Theo ông Võ Văn Hoan - chánh Văn phòng UBND TP.HCM, vụ quán cà phê Xin Chào đã trở thành một việc nổi bật ảnh hưởng tới doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến chỉ số năng lực cạnh tranh của TP. Từ vụ này, nhiều doanh nghiệp không yên tâm khi đầu tư ở TP.HCM.

‘Vụ Xin Chào khiến doanh nghiệp không yên tâm đầu tư ở TP.HCM’

Phan Diệu | 04/04/2017, 18:36

Theo ông Võ Văn Hoan - chánh Văn phòng UBND TP.HCM, vụ quán cà phê Xin Chào đã trở thành một việc nổi bật ảnh hưởng tới doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến chỉ số năng lực cạnh tranh của TP. Từ vụ này, nhiều doanh nghiệp không yên tâm khi đầu tư ở TP.HCM.

TP.HCM không được chủ quan

Theo thông báo của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố. So với năm 2015, chỉ số này đã giảm 2 bậc (năm 2015 hạng 6).

Năm chỉ tiêu có điểm bình quân giảm nhiều đó là thiết chế pháp lý; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; tính minh bạch.

Vì vậy, chính quyền TP.HCM cho rằng cần tập trung các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nâng điểm của năm chỉ số nêu trên.

Theo ông Võ Văn Hoan, chánh Văn phòng UBND TP.HCM, mặc dù chỉ số PCI giảm nhưng các doanh nghiệp của TP đã có nhiều nỗ lực, chỉ số gia nhập thị trường có tiến bộ hơn, chi phí không chính thức có giảm nhưng còn yếu, đội ngũ cán bộ công chức có tiến bộ. Thế nhưng, TP không được chủ quan trong việc này.

“Vụ quán cà phê Xin Chào đã trở thành một việc nổi bật, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến chỉ số. Từ vụ này, nhiều doanh nghiệp không yên tâm khi đầu tư ở TP.HCM”, ông Hoan nói.

Để tạo điều kiện giúp đỡ cho doanh nghiệp, ông Hoan đã đề xuất TP quan tâm đến “3 công”.

“Thứ nhất là công khai. Chúng ta công khai theo hướng tất cả các quy hoạch, chủ trương, quyết sách của TP thì từng đơn vị phải công khai. Phải xây dựng kế hoạch, đưa thông tin lên cổng thông tin điện tử TP để doanh nghiệp xem, nhằm sự lan tỏa.

Thứ hai là công nghệ. Chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin càng nhiều càng tốt. Nếu như để doanh nghiệp và cán bộ thường xuyên gặp mặt thì nảy sinh nhiều vấn đề, doanh nghiệp khó làm việc. Do đó, chúng ta đưa công nghệ vào để các đơn vị phải thực hiện tốt.

Thứ ba là công chức. TP phải quan tâm, chăm chút cán bộ công chức, nhất là những người tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp", ông Hoan đề xuất.

Ngoài ra, chánh Văn phòng UBND TP.HCM cũng đề nghị khi doanh nghiệp phản ứng thì lãnh đạo TP phải gặp gỡ, mời lên và giải quyết ngay. Ngoài ra, TP cần thành lập tổ liên ngành để giải quyết đầu tư, các sở ngành hội tụ lại một chỗ, không để doanh nghiệp chạy vòng vòng.

"Đề nghị tổ chuyên về xây dựng thống nhất chung một quy trình để gỡ khó cho doanh nghiệp. Chúng ta không thể làm được cơ quan hành chính chung như các tỉnh khác thì mình phải quy về một mối”, ông nhận định.

Ông Võ Văn Hoan, chánh Văn phòng UBND TP.HCM - Ảnh: P.D

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trong quý 2/2017, để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao chỉ số PCI, UBND TP cho biết sẽ triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan….

Theo đó, TP sẽ tổ chức tiếp xúc để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ. Đồng thờigiới thiệu, hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách của TP để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm công nghiệp.

Song song đó là triển khai thực hiện nề nếp, có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; hoàn thiện hệ thống thể chế trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính; công khai minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, thực hiện các thủ tục khi có yêu cầu hay trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đặc biệt, TP cam kết cắt giảm hoặc đề xuất cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí thủ tục hành chính, tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như bảo hiểm, đất đai, thuế, hải quan, lao động…

Cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh nhằm giảm bớt và xóa bỏ các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu. Tăng cường các hoạt động và chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp như: hỗ trợ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp giao lưu kinh doanh, các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch.

Ngoài ra, TP kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp "nói không với chi phí phi chính thức", chủ động tự trang bị các kỹ năng khai thác thông tin và đối phó với các hành vi, biểu hiện thiếu minh bạch trong giao dịch thủ tục hành chính.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Vụ Xin Chào khiến doanh nghiệp không yên tâm đầu tư ở TP.HCM’