64 công dân Liên Xô chết trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba hồi năm 1962, là thông tin được Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên công bố ngày 11.9.2017.

Vụ khủng hoảng tên lửa Cuba làm 64 người Liên Xô chết

12/09/2017, 14:44

64 công dân Liên Xô chết trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba hồi năm 1962, là thông tin được Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên công bố ngày 11.9.2017.

Lãnh đạo LX Khrushchev gặp Tổng thống Kennedy -Ảnh Moscow Times

Theo thông tin chính thức của Bộ Quốc phòng Nga: 64 công dân Liên Xô (LX) hy sinh trên lãnh thổ Cuba từ năm 1962-1964.

Đây là lần đầu tiên số người LX chết trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba được công bố từ một nguồn thông tin chính thức. Bộ Quốc phòng Nga không nói rõ bao nhiêu người chết là quân nhân.

Các ước tính trước đây cho rằng có hơn 60 lính LX hy sinh từ năm 1962 đến 1964, trong “nỗ lực cứu hộ vụ bão Flora, trong quá trình huấn luyện chiến đấu và từ tai nạn, bệnh tật”.

68 sĩ quan và binh lính LX được chôn tại một nghĩa trang ở La Havana (thủ đô Cuba) hồi năm 1978, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hồng quân LX, theo báo Moscow Times. Nhưng lúc đó không có thông tin bao nhiêu người chết trong Vụ khủng hoảng tên lửa Cuba.

55 năm trước khi có tuyên bố này, ngày 9.9.1962, LX chuyển những tên lửa đạn đạo đầu tiên đến Cuba, như một phần chiến dịch bí mật Anadyr.

Sergei Khrushchev, con trai cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản LX Nikita Khrushchev, từng kể lại vụ khủng hoảng tên lửa Cuba trong một bài viết dài mang tựa Cha tôi và TT Mỹ Kennedy cứu thế giới như thế nào, khẳng định vụ này rất nguy hiểm, vì LX và Mỹ không kiểm soát được.

Nhưng những nhượng bộ giữa Khrushchev với Tổng thống Mỹ John Kennedy đã giúp vụ khủng hoảng tên lửa Cuba kết thúc êm ả sau 10 ngày căng thẳng cao độ.

Vụ vịnh Con Heo xảy ra trong ngày sinh nhật Khrushchev

Sau khi Fidel Castro thực hiện cuộc cách mạng Cuba thành công năm 1959, Mỹ cấm vận kinh tế Cuba, không mua đường của Cuba nữa, vì Fidel quốc hữu hóa các xí nghiệp chế biến dầu của Mỹ.

Kennedy thay Eisenhower vào Nhà Trắng từ tháng 1.1961 và tình hình Cuba trở nên căng thẳng. Nếu Mỹ xâm lược Cuba, làm sao LX có thể giúp? Lúc đó, hải quân Mỹ mạnh hơn hải quân LX rất nhiều.

Cuba chỉ cách bang Florida 90 dặm, trong khi cảng LX gần Cuba nhất cũng là 7.000 dặm. Vì thế, Khrushchev quyết định tăng tốc viện trợ vũ khí hạng nhẹ, xe tăng và pháo.

Sáng sớm 17.4.1961, đúng sinh nhật 66 tuổi của Khrushchev, một nhóm lính nhảy dù xuống vịnh Con Heo tại Cuba. Báo cáo cho biết đó chỉ là những tay Cuba lưu vong và chiến hạm Mỹ đậu ngoài khơi không can thiệp.

3 giờ 15 sáng 20.4.1962, đài phát thanh Havana cho biết bọn đánh thuê bị tiêu diệt, nhân dân Cuba chiến thắng. Trận đánh vịnh Con Heo chỉ kéo dài 72 giờ.

Quyết định dàn tên lửa LX ở Cuba

Cuối tháng 5.1962, Khrushchev quyết cử tên lửa hạt nhân chiến lược đến Cuba. Sự hiện hữu của tên lửa đạn đạo LX ở gần biên giới Mỹ sẽ gây sốc, thậm chí hoảng loạn.

Nhà Trắng không biết thực tế là tại Cuba không chỉ có tên lửa chiến lược, mà còn là hàng chục tên lửa chiến thuật và đầu đạn hạt nhân.

Nếu Mỹ đánh Cuba, lính LX tại Cuba dưới sức ép địch đông hơn sẽ phải đối diện sự chọn lựa đầu hàng, hoặc bắn vũ khí hạt nhân vào địch.

Với sự hỗ trợ của vũ khí hạt nhân, 42.000 lính LX (chứ không phải 10.000 như báo cáo của CIA) chắc chắn sẽ tiêu diệt lực lượng đổ bộ và bắn chìm các chiến hạm Mỹ.

Ngày 22.10.1962, Kennedy tuyên bố phong tỏa các cửa biển đến Cuba. Nhưng hôm sau ông tỏ ý nới tay bằng cách kéo lùi ranh giới tấn công tàu hàng quân sự LX ra xa 800 dặm, để Khrushchev có nhiều thời gian hành động.

Lúc đầu, ông ra lệnh tàu LX cứ tiến tới, mặc kệ đe dọa của Washington: “Dù gì thì đó cũng là hải phận quốc tế, ai đánh cứ thử xem?”.

Đó là không kể đoàn tàu này có tàu ngầm hộ tống, mỗi chiếc đều có một quả thủy lôi hạt nhân và nhiều thủy lôi quy ước. Chỉ huy tàu ngầm đều được nhận lệnh “toàn quyền hành động, tùy theo hoàn cảnh”. Nếu tàu hàng bị tấn công, cứ việc sử dụng số vũ khí trên tàu.

Sáng 24.10, giữa Mỹ và LX chỉ cách cuộc chiến nửa giờ đồng hồ. Chỉ vài phút trước khi xảy ra đánh nhau, tàu hàng LX chở các phương tiện quân sự được lệnh quay đầu rút, tàu chở dầu và hàng hóa khác cứ tiếp tục đi.

Đến lượt Washington cẩn trọng: Kennedy ra lệnh tạm ngưng việc phong tỏa Cuba, trước hết cho tàu hàng Bucharest của LX rồi tàu khách mang cờ CHDC Đức vào Cuba.

Đó là cách hai lãnh đạo phát tín hiệu cho nhau: “Kiên quyết nhưng không liều lĩnh, sẵn sàng nhượng bộ hợp lý”.

Ngày 26.10.1962. Khrushchev chuẩn bị một lá thư gởi Kennedy, đề nghị gỡ bỏ tên lửa ở Cuba, đổi lại Mỹ bảo đảm không xâm lược Cuba và rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và Ý.

Khrushchev rất cảnh giác, quyết định không làm phức tạp thêm cuộc thương lượng. Vì thế, ông xóa toàn bộ những đòi hỏi gỡ tên lửa Mỹ tại châu Âu. Thay vào đó, LX đề nghị nếu Mỹ hứa không tấn công Cuba, LX sẽ tháo bỏ số tên lửa đặt tại Cuba.

Lá thư đuợc viết lại gởi đến các thành viên BCH TW, do chính tay Khrushchev sửa vào giờ chót. Rồi một giao liên đem lá thư đến Sứ quán Mỹ tại Moscow.

Lá thư đến nơi lúc 17 giờ (giờ Moscow) hoặc khoảng 10 giờ sáng bên Mỹ, ngày 26.10. Nó được dịch nhanh sang tiếng Anh và gởi đến Ủy ban điện tín trung ương Moscow, nơi mọi hoạt động đều chậm trễ do sự cố kỹ thuật.

Lá thư có thể quyết định số phận thế giới nếu không thể đến Washington trong vòng ít nhất 6 giờ.

Lính LX dàn tên lửa ở Cuba

Bữa ăn trưa hối thúc

Ngày 26.10, trưởng cơ quan KGB ở Washington là Aleksander Fomin mời nhà báo John Scali (của kênh TV ABC và có nhiều thông tin) dùng bữa trưa với hy vọng lấy được vài điều thú vị.

Scali báo cáo lời mời với Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk, người báo lại với Tổng thống Kennedy. Lãnh đạo Nhà Trắng liền quyết định dùng Fomin để gây thêm sức ép lên phía LX.

Tại bữa trưa, nhà tình báo Fomin bị nhà báo Scali ép, dọa nếu Moscow không gỡ tên lửa, Mỹ sẽ nghiêng về giải pháp quân sự, không trì hoãn việc xâm lược Cuba thêm một giây nào nữa.

Nhà báo Mỹ nói Lầu Năm Góc cho biết trong vòng 48 giờ có thể đập nát cả tên lửa lẫn chế độ Castro.

Fomin nổi giận, dọa lại, dù không được cấp trên chỉ đạo làm thế. Ông láu lỉnh bảo: “John này, anh nên biết… nếu đổ bộ lên Cuba sẽ cởi trói đôi tay Khrushchev. Nếu anh tấn công, LX có toàn quyền phản ứng ở nơi khác…”.

Câu chuyện kết thúc, hai người nhấm nháp cà phê trong yên lặng rồi ra về. Fomin báo cáo với Đại sứ LX tại Mỹ Dobrynin, Scali báo cáo với Nhà Trắng.

Nhưng họ không phải là những người Nga-Mỹ duy nhất ăn trưa với nhau tại Washington trong ngày hôm đó.

Kornienko, một quan chức Sứ quán LX nhận lệnh xác minh tin tình báo có phải cuộc xâm lược sắp bắt đầu hay không.

Sáng hôm ấy Sứ quán LX gọi điện cho nhà báo Rogers, mời ông ăn trưa với Kornienko. Rogers xì “thông tin nội bộ” của ông ấy rằng kế họach tấn công Cuba đã bị hủy.

Thông tin này được gởi về LX lập tức, ngay sau khi Kornienko trở về Sứ quán. Lúc đó là tối thứ sáu tại Moscow.

Đêm không ngủ ở Nhà Trắng

Khrushchev thức suốt đêm hôm ấy trong Điện Kremlin, trằn trọc trên tấm nệm trải trong phòng làm việc, ngủ gật chờ cú điện thọai báo tin rắc rối. Nhưng không có chuyện gì xảy ra. Cùng lúc ấy, Tổng thống Mỹ cũng không ngủ được, trong tình trạng báo động.

Scali vội đến Nhà Trắng sau khi nói chuyện với Fomin. Ông kể lại lời dọa của trưởng chi nhánh KGB tại Mỹ, Tổng thống Mỹ hoang mang, và khoảng 4 giờ sáng hôm ấy Scali gọi điện đến Sứ quán LX tìm Fomin đề nghị gặp lần nữa.

Scali đề nghị: LX rút tên lửa ở Cuba trong sự “đỡ đầu” của LHQ, Mỹ sẽ bỏ phong tỏa đường biển và hứa không xâm lược Cuba. Fomin hỏi "Ai cho phép đề nghị này?" và nhận được câu trả lời: "John Fitzgerald Kennedy, Tổng thống Mỹ".

Fomin hứa sẽ chuyển đề nghị này về Moscow lập tức. Thông điệp ấy mất nhiều thời gian ở Cục điện tín Moscow, nên chỉ đến Washington lúc 18 giờ tối 26.10 (1 giờ sáng 27-10 giờ Moscow). Lúc đó Scali đã đi gặp Fomin và Khrushchev đang ngủ gật.

Khi Nhà Trắng đọc hết lá thư, mới nhận ra tốt nhất nên nhất trí với đề nghị của LX. Họ dặn Scali nhớ nhấn mạnh không phải ông ấy, mà chính Fomin thỏa hiệp.

Sau này, cuộc gặp ấy có kết quả, được ghi bằng tấm biển gắn trên tường nhà hàng Occidental, nơi hai người dùng bữa trưa, ghi hàng chữ: “Vào thời điểm căng thẳng của cuộc khủng hoảng Cuba, tháng 10.1962. Một nhân vật bí ẩn người Nga, ông X đề nghị với phóng viên Scali của ABC News. Cuộc gặp ấy tránh được sự đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân”.

Trước khi chiến tranh bắt đầu, LX chấp nhận đề nghị của Kennedy, gỡ bỏ tên lửa và tin lời hứa không xâm lược Cuba của Tổng thống Mỹ.

Vĩnh Thụy (sưu tầm)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 20.1 tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức gặp mặt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); tri ân, tôn vinh đảng viên có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho đất nước; thông tin về tình hình đất nước và chúc tết nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ khủng hoảng tên lửa Cuba làm 64 người Liên Xô chết