Cách nay 2 tuần, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội đồng KH-CN đánh giá hồ sơ dự án cấp tỉnh “Xây dựng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá dày ở tỉnh Hậu Giang”.
Điều đáng lưu ý ở đây là dự án KH-CN này quan tâm phục hồi, phát triển một loài cá ngon, có nguy cơ tuyệt chủng ở ĐBSCL là cá dày.
Hiện nay, ngoài tự nhiên cá dày trở nên khan hiếm, giảm mạnh về số lượng quần thể. Tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về môi trường và sinh học cùng các giải pháp kỹ thuật nuôi thương phẩm cá dày chưa được nghiên cứu nhiều.
Hội đồng tuyển chọn đã xác định được đơn vị Trường đại học Kiên Giang là cơ quan chủ trì thực hiện và TS Nguyễn Bạch Loan là chủ nhiệm của dự án. Dự án thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình ương giống và quy trình nuôi thương phẩm cá dày ở tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, xây dựng quy trình kỹ thuật ương cá dày từ cá bột lên cá giống (tỷ lệ sống đến cá giống đạt từ 20% trở lên); xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cá dày từ cá giống lên cá thương phẩm (phù hợp thực tế sản xuất ở tỉnh Hậu Giang, tỷ lệ sống giai đoạn nuôi thương phẩm đạt từ 70% trở lên).
Xác định được mật độ nuôi, loại thức ăn phù hợp cho cá dày, thời gian ương/nuôi, hệ số thức ăn FCR giai đoạn ương/nuôi thương phẩm.
Theo một cán bộ Phòng quản lý khoa học, Sở KH-CN tỉnh Hậu Giang, hội đồng đã nêu được sự cần thiết phải thực hiện dự án, mặc dù cá dày là loài cá ít được nghiên cứu. Những năm gần đây, một số cơ sở nghiên cứu ở ĐBSCL đã có một số công bố về đặc điểm sinh học, khả năng sản xuất giống, trong đó có cả 1 luận án tiến sĩ nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất giống cá dày.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cá dày chủ yếu được khai thác từ tự nhiên, chưa có hộ dân nào nuôi cá dày thương phẩm. Dự án này cũng sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm cá dày ở tỉnh. Các thông số kỹ để xây dựng quy trình sản xuất và nuôi cá thương phẩm được tác giả đặt ra hợp lý để thực hiện đạt được mục tiêu của dự án đề ra.
Các ý kiến từ Hội đồng KH-CN cho rằng, dự án cần được trình bày cụ thể hơn về cơ sở khoa học và tính thực tiễn, đồng thời làm rõ các thông tin hiện nay trên thị trường đã có nơi nào/trại giống nào sản xuất và cung ứng cá dày bột, cá dày giống chưa? Có hộ dân nào đang nuôi cá dày thương phẩm không? Cần làm rõ các điều kiện chăm sóc và theo dõi khi ương cá trong bể lót bạt, làm rõ các biện pháp kỹ thuật trong quản lý môi trường nước (mực nước bể ương được duy trì thường xuyên là bao nhiêu, có sục khí, thay nước định kỳ hay không?).
Sản phẩm dự án cần xác định: số lượng cá bột, cá giống, kích cỡ, tỷ lệ sống; mô hình cá dày cần dự tính sản lượng, kích cỡ, tỷ lệ sống.
Cá dày có tên tiếng Anh: Forest snakehead, tên khoa học: Channa lucius Cuvier, do một nhà khoa học phát hiện năm 1831. Cá dày thuộc họ cá quả, có chiều dài 1,5 - 40,5 cm, khối lượng 0,05 - 680g/con. Cá có hình dáng giống cá lóc, đầu dài, nhọn; bụng có nhiều vệt đen, trắng xen kẽ. Theo các nhà khoa học, cá dày là 1 trong 4 loài cá nước ngọt thuộc giống cá Channa phân bổ khá phổ biến ở lưu vực của vùng hạ lưu sông Cửu Long như Thái Lan, Lào, Campuchia và ĐBSCL.
Ở Việt Nam, cá dày là loài cá bản địa và chỉ có một loài duy nhất là Channa lucius (Cuvier, 1831) được tìm thấy trong các thủy vực nước ngọt như sông hồ, kênh rạch, ruộng lúa và trong các khu rừng bảo tồn thiên nhiên ở ĐBSCL. Theo nghiên cứu của Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương (1993), cá dày sống tốt ở môi trường nước có nhiệt độ bình thường ở vùng ĐBSCL. Ngoài ra, cá dày còn thích nghi tốt với môi trường nước có độ mặn đạt ngưỡng cao khoảng 22%.
Cá dày là loài cá đẻ nhiều đợt trong năm và mùa vụ sinh sản tập trung vào tháng 5-6. Sức sinh sản tuyệt đối trung bình của cá dày 2.065 trứng/con. Sau 4 tháng nuôi, cá thành thục khi nuôi vỗ bằng thức ăn công nghiệp và cá tạp. Nhưng cá nuôi bằng cá tạp có tỷ lệ thành thục cao hơn (nghiên cứu của Tiền Hải Lý - 2016).
Trong tự nhiên, cá dày được người dân các tỉnh ĐBSCL bắt nơi ao hồ, đồng ruộng, ở vùng rừng U Minh... Cá dày - cho đến nay là cá tự nhiên, người dân đánh bắt nhiều nên dần cạn kiệt.
Ở các quán đặc sản vùng ĐBSCL cá dày khá đắt, giá cao gấp rưỡi cá lóc đồng và là món khoái khẩu của nhiều người do cá quý hiếm. Cá nướng ăn với muối ớt, hoặc nước mắm me, kèm rau thơm.