“Tôi không phải là người chịu trách nhiệm về vụ tai nạn nhưng nhà trường buộc tôi phải tạm ứng tiền bồi thường cho nạn nhân, đến nay đã hơn 6 năm vẫn chưa giải quyết xóa tạm ứng khiến tôi ôm nợ oan ức”, ông Út bức xúc nói.

Xe tập lái gây tai nạn giao thông, vô can phải trả tiền bồi thường oan ức

Hùng Anh | 03/09/2018, 08:04

“Tôi không phải là người chịu trách nhiệm về vụ tai nạn nhưng nhà trường buộc tôi phải tạm ứng tiền bồi thường cho nạn nhân, đến nay đã hơn 6 năm vẫn chưa giải quyết xóa tạm ứng khiến tôi ôm nợ oan ức”, ông Út bức xúc nói.

Nợ từ trên trời rơi xuống

Cuối tháng 8.2018, ông Nguyễn Văn Út (SN 1966, ngụ KP.1, P.6, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi, nhưng không ai giải quyết việc ông tự nhiên mang nợ 50 triệu đồng kéo dài hơn 6 năm qua.

Theo ông Út trình bày, ông là giáo viên dạy thực hành lấy bằng lái xe hạng C (xe tải) của phòng Đào tạo thuộc Trường trung cấp Nghề giao thông vận tải (GTVT) thuộc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang. Ông Út được nhà trường giao quản lý xe tải tập lái biển số63D-0995 của trường để hướng dẫn học viên thực hành.

Ngày 4.1.2012, Ban giám hiệu Trường trung cấp Nghề GTVT điều động xe của ông Út tham gia cuộc thi sát hạch do Sở GTVT Tiền Giang tổ chức. Trong suốt quá trình sát hạch, theo đúng quy định ông Út có mặt trên xe nhưng chỉ được ngồi phía sau thùng xe tải cùng các học viên, ngồi trong cabin xe phía trước là 2 giám khảo chấm thi - đều là cán bộ của Sở GTVT Tiền Giang.

Trong quá trình sát hạch, khi xe 63D-0995 lưu thông trên đường tỉnh 870 đến khu vực xã Bình Đức (H.Châu Thành, Tiền Giang) thì giám khảo yêu cầu dừng xe để đổi học viên khác lên cabin điều khiển xe.

Theo lệnh của giám khảo, học viên vừa xong phần thi sát hạch đã đánh lái cho xe tấp vào lề đường bên phải, nhưng do không quan sát kính chiếu hậu nên gây ra va chạm với xe gắn máy do chị Lê Thị H. điều khiển đang lưu thông ở phần đường bên phải xe tải.

Hậu quả của vụ tai nạn làm chị H. bị thương khá nặng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, điều trị vết thương dài ngày. Riêng xe tải 63D-0995 bị Công an H.Châu Thành tạm giữ để điều tra, xử lý.

Sau 1 thời gian điều tra, do Ban giám hiệu trườngcó đề nghị Công an H.Châu Thành cho nhận xe 63D-0995 ra sớm để phục vụ chương trình giảng dạy, nên Công an H.Châu Thành buộc nhà trường phải bồi thường 90 triệu đồng là toàn bộ chi phí điều trị cho chị H. thì mới được nhận xe.

Khi đó, lãnh đạo trường lại buộc ông Út phải viết giấy tạm ứng số tiền 90 triệu đồng để thanh toán cho chị H.“Lúc đó tôi chẳng hiểu chuyện này tại sao kỳ cục như vậy, bởi tôi không phải là người chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn này. Lý do gì nhà trường lại bắt tôi viết giấy tạm ứng tiền bồi thường? Nên tôi một mực từ chối.Nhưng ông Trần Văn Tiến, Trưởng phòng Tổ chức của trường (đã nghỉ hưu), nhiều lần o ép, hăm dọa, đập bàn đập ghế làm áp lực. Cuối cùng, vì sợ mất công ăn việc làm nên tôi phải viết giấy tạm ứng 90 triệu đồng, sau khi lãnh đạo trường hứa sẽ hoàn trả lại khoản tiền này cho tôi”, ông Út nhớ lại.

Tuy nhiên đến tháng 5.2012 ông Út chỉ được Ban giám hiệu trường cho trừ tạm ứng 40 triệu đồng sau khi cơ quan bảo hiểm chi trả cho vụ tai nạn. Còn 50 triệu đồng thì bị treo tạm ứng cho đến nay, dù ông Út đã nhiều lần khiếu nại nhưng không ai giải quyết xóa tạm ứng cho ông.

Gánh nạn, gánh nợ dùm Sở GTVT

Ông Nguyễn Văn Kính, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề GTVT Tiền Giang, xác nhận vụ việc của ông Út là có thật. Ông Kính cũng nhìn nhậntrách nhiệm trong vụ tai nạn thuộc về 2 cán bộ sát hạch của Sở GTVT Tiền Giang, ông Út không liên quan.

Tuy nhiên việc nhà trường yêu cầu ông Út viết giấy tạm ứng 90 triệu đồng để bồi thường cho nạn nhân là bất khả kháng đối với nhà trường.

Đơn khiếu nại của ông Út- Ảnh: Thanh Anh

“Việc nhà trường yêu cầu ông Út tạm ứng tiền bồi thường mà không để 2 cán bộ sát hạch của Sở GTVT bồi thường có nguyên nhân rất… tế nhị. Sau khi tai nạn xảy ra và công an yêu cầu bồi thường thì Giám đốc Sở GTVT thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Hùng (nay đã nghỉ hưu) yêu cầu nhà trường tạm thời chi trả khoản này, Sở sẽ… tính sau, nên tôi buộc lòng phải đồng ý, vì trường là đơn vị trực thuộc Sở.

Do chiếc xe gây tai nạn thuộc sự quản lý của ông Út nên chúng tôi mới đề nghị ông này tạm ứng tiền bồi thường cho nạn nhân để công an cho lấy xe ra sớm đưa vào giảng dạy, ông Út cũng có thêm thu nhập”, ông Kính nhớ lại.

Lúc Sở GTVT xin kinh phí để hoàn trả cho trường, thì Sở Tài chính Tiền Giang không đồng ý vì… không có khoản chi nào cho việc này.

Thậm chí, khi Sở GTVT Tiền Giang đề nghị trích 50 triệu đồng từ nguồn quỹ sát hạch của trường thu nộp vào ngân sách mỗi năm để xóa tạm ứng cho ông Út thì Sở Tài chính vẫn không chấp thuận vì cho rằng chi như vậy là sai nguyên tắc tài chính.

“Nhiều năm nay gần như lần nào họp giao ban với Sở GTVT tôi cũng nêu chuyện này, nhưng lãnh đạo Sở lần nào cũng lắc đầu nói không được vì Sở Tài chính không chấp thuận.

Nói thật, mỗi năm nhà trường nộp mấy tỉ đồng từ quỹ sát hạch vào ngân sách, vậy mà xin chi ra có 50 triệu đồng giải quyết hậu quả vụ tai nạn cũng không được, khiến Ban Giám hiệu nhà trường hết sức đau đầu”, ông Kính than thở.

Đi đường thẳng không xong, Ban giám hiệu buộc lòng phải “tìm đường tắt” để giải quyết món nợ 50 triệu đồng của ông Út.Hiệu trưởng Kính cho biết, sau khi gõ cửa nhiều nơi nhưng không có giải pháp nào khả thi để xóa tạm ứng của ông Út, bản thân ông Kính đã nghĩ ra cáchyêu cầu ông Út xin hóa đơn tiếp khách của bạn bè, anh em quen biết để giải quyết từ từ khoản nợ bị treo này.

“Hầu như lần họp nào tôi cũng đề nghị với ông Út chỉ còn giải pháp này mới có thể xóa hết số tiền tạm ứng. Tuy nhiên ông Út không hợp tác với nhà trường, không chịu xin hóa đơn, nên cho đến nay số tiền 50 triệu đồng vẫn còn nguyên”, ông Kính cho biết.

Về phía ông Út thì cho rằng ông không có nguồn nào để xin hóa đơn tiếp khách, bản thân ông từng là cán bộ công an, nhận thấy việc xin hóa đơn để xóa nợ tạm ứng là không đúng, nên không làm.

“Hơn 6 năm qua tôi luôn trong tâm trạng bất an, bức xúc vì tự nhiên phải gánh món nợ từ trên trời rơi xuống. Nếu bây giờ các cơ quan hữu trách kiểm tra, yêu cầu phải thu hồi khoản tạm ứng của tôi, thì tôi lấy đâu ra 50 triệu đồng để trả món nợ oan ức này?”, ông Út ngán ngẩm nói.

Còn ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, lại khẳng định từ khi ông về giữ chức Giám đốc Sở đến nay, Ban giám hiệu Trường trung cấp Nghề GTVT chưa có văn bản nào đề nghị lãnh đạo Sở giải quyết vụ tiền nợ tạm ứng của ông Út. Theo ông Bon, nếu phía trường có văn bản yêu cầu thì lãnh đạo Sở sẽ xem xét, tính toán để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xe tập lái gây tai nạn giao thông, vô can phải trả tiền bồi thường oan ức