Theo luật sư, số nạn nhân tử vong sau chạy thận là 9 người chứ không phải là 8 nạn nhân như đã công bố.
Sáng 18.5, tại phiên tòa xét xử bác sĩHoàng Công Lương tại TAND TP.Hòa Bình, luật sư Nguyễn Ngọc Trung (đại diện cho gia đình các nạn nhân tại sự cố y khoa xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình) đã công bố con số thiệt hại chính thức. Theo luật sư Trung, số nạn nhân tử vong sau chạy thận là 9 người chứ không phải là 8 nạn nhân như đã công bố. Ông Trung cho biết đã xin ý kiến HĐXX cho ông được đại diện cho gia đình 9 nạn nhân và HĐXX đã đồng ý.
Ngoài ra, trong phiên xét hỏi, luật sư đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn cũng bày tỏ sự đau lòng về sự cố đã xảy ra, nếu Bệnh viện là ngôi nhà thứ hai của những bệnh nhân chạy thận thì theo vị đại diện của Công ty Thiên Sơn, công ty chính là người nhà của họ trong ngôi nhà đó.
Trước đó, trả lời VKS, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh - Công ty Trâm Anh) cho biết, Công ty được thành lập trước khi xảy ra sự cố y khoa (29.5.2017) đúng 6 tháng. Công ty Trâm Anh không trực tiếp ký hợp đồng thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO với BVĐK tỉnh Hòa Bình mà thỏa thuận với Công ty Thiên Sơn. Có thể hiểu, BVĐK tỉnh Hòa Bình là Bên A, Thiên Sơn là Bên B, còn Trâm Anh là Bên B’.
Cũng trong ngày xét xử 18.5, trả lời các câu hỏi của luật sư về trách nhiệm của BVĐK tỉnh Hòa Bình, luật sư Nguyễn Danh Huế - Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của BVĐK tỉnh Hòa Bình - khẳng định: “Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự. BVĐK tỉnh Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để cung cấp các thông tin, hồ sơ, tài liệu để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử được khách quan, đúng pháp luật”. Luật sư Huế cũng khẳng định: Vấn đề trách nhiệm dân sự, bệnh viện sẽ tuân thủ đúng các phán quyết của HĐXX.
Theo cáo buộc, Bùi Mạnh Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Quá trình thực hiện, Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axitclohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc. Trong lúc thực hiện, do cẩu thả đã để tồn dư 1 lượng hóa chất lớn trong hệ thống lọc nước.
Ngày 29.5.2017, Quốc bỏ mặc cho việc hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng mà không thực hiện lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn AAMI như hợp đồng ký kết. Hậu quả sự việc làm 8 người tử vong.
Trần Văn Sơn bỏ bê công việc khi là người được giao kiểm tra, giám sát việc thay thế, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Nhưng trong quá trình làm nhiệm vụ, Sơn không trực tiếp có mặt, không theo dõi, giám sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Chiều 28.5.2017, khi trao đổi với Bùi Mạnh Quốc qua điện thoại, Sơn biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng đã giao lại qua điện thoại cho điều dưỡng viên, không báo cáo cụ thể sự việc với lãnh đạo phòng.
Nội dung cáo buộc cho rằng, Hoàng Công Lương là người được đào tạo kỹ thuật lọc máu cơ bản, được giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn nên buộc phải nhận thức rõ trách nhiệm được giao. Theo đó, ngày 20.4.2017, bị can Hoàng Công Lương thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sữa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và biết rõ việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28.5.2017. Với trình độ, nhận thức, vai trò, trách nhiệm được giao, bị can Lương phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của Trưởng khoa.
Tuy nhiên, sáng 29.5.2017, khi mới nghe Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong thì Lương chủ quan, không kiểm tra lại, không báo lại với Trưởng khoa mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong.
Nhã Thanh
Vụ chạy thận chết 8 người: Lộ ra tỷ lệ ăn chia
Vụ chạy thận chết người: Bác sĩ Hoàng Công Lương thực hiện quyền im lặng
Nhiều chuyên gia y tế lên tiếng về trách nhiệm của BS Hoàng Công Lương