Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SB Law) cho rằng Bộ Công an cần vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc mất bản đồ. Nếu có dấu hiệu nhằm mục đích thay đổi, trục lợi, thì cần làm rõ động cơ, từng cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Vụ mất bản đồ Thủ Thiêm: Bộ Công an cần vào cuộc điều tra

Trí Lâm | 05/05/2018, 09:42

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SB Law) cho rằng Bộ Công an cần vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc mất bản đồ. Nếu có dấu hiệu nhằm mục đích thay đổi, trục lợi, thì cần làm rõ động cơ, từng cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tấm bản đồ là mấu chốt việc khiếu kiện

Để thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) với tổng diện tích 657 ha, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời với kinh phí gần 30.000 tỉ đồng chi trả bồi thường, tái định cư. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, hàng nghìn hộ dân tại đây liên tục khiếu nại, tố cáo phản đối việc thu hồi đất. Người dân cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh giới dự án được quy hoạch theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ vào năm 1996 nhưng vẫn bị thu hồi từ giai đoạn 2002 và 2005.

Người dân cho rằng chính quyền địa phương bắt tay nhau thu hồi đất ngoài quy hoạch và đã cùng nhau tố cáo lên trung ương. Trong các cuộc đối thoại với chính quyền, các hộ dân đề nghị chính quyền cung cấp bản đồ đi kèm với Quyết định 367 để xác định ranh giới. Tuy nhiên, chính quyền không thể cung cấp được bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 của dự án này và sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Như vậy, mấu chốt của vấn đề hiện nằm ở tấm bản đồ quy hoạch 1/5.000 nhưngphía TP.HCM thông báo tấm bản đồ này đã thất lạc, khiến dư luận một phen sửng sốt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) lại khẳng định không hề có tấm bản đồ này chứ không phải là thất lạc. Ông Điệp cũng đề nghị chính quyền TP.HCM giải thích rõ ràng, thẳng thắn với người dân vấn đề này.

Theo Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan, đến nay chưa tìm thấy bản đồ gốc trong bộ hồ sơ chứ không phải không có. Hiện các đơn vị vẫn tiếp tục tìm kiếm và “nghe nói hình như đã tìm ra bản sao”.

Ông Hoan cho rằng thành phố đang cố gắng tìm ra Quyết định 367 kèm theo tấm bản đồ. "Do đó, không thể nói là không có, bởi nó là thủ tục cần thiết trong bộ hồ sơ. Vấn đề là thành phố đang đi tìm", ông Hoan nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằngbản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm thất lạc là bản quy hoạch chung năm 1996, về pháp lý bản đồ ấy đã được thay đổi bằng bản đồ quy hoạch năm 2005 và vẫn đang còn.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới,luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SB Law)cho rằngbản đồ quy hoạch 1/5.000 được ban hành kèm theo quyết định 367/QĐ-TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là cơ sở pháp lý quan trọng nhất đối với khu vực này, từ việc quy hoạch dự án đến việc thu hồi đất, xác định ranh giới giữa khu đô thị và phía ngoài khu đô thị.

“Tấm bản đồ này cũng là mấu chốt chính trong việc khiếu kiện của cả trăm hộ dân Thủ Thiêm kéo dài hàng chục năm qua. Họ cho rằng đất của mình không nằm trong khu vực quy hoạch nhưng lại bị giải tỏa. Người dân đòi chính quyền TP HCM phải đưa ra bản đồ 1/5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm để xác định nhưng không được đáp ứng”, ông Hà nêu.

Mất bản đồ gây nghi ngờ về độ minh bạch

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào ngày 3.5, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biếttheo quy trình triển khai quy hoạch, khu đô thị Thủ Thiêm được triển khai 2 bước, gồm 1 quy hoạch chung (bản đồ 1/5.000) và quy hoạch chi tiết (1/2.000) sau đó cụ thể hóa và phân giới, cắm mốc thực hiện. Quy hoạch sau là chính xác hóa quy hoạch trước.

Như vậy, ở Thủ Thiêm có nhiều bản đồ. Tất cả bản đồ có căn cứ pháp lý từ năm 2005 như bản đồ quy hoạch chung, chi tiết, xác định ranh giới đang được giữ đầy đủ. Việc triển khai dự án, thu hồi đất là dựa trên cơ sở các bản đồ này.

Cũng có ý kiến cho rằng bản đồ quy hoạch 1/2.000 hoàn toàn có thể thay thế được cho bản đồ quy hoạch 1/5.000. Trong đó, bản đồ 1/2.000 chi tiết hơn, chính xác và đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, theo luật sưHà, nếu không có quy hoạch chung, dự án không thể làm được quy hoạch chi tiết. Chính vì vậy, việc đánh mất bản đồ quy hoạch chung tỉ lệ 1/5.000 dự án khu đô thị mới Thủ Thiêmsẽ khiến dư luận hoàn toàn nghi ngờ về độ minh bạch, chuẩn xác, phù hợp của các quy hoạch chi tiết tỷlệ 1.2000.

Thêm nữa, ông Hà nhấn mạnh: “Phải có quy hoạch chung, các cơ quan quản lý, người dân mới có thể quản lý, biết được các quy hoạch chi tiết nó được thay đổi như thế nào. Không có gốcthì làm sao có ngọn".

Luật sư này cho rằng, theo Luật Quy hoạch đô thị, hồ sơ quy hoạch đô thị (bao gồm bản đồ quy hoạch chi tiết đi kèm) là tài liệu nhà nước được lưu trữ theo pháp luật về lưu trữ.

Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001 và Luật Lưu trữ năm 2011 (thay thế Pháp lệnh lưu trữ quốc gia) đều quy định rất chi tiết về quy trình, thời hạn, trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị có liên quan trong việc lưu trữ tài liệu nhà nước.

Theo đó, tài liệu bảo quản vĩnh viễn là tài liệu có ý nghĩa và giá trị không phụ thuộc vào thời gian. Tài liệu bảo quản vĩnh viễn bao gồm tài liệu về đường lối, chủ trương, chính sách, cương lĩnh, chiến lược; đề án, dự án, chương trình mục tiêu, trọng điểm quốc gia; về nhà đất và các tài liệu khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, tài liệu về dự án, nhà đất là tài liệu được bảo quản vĩnh viễn, không có thời hạn. Bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm chính là loại tài liệu được nêu tại khoản 1 điều 17 nên phải được xếp vào loại được bảo quản vĩnh viễn.

“Việc lưu trữ văn bản cơ quan nhà nước nói chung, các loại tài liệu liên quan đến nhà đất là công việc rất cơ bản của người làm công tác lưu trữ. Việc làm mất hay thất lạc là điều hết sức vô lý”, ông Hà nói.

Do đó, luật sư Hàcho rằng cần giao vụ việc này cho Bộ Công an để Bộ vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc mất tài liệu đặc biệt quan trọng và xử lý các cá nhân có liên quan.

“Nếu nó chỉ đơn thuần là liên quan đến vấn đề văn thư lưu trữ thì chúng ta chỉ cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nhưng việc thất lạc, nếu có dấu hiệu nhằm mục đích thay đổi, trục lợithì cần làm rõ động cơ, từng cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Hà nhấn mạnh.

Trả lời báo chí, GSĐặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT băn khoăn, để thất lạc bản đồ quy hoạch hàng chục năm vậy, lâu nay TP.HCM lấy căn cứ, ranh giới ở đâu để thực hiện dự án?

“Như vậy, người dân có thể nói TP.HCM đang làm sai quy hoạch, thu hồi đất không đúng bởi mất bản đồ, thành phố lấy căn cứ ở đâu để phản bác. Đây là vấn đề phức tạp, dẫn đến khiếu kiện không có điểm dừng của người dân nhiều năm qua”, GS Võ nói.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ mất bản đồ Thủ Thiêm: Bộ Công an cần vào cuộc điều tra