Liên quan đến vụ việc cô giáo tiểu học quỳ xuống xin lỗi phụ huynh vì đã bắt cả lớp quỳ trong giờ học, trao đổi với báo chí, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an đánh giá đây là một sự việc rất nghiêm trọng. Đây không còn là câu chuyện cá nhân giữa cô giáo và vị phụ huynh.
Ông Hiếu cho rằng việc một cô giáo bị phụ huynh gây áp lực đến mức phải quỳ trong 40 phút, ngay tại cơ sở giáo dục, trước mắt học sinh, giáo viên và phụ huynh... đã trở thành một hình ảnh có tính biểu tượng về sự sa sút trong đạo đức xã hội, về truyền thống tôn sư trọng đạo. Do đó, trách nhiệm xử lý rốt ráo sự việcthuộc về các ngành chức năng, dưới sự giám sát của xã hội.
Theo vị này, đây là trường hợp hỗn hợp lỗi, 2 phía đều có sai phạm. Tuy nhiên, tính chất và mức độ sai phạm khác nhau.
Về sai phạm của cô giáo, ông Hiếu cho rằng hình thức phạt quỳ mà cô giáo buộc học sinh thực hiện không được quy định trong các quy chế, quy định ngành dọc. Đây là sự “sáng tạo” không được phép của cô giáo, vì hành động này tác động lên thân thể học sinh, gây ra những mệt mỏi, căng thẳng, ức chế tâm lý, chán học trong trẻ. Mục tiêu “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” không đạt được qua những hình phạt thiếu tính sư phạm này.
Tuy nhiên, theo vị này, việc làm của cô giáo trong trường hợp này xuất phát từ mong muốn duy trì kỷ luật lớp bằng các biện pháp chế tài cứng rắn. Việc bắt học trò quỳ có mục đích làm trẻ ngoan hơn, chứ không có mục đích xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của các cháu. Hơn nữa, trong tư duy dạy trò truyền thống ngàn đời nay của người Việt, việc thầy đồ dùng roi vọt dạy trò trở thành biểu tượng của giáo dục Nho giáo.
Đối với vị phụ huynh, được cho là đã gây áp lực, bắt cô giáo phải quỳ gối mới bỏ qua lỗi, ông Hiếu cho biết hiện nay sự việc đang được xác minh nên chưa thể đưa ra những nhận xét mang tính kết luận, vì có thông tin rằng cô giáo tự giác quỳ để cho qua chuyện.
Tuy nhiên, trong trường hợp cô giáo buộc phải quỳ do bị ép buộc thì cần phải lên án, bởi hành động ép buộc giáo viên của con mình quỳ gối trước mặt nhiều người, là hành động xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, tư cách nghề nghiệp của người giáo viên.
“Quỳ gối là hành động không đúng, không phù hợp với vai trò của giáo viên trong nhà trường. Ép buộc một giáo viên làm việc này là biểu hiện cao độ của thói ngạo mạn, đặt cái tôi lên trên mọi chuẩn mực văn hoá, đạo đức”, ông Hiếu nêu và đánh giá, hành vi này không chỉ xúc phạm đến cá nhân cô giáo, mà nghiêm trọng hơn là làm nhục nghề thầy, chạm vào dây thần kinh nhạy cảm nhất của nghề trồng người-đó là mong muốn được tôn trọng.
Trong trường hợp cô giáo chủ động quỳ xin lỗi như lời nói của phụ huynh, ông Hiếu bày tỏ: “Không ai có thể dễ dàng tự bỉ, hạ thấp danh dự nhân phẩm của mình trước mắt học sinh và đồng nghiệp. Hành động tự quỳ (nếu có) và kéo dài trong 40 phútchỉ có thể là kết quả của áp lực tâm lý bên trong đủ mạnh, đủ căng thẳng, khiến cô giáo phải thực hiện để làm xuôi lòng phụ huynh”.
Theo đó, hành vi của vị phụ huynh nọ đã có dấu hiệu của tội “làm nhục người khác”, được quy định tại Điều 155- BLHS 2015. Vị phụ huynh là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo điều 12 BLHS 2015. Hành vi gây sức ép bắt cô giáo quỳ gối nhận lỗi trong hơn 40 phút, trước mặt học sinh và đồng nghiệp, đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của công dân.
Về mặt chủ quan, ông Hiếu nêu rõ, vị phụ huynh đã thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Tức là chủ thể biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện, nhằm hạ nhục cô giáo.
Về mặt khách quan, hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác là việc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của công dân, làm họ mất uy tín trước mặt mọi người xung quanh. Trong trường hợp này, cô giáo đã bị sỉ nhục, hạ nhục ở chỗ đông người, trước mặt học sinh và đồng nghiệp, phụ huynh khác.
“Giáo viên đó còn tự tin khi đứng trên bục giảng? Còn quyền uy tinh thần để điều hành lớp học? Nỗi nhục là điều mà ai cũng có thể đoán định được. Người bị hại cảm thấy nhục là dấu hiệu quan trọng trong tội này”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vì vậy, vị này cho rằng cần thiết phải có một cuộc điều tra do cơ quan điều tra tiến hành, thu thập chứng cứ, làm rõ sự việc và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.Trong vụ này, cô giáo bị hại và nhà trường cần khẩn trương đề nghị khởi tố vụ án, vì tội này khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng việc khởi tố điều tra vị phụ huynh nọ theo điều 155 là có căn cứ và cần phải làm ngay. Vì xã hội đang hết sức bức xúc. Tại Hà Nội, các vụ án nhạy cảm, tác động xã hội sâu rộng thế nàythường được giao cho đội Điều tra trọng án, phòng CSHS để tập trunglàm rõ trong thời gian sớm nhất”, ông Hiếu chia sẻ.
Hoài Phong