà thôi.Quyền tố cáo, tố giác tội phạm là quyền của công dân theo quy định của pháp luật; thậm chí Bộ luật Hình sự còn quy định cả về tội danh che giấu tội phạm, khôngtố giác tội phạm.
Do đó, việc công dân tố cáo, tố giác tội phạm vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân nên việc hướng dẫn không tố cáo, tố giác tội phạm khi có dấu hiệu tội phạm là không đúng quy định của pháp luật.
Hơn nữa, giá trị pháp lý của “đơn không tố cáo” cũng không có ý nghĩa nhiều trong việc giải quyết vụ án hình sự về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại nên dù có đơn tố cáo, tố giác hay không thì cơ quan chức năng, trong thẩm quyền của họ vẫn được quyền khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy vậy, nếu vì lý do nào đó nhà đầu tư cũng không hợp tác với cơ quan chức năng, không tố cáo, tố giác thì việc thu thập chứng cứ, giải quyết vụ án có thể sẽ mất thời gian hơn và việc nhà đầu tư không hợp tác, không tố cáo, tố giác tội phạm thì quyền lợi của nhà đầu tư cũng có thể bị ảnh hưởng.
- Theo ông, trách nhiệm của chính quyền địa phương thế nào khi đã để doanh nghiệp này hoành hành suốt mấy năm qua, kéo theo hàng nghìn người bị hại?
Luật sư Kiều Anh Vũ: Chính quyền địa phương đương nhiên có trách nhiệm trong việc quản lý trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật. Các sai phạm nếu có của công ty này với quy mô lên đến hàng nghìn người với hàng nghìn tỉ đồng thì có thể thấy rằng có lẽ cơ quan có thẩm quyền của địa phương đã không thật sự sâu sát trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm cũng như cảnh báo kịp thời cho người dân.
Tuy vậy, cũng không loại trừ khả năng nhà đầu tư cũng vì muốn đầu tư nhanh chóng, tin vào mức cam kết lợi nhuận cao mà tự nguyện tham gia vào giao dịch mặc dù chính quyền địa phương cũng đã có cảnh báo thì khi đó nhà đầu tư cũng phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình chứ không thể “đổ lỗi” cho chính quyền địa phương.
Do vậy, trách nhiệm của các bên liên quan, quyền lợi của nhà đầu tư trong vụ án này cũng cần phải tiếp tục làm rõ, chờ đợi kết quả điều tra, giải quyết từ cơ quan chức năng.
Lừa 6.700 người, thu 2.500 tỉ?
Công an TP.HCM đã phối hợp Cục Cảnh sát kinh tế, Công an các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu điều tra các dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, trụ sở hoạt động tại số 120-122 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).
Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp (trong đó có một số rất ít đất ở tại nông thôn), giao cho các cá nhân đứng tên và tự vẽ ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án…
Sau đó, tổ chức quảng cáo là đất dự án để bán cho hàng ngàn người và số tiền thu được lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Ngày 13.9.2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Alibaba và các công ty có liên quan. Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ngày 18.9.2019, Công an TP.HCM đã thi hành các lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh tại trụ sở và các chi nhánh của Công ty Alibaba trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.
Kết quả điều tra ban đầu cũng đã xác định Nguyễn Thái Luyện, với vai trò là chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba đã giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã bắt giữ Nguyễn Thái Luyện để điều tra.