Những con sư tử ở Công viên quốc gia Queen Elizabeth là một trong những thứ thu hút khách du lịch lớn nhất của nơi này. Đây là một trong hai nơi duy nhất trên hành tinh mà những con sư tử biết leo cây.
Kỳ 1: Xung đột giữa người và động vật hoang dã: Voi vẫy xe, hà mã vào thị trấn
Kỳ 2: Xung đột giữa người và động vật hoang dã: Nuôi ong để đối phó tình trạng bùng nổ số lượng voi
Kỳ 3: Xung đột giữa người và động vật hoang dã: Voi biết dùng ngà để phá hàng rào điện
Các nhà sinh vật không đồng thuận về nguồn gốc của hành vi này; có nhiều giả thuyết về động lực thúc đẩy sư tử leo cây: từ việc để dễ phát hiện con mồi đến việc leo cao để tránh ruồi quấy rối. Nhưng dù thế nào, cảnh tượng một con sư tử cái ngủ trưa trên cành cây chắc chắn sẽ gây ấn tượng với đám đông.
Dù là ngôi sao của công viên Queen Elizabeth, những con sư tử này cũng là một trong số ít loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ngay lúc này. Và nguyên nhân là do xung đột giữa con người và động vật hoang dã.
Theo Bộ du lịch và động vật hoang dã của Uganda, năm 2014, có 493 con sư tử ở Uganda. Vào tháng 3.2024, Bộ này cho biết chỉ còn 275 con, giảm 45% chỉ trong 10 năm. Ước tính về số lượng sư tử ở công viên Queen Elizabeth hiện dao động từ 40-50 con, ít hơn nhiều so với trước đây.
Theo Bộ trưởng Du lịch Uganda Tom Butime, lý do chính cho việc này là "các vụ trả đũa do xung đột giữa con người và động vật hoang dã". Tức giận vì mất gia súc do bị động vật săn mồi tấn công người chăn gia súc, ở một số khu vực gần công viên Queen Elizabeth đã đầu độc sư tử để trút giận.
Có nhiều tranh cãi về số lượng sư tử bị sát hại. Theo bộ trưởng Butime, 26 con sư tử đã bị đầu độc trong ba vụ từ năm 2018 đến năm 2022. Còn Ludwig Siefert, một bác sĩ thú y về động vật hoang dã đứng đầu Chương trình bảo vệ Động vật ăn thịt Uganda, một tổ chức phi chính phủ bảo tồn hoạt động tại Queen Elizabeth khẳng định phải có đến gần 10 vụ.
Đây là một lý do tại sao Cơ quan Động vật hoang dã Uganda (UWA) hiện đang đe dọa trục xuất người dân bám trụ trong công viên đến một địa điểm mới bên ngoài công viên. Chỉ có điều, những lời cảnh báo này đã không được đón nhận ở Hamakungu và các vùng đất khác.
Wilson Asiimwe, một chính trị gia ở Hamakungu cho biết: "Vấn đề của chúng tôi là với ban quản lý, họ quan tâm nhiều hơn đến động vật hoang dã hơn là con người, nhưng con người cũng là một phần của hệ sinh thái của công viên".
UWA không để ý lắm tới đàn gia súc của người dân ở Hamakungu mà chỉ quan tâm bảo vệ động vật hoang dã, nhưng những con sư tử trong công viên lại rất thích săn gia súc hơn là động vật hoang dã. Một con bò là bữa ăn dễ dàng hơn nhiều so với một con trâu hung dữ hoặc một con linh dương nhanh nhẹn và bầy sư tử biết điều đó. Vào ban đêm, đàn gia súc được nhốt trong các chuồng trại được dựng lên từ những cây sậy cói đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn sư tử hoặc báo. Nhưng vào ban ngày, khi gia súc gặm cỏ ở bên ngoài, những kẻ săn mồi sẽ lao vào tấn công.
Những cuộc tấn công của sư tử có thể gây ra thiệt hại tài chính lớn cho các chủ đàn gia súc vốn mưu sinh cũng rất khó khăn trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu. Một số ít người đã phản ứng dữ dội, trả thù sư tử bằng cách đánh bả đầu độc như thể họ đang thực thi công lý.
Emmanuel Akampurira, một nhà sinh vật học bảo tồn tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Động vật hoang dã Uganda cho biết: "Một số người chăn thả gia súc này rất tức giận và bực bội, ngay cả khi họ biết rằng mình có thể nhận được bồi thường từ một tổ chức phi chính phủ hoặc UWA. Đến giờ, họ vẫn tiếp tục đầu độc sư tử vì cảm thấy rằng những loài ăn thịt này đang bóp nghẹt cuộc sống của họ".