Con người thường tự hạn chế mình trong việc đạt được ước mơ bằng cách đưa ra những lời biện minh. Phải chi tôi cao hơn, đẹp hơn, giỏi toán hơn; giá mà tôi có thể học ở Harvard, bán nhà với giá cao nhất trên thị trường, được thăng chức trong lần ấy, v.v…
Sự thật là chúng ta có tất cả mọi thứ chúng ta cần trong phạm vi khả năng để làm cho cuộc sống của mình trở nên thật đặc biệt. Tuy nhiên, chúng ta thường chọn con đường dễ đi, đó là tiếp tục sống theo cách như hiện giờ và đổ lỗi cho hoàn cảnh, chứ chúng ta không chịu dấn thân và thay đổi, bởi vì bất cứ sự thay đổi nào cũng tiềm ẩn rủi ro và bộ não của chúng ta không thích điều đó. Chính vì vậy mà chúng ta cứ mãi sống đời nhỏ bé và không ngừng than vãn về cuộc đời mình.
Bây giờ giả sử bạn vừa trúng số độc đắc. Giờ thì bạn chẳng còn bị giới hạn gì nữa, bạn có thể tự do lựa chọn cách sống cho cuộc đời mình. Hãy nhắm mắt lại, hít thở một hơi thật sâu và nghĩ xem giờ bạn muốn làm gì với cuộc đời mình. Số tiền đó sẽ thay đổi bạn như thế nào? Hãy mơ mộng một chút và hãy để mình lạc vào thế giới ảo tưởng đó.
Phản ứng bốc đồng đầu tiên của chúng ta là nghĩ ta sẽ sống ở đâu, nhà cửa, xe cộ ra sao và sẽ trải qua những kỳ nghỉ như thế nào, nhưng tôi muốn bạn khám phá xa hơn một chút về cách bạn sẽ trải qua một ngày như thế nào, chứ không phải cách bạn dùng tiền. Khi sự lựa chọn của bạn không còn bị giới hạn, bạn muốn một ngày của bạn sẽ diễn ra như thế nào? Những thú vui nào bạn muốn đưa vào cuộc sống của mình khi tất cả mọi thứ đều trong khả năng?
Điều tôi thường phát hiện ra khi chứng kiến mọi người thực hiện bài tập này là khi bạn đi sâu hơn vào cách mà mọi người mong muốn về một cuộc sống chất lượng cho riêng mình, thì những mong ước đó chẳng cần phải tiêu tốn đến tận 50 triệu bảng Anh trúng số. Chúng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực ngay lúc này. Một trong những thân chủ của tôi giải thích rằng ước mơ của anh là mua được một ngôi nhà nông trại ở Provence với phong cảnh tuyệt đẹp để anh có thể đến đó mà viết tiểu thuyết.
Thế rồi anh nhận ra căn hộ anh đang ở vốn cũng đã có phong cảnh rất đẹp và cũng chẳng có gì ngăn cản khiến anh không bắt tay vào viết quyển tiểu thuyết đầu tay của mình ngay lập tức.
Đừng trì hoãn những ước mơ của mình. Hãy để chúng thành hiện thực ngay hôm nay và chế độ “lái tự động” sẽ không còn xâm chiếm bộ não của bạn bằng những ảo tưởng nữa bởi thực tế còn tốt đẹp hơn nhiều.
Một trong những lời phàn nàn mà tôi thường nghe nhiều nhất từ mọi người đó là họ không có được một cuộc sống như ý muốn bởi vì họ không có thời gian. Có thể là họ không có đủ thời gian đọc sách, không chọn được môn thể thao theo cách họ muốn, hoặc không luyện đàn piano được thường xuyên. Thường thì việc này hay được giải thích với nét mặt ai oán rằng những điều này hẳn sẽ thay đổi cuộc sống của họ, nhưng vì họ quá bận, không thể sắp xếp chúng vào nếp sinh hoạt hàng ngày của mình được.
Có rất nhiều định nghĩa về thời gian. Một số định nghĩa vẫn còn gây nhiều tranh cãi, trong khi một số khác thì được số đông đồng tình. Những định nghĩa gây tranh cãi đáng kể bao gồm: “Thời gian là thứ có thể đo được bằng đồng hồ”, và “Thời gian là thứ ngăn không cho mọi việc diễn ra cùng một lúc”. Khi chúng ta hiểu thấu được thực tế rằng thời gian là một khái niệm mà chúng ta có thể kiểm soát, chúng ta nhận ra khi chúng ta không có thời gian để làm một việc gì là bởi vì việc đó không đủ quan trọng đối với chúng ta. Lão Tử đã giải thích: “Thời gian là thứ do con người tạo ra. Khi ta nói ‘Tôi không có thời gian’, tức là nói ‘Tôi không muốn làm việc đó’”.
Chúng ta thường dễ cảm thấy cuộc sống thật mờ nhạt và dễ dàng mất kết nối khi đứng trước những thăng trầm của nó. Nhịp sống và sự chú tâm bị gián đoạn của chúng ta đều góp phần làm nên “hỗn hợp” những trải nghiệm mà ta có.
Để tỉnh thức, chúng ta cần phải kết nối với những gì đang xảy ra với chúng ta mỗi ngày. Sự hào hứng góp phần nuôi dưỡng nguồn năng lượng của chúng ta và khiến ta cảm thấy giàu sinh lực hơn. Lòng biết ơn gần đây đã được nghiên cứu rộng rãi và đã được chỉ ra rằng nó có thể cải thiện cả giấc ngủ lẫn tinh thần tích cực, cũng như sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý. Nó như một cửa hàng chỉ-một-lần-dừng-chân (mô hình cửa hàng đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng) để chúng ta được trang bị sẵn sàng để sống một cuộc đời tuyệt diệu, hẳn là như thế.
Mỗi ngày trôi qua đều là duy nhất và đặc biệt, mỗi ngày đều có thể chứa đựng những trải nghiệm tuyệt vời nếu chúng ta để tâm tìm kiếm. Khi tất cả bị đánh đồng với nhau thì chúng ta rất khó tìm ra những niềm vui nho nhỏ quý giá ấy. Bằng cách kết nối bản thân với những gì khiến chúng ta hào hứng, chúng ta đã gia tăng cơ hội để chúng xảy ra và chúng ta cũng sẽ được chuẩn bị về mặt năng lượng để tận hưởng niềm hứng thú đó.
Lòng biết ơn là chìa khóa của hạnh phúc và nó giúp ta thoát khỏi trạng thái “lái tự động”. Khi biết ơn, chúng ta sẽ kết nối nhiều hơn với bản thân, với những người khác và với cả hành tinh này một cách tự nhiên. Khi chúng ta xem mọi thứ là hiển nhiên, chúng ta sẽ không có được những khoảnh khắc tỉnh thức vì kinh ngạc bởi vì mọi thời điểm đều không có gì để mong đợi hoặc quá đỗi bình thường.
Theo định nghĩa thì lòng biết ơn có nghĩa là sự cảm kích sâu sắc hơn bình thường đối với tính chất đặc biệt của một sự việc nào đó, do đó bạn có nhiều cảm xúc hơn; khi lòng biết ơn được cảm nhận, nó sẽ tạo ra một phản ứng bên trong chúng ta và giúp chúng ta tỉnh thức với nụ cười thật tươi trên khuôn mặt.
Mọi người trên hành tinh này đều diệu kỳ. Tất cả chúng ta đều có những điểm khiến chúng ta trở nên độc đáo và đặc biệt, nhưng thường thì ta hay bị mất kết nối với những điểm độc đáo và đặc biệt đó, vì vậy chúng ta dễ dàng để mất đi ánh sáng quanh mình.
Bộ não của chúng ta thường có khuynh hướng tiếp thu những gì tiêu cực (mang tính phủ định) hơn là nhìn thấy mặt tích cực (mang tính khẳng định), nhưng vẫn có rất nhiều người xung quanh có thể trở thành nguồn cảm hứng để nâng đỡ tinh thần chúng ta và giúp chúng ta sống ý nghĩa hơn mỗi ngày. Sự kết nối đầy ý nghĩa giữa con người với nhau sẽ giúp ta không chỉ hạnh phúc hơn mà còn khỏe mạnh hơn, và cũng giúp ta sống lâu hơn. Thiếu vắng sự kết nối sẽ gây hại cho sức khỏe của chúng ta nhiều hơn cả việc hút thuốc hay chứng béo phì.
Tóm lại, chúng ta cần kết nối. Tiến sĩ Daniel Kahneman (giải Nobel Kinh tế năm 2002), người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2002, đã phát hiện ra rằng bộ não của chúng ta tiếp nhận 20.000 lượt dữ liệu (hay khoảnh khắc) đơn lẻ mỗi ngày. Hầu hết dữ liệu đều có thể được phân loại là tích cực hay tiêu cực. Tỷ lệ kỳ diệu để hạnh phúc là số khoảnh khắc tích cực nhiều gấp năm lần số khoảnh khắc tiêu cực.
Trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Today, một thanh niên thành đạt và hạnh phúc đã kể về quãng thời gian khó khăn trước đây và những trở ngại anh đã gặp phải thời đi học. Điều gì đã làm thay đổi đường đời của anh? Đó là khi một cô giáo đã nói với anh, khi còn là một cậu học sinh tiểu học, rằng cô quan tâm và tin tưởng ở anh. Chỉ một điều đó thôi đã đủ làm thay đổi cuộc đời một cậu học trò mãi mãi.
Có những người đến trong đời ta, họ cho ta điều gì đó thật đặc biệt theo những cách ta không ngờ tới. Đó có thể là cách mà người bạn đời của bạn thường để lại những dòng tin nhắn đâu đó trong nhà hay trong túi xách bạn mang đi làm. Đó có thể là người lái xe buýt luôn chào hỏi bạn với nụ cười ấm áp, hồn hậu. Đó có thể là người hàng xóm giúp mang thùng rác của bạn ra đường khi bạn vắng nhà. Đó có thể là một người bạn đã hơn mười năm không gặp, nhưng kỳ lạ là họ đã gọi cho bạn đúng lúc bạn cần và kiên nhẫn lắng nghe mọi điều bạn nói. Chính những chi tiết nhỏ mới thật là ý nghĩa ở đây vì những chi tiết nhỏ ấy sẽ góp phần tạo nên những điều to lớn.
Theo Xoay tư duy, chuyển cuộc đời - First News