Các luật sư đều cho rằng dự án này đã áp dụng công nghệ mới; vì vậy hậu quả là yếu tố khách quan nằm ngoài ý thức chủ quan của các bị cáo. Dự án này có mục đích phục vụ nhân dân, mang lại nguồn nước cho người dân Hà Nội. Do vậy, các luật sư đề nghị áp dụng điều 25 BLHS: “Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì không phải là tội phạm”.
Chiều 9.3, phiên xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống sông Đà tiếp tục được diễn ra với phần tranh luận. Đối đáp lại những luận cứ của các luật sư về biên bản giám định, đại diện VKS đối đáp: Cơ quan cảnh sát điều tra đã trưng cầu giám định của Bộ Xây dựng, trong đó có giám định nguyên nhân vỡ ống. Theo hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra đã thu thập hồ sơ và cung cấp, phục vụ cho công tác giám định.
VKS cũng nêu rõ, trong quá trình giám định có giám định về mẫu đất, kết cấu vật liệu thi công tại hiện trường… Sau khi giám định, kết luận giám định tư pháp về nguyên nhân chính gây vỡ tuyến ống là do chất lượng ống không đảm bảo, không có cơ sở xác định độ bền ống 50 năm. Từ phân tích nêu trên, Cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ xác định về các lần vỡ ống, nguyên nhân do chất lượng ống không đảm bảo.
Về hành vi của các bị cáo, Cơ quan tố tụng xác định bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên GĐ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội) không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng công trình nên khi ký kết hợp đồng kinh tế với nhà thầu cung cấp ống composite cho dự án. Bị cáo Trung đã không yêu cầu chi tiết quy định cụ thể về quy trình kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm mà nhà thầu cung cấp vật tư, vật liệu cung cấp sản xuất cho dự án không thực hiện đầy đủ việc kiểm tra theo quy định.
Đại diện VKS đối đáp lại quan điểm của các luật sư - Ảnh: T.Tuyến
Đối với nhóm các bị cáo thuộc công ty sảnxuất ống, VKS nhận định: Bị cáo Trần Cao Bằng (nguyên GĐ Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) là đại diện cho công ty đã công bố, cam kết tiêu chuẩn ANSI/AWWA theo tiêu chuẩn của Mỹ và Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tây. Bị cáo đã ký hợp đồng số 07 với BQLDAđể cung cấp ống cho BQLDA.
Bị cáo Vũ Thanh Hải (nguyên Trưởng phòng sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên PGĐ Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) đã cùng với bị cáo Bằng với tư cách là nhà thầu sản xuất cung cấp ống, ký xác nhận hơn 3.000 sản phẩm ống composite và phụ kiển đủ tiêu chuẩn dẫn đến hậu quả 18 lần bị vỡ.
Đối với nhóm bị cáo thuộc đoàn tư vấn giám sát, VKS cho rằng các bị cáo đã không tiến hành thí nghiệm để kiểm tra xác định chất lượng ống, không xem xét đến độ bền ống đến 50 năm để phát hiện ra ống kém chất lượng.
Về hậu quả vụ án, các luật sư nêu không có thiệt hại. Tuy nhiên, VKS cho rằng, vụ án truy tố xét xử 9 bị cáo với 18 lần vỡ ống và 23 cây ống bị vỡ. Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đơn vị vận hành đã chi phí cho việc khắc phục sự cố vỡ ống là hơn 16,6 tỉ đồng. Ngoài ra, khi vỡ ống, đơn vị khai thác dự án phải dừng cấp nước để thi công đoạn ống bị vỡ với tổng thời gian ngừng cấp nước là 386 giờ và ảnh hưởng rất nhiều tới người dân.
Như vây, theo VKS, hậu quả vỡ ống đã gây ra thiệt hại nhưng đơn vị khai thác dự án đã có văn bản không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường với lý do đã dùng nguồn tiền dự phòng để chi phí. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm của công ty khai thác.
Đối đáp lại quan điểm của VKS, các luật sư đều cho rằng trong vụ án này đã áp dụng công nghệ mới; vì vậy hậu quả là yếu tố khách quan nằm ngoài ý thức chủ quan của các bị cáo. Dự án này có mục đich phục vụ nhân dân, mang lại nguồn nước cho người dân Hà Nội. Do vậy, các luật sư đề nghị áp dụng điều 25 BLHS: “Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì không phải là tội phạm”.
Nhã Thanh
Bị cáo nói đã làm hết trách nhiệm nhưng ống nước vẫn vỡ
Vụ vỡ đường ống nước sông Đà: VKS đề nghị 3 án treo