Các chuyên gia tài chính đều có chung nhận định rằng lượng kiều hối về Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, khiến nhu cầu chuyển và cất giữ tiền ở Việt Nam giảm.
Tác động tới kiều hối
Trước bối cảnh lãi suất tiền gửi USD hiện là 0%, nhiều lo ngại rằng nếu trong nước không tăng lãi suất trở lại thì sẽ đối mặt với động thái rút vốn của nhà đầu tư, nhất là khi Fed đã tăng lãi suất 2 lần và còn tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân tại Công ty chứng khoán SSI, nhận định trước hết việc giữ lãi suất USD 0% để giảm đô la hóa, tăng nguồn cung USD giúp bình ổn tỷ giá là một chủ trương đúng trong thời gian qua.
Theo ông Linh, bất kỳ một phương án nào cũng có hai mặt. Khi lãi suất của Fed thấp thì mặt trái của lãi suất 0% không thể hiện nhiều, nhưng khi Fed tăng lãi suất, kỳ vọng 1,5% vào cuối 2017 và 2,25% vào cuối 2018 thì mức chênh lệch lãi suất và kỳ vọng chênh lệch lãi suất nới rộng rất nhanh làm giảm nhu cầu chuyển tiền hoặc cất giữ tiền ở Việt Nam. Đây là một nguyên nhân khiến lượng kiều hốigiảm.
"Việc rút vốn của các nhà đầu tư với lãi suất USD 0% ít có sự liên hệ trực tiếp vì nhà đầu tư không gửi tiền. Họ quan tâm đến lãi suất như một chỉ báo cho rủi ro tỷ giá và họ quan tâm lãi suất VND không phải USD", ông Linh nói
Ông Linh cho rằng việc Fed nâng lãi suất và rủi ro rút vốn liên quan nhiều hơn đến thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư nước ngoài thay đổi chiến lược phân bổ tài sản, theo đó họ rút tiền từ các thị trường mới nổi để chuyển về Mỹ do rủi ro tại thị trường mới nổi tăng còn cơ hội đầu tư tại Mỹ lại tăng lên.
Tính từ đầu năm, các quỹ đầu tư cổ phiếu tại Mỹ đã được rót 34,7 tỉ USD còn các thị trường mới nổi ở Châu Á bị rút 5,2 tỉ USD. Thị trường chứng khoán Việt nam khá may mắn khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng cổ phiếu và trái phiếu. Tính từ đầu năm các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3,3 nghìn tỉ cổ phiếu và 9,6 nghìn tỉ trái phiếu. Tuy vậy không thể chủ quan, việc Fed nâng lãi suất hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến dòng vốn ở Việt Nam trong những tháng tới.
Theo ông Linh, điểm cần lưu ý ở Việt Nam hiện nay là vẫn còn áp dụng cơ chế kiểm soát dòng vốn để bảo vệ đồng nội tệ. Cùng với dự trữ ngoại hối 40 tỉ USD, Việt Nam có đủ khả năng để giữ tỷ giá ổn định. Với biên độ điều chỉnh tỷ giá 2-3% trong 1 năm, cộng với lãi suất VND tăng nhẹ 1-2%, việc giữ VND vẫn có lợi ngay cả khi Fed tăng lãi suất.
"Mặc dù trong ngắn hạn, nỗi lo Fed tăng lãi suất chưa ảnh hưởng lớn tới cán cân dòng tiền rút ra khỏi Việt Nam nhưng về dài hạn thì không thể chủ quan. Trong năm qua, 2 quỹ ETF tại Việt Nam đã rút ròng khá mạnh ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Linh nói
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính), nhận định: "Trong năm 2016 lượng kiều hối về Việt Nam không được như mong đợi là do Fed tăng lãi suất chứ không hẳn là do lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam bằng 0. Vì nếu như vay ở Mỹ bằng USD thì họ chuyển sang Việt Nam sẽ cho vay bằng VNĐ với lãi suất là 7% chứ không cho vay bằng USD với lãi suất 0,5% hay 1%".
Nên giữ tiền VND hay USD trong sổ tiết kiệm khi lãi suất biến động?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, với các giả định vể chính sách tiền tệ giúp ổn định tỷ giá, việc giữ tiền VND vẫn có lợi hơn giữ USD. Ngay cả trường hợp người gửi tiền ở Mỹ với lãi suất 2%, người gửi tiền mang sang Việt Nam, bán USD và gửi VND với lãi suất 7%, sau khi trừ đi biến động tỷ giá 2-3% thì vẫn có lợi hơn.
Trong những năm qua, Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn và thời gian gần đây phải bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp để bù đắp. Theo đó, việc tận dụng nguồn vàng trong dân, giữ lãi suất USD ở mức 0% càng lâu càng tốt vì điều này sẽ giúp huy động nguồn lực khổng lồ trong dân, giúp tỷ giá ổn định cũng như giúp người gửi tiền đồng được lợi hơn.
Về phía TS Cấn Văn Lực, vị chuyên gia này phân tích khi lãi suất USD là 0%, nếu có quyết định nới lên 0,25% thì cũng là mức rất thấp. Trong khi đó, nếu gửi VND trong 1 năm, được hưởng lãi suất 6,5-7%/năm. Giả sử lạm phát so với cùng kỳ là 4,7% thì người gửi tiền VND vẫn được hưởng lãi suất dương.
"Chính phủ đang không khuyến khích người dân huy động và cho vay USD để ổn định chính sách tiền tệ nên sẽ không có nhiều biến động về tỷ giá. Vì vậy, gửi tiền cũng là một kênh đầu tư khá hiệu quả hiện nay", ông Lực cho hay
Tuyết Nhung