Chiều 5.9, tại phiên họp toàn thể, Uỷ ban Tư pháp đã thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ.

Xử lý 29 cán bộ đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Trí Lâm | 05/09/2018, 17:48

Chiều 5.9, tại phiên họp toàn thể, Uỷ ban Tư pháp đã thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm (năm 2016 phát hiện 5 trường hợp vi phạm).

Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP.HCM; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà cho cấp trên. Năm 2018, đã có 24 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 421 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2018 có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, theo đó, đứng đầu là tỉnh Điện Biên với 5 người, Quảng Trị 4 người; các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đồng Tháp... mỗi tỉnh 2 người; các tỉnh Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Thái Nguyên, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau mỗi tỉnh 1 người. Trong đó, 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 21 đối tượng (tăng 26,7% số vụ); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 67 vụ, 76 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng tăng 52,2% số vụ); Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 34 vụ, 63 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 100% số vụ).

Đối với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thụ lý 27 vụ án, xác minh 19 vụ việc, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công thụ lý điều tra 2 vụ án, 2 vụ việc và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý 1 vụ việc.

Chính phủ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 đạt được nhiều kết quả rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về phòng, chống tham nhũng; một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

Đặc biệt, một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý; chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc; vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ. Kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiện sát nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Đồng thời, có biện pháp khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và thống kê, theo dõi chặt chẽ kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý 29 cán bộ đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng