Sau khi từ “lon” (vụ quảng cáo của Coca Cola) khiến sôi động cư dân mạng, thì từ cuối tuần này, từ “lu” lại khiến cộng đồng mạng “thổn thức”.

Ý tưởng…không tưởng!

14/07/2019, 06:45

Sau khi từ “lon” (vụ quảng cáo của Coca Cola) khiến sôi động cư dân mạng, thì từ cuối tuần này, từ “lu” lại khiến cộng đồng mạng “thổn thức”.

Lu ở nông thôn chỉ dùng chứa nước sinh hoạt, không dùng chống ngập - Ảnh: Trung Tính

Số là chiều 12.7, tại phiên họp HĐND TP.HCM, đại biểu HĐND - PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM, đã đề xuất mỗi hộ dân ở TP.HCM nên có 1 lu chứa nước để chống ngập TP.HCM mỗi khi có trời mưa.

Theo bà, trong điều kiện ngân sách TP còn eo hẹp mà phải xử lý nhiều vấn đề quan trọng, thay vì xây 1 hồ chứa nước lớn tốn nhiều tiền, nên có thể trang bị cho người dân khu vực ngập do nước mưa gây ra mỗi nhà 1 - 2 cái lu (mang tính mỹ thuật) như 1 giải pháp tạm thời.

Nếu bình tĩnh, trước hết cần cám ơn bà Xuân, vì bà đã cố nghĩ ra giải pháp, trong khi nhiều quan chức có trách nhiệm khác càng chống, càng ngập, và vẫn loay hoay không tìm ra giải pháp khả thi nào. Biết bao nhiêu tỉ đồng đã chi cho việc chống ngập, nhưng cứ sau mỗi cơn mưa lớn, TP càng ngập nặng…

Nhưng nhiều người dân phản ứng đề xuất này cũng có lý của họ. Bởi theo họ, bà là đại biểu của nhân dân, nhưng quá… xa dân. Bởi ý tưởng đó, càng khiến nhiều người liên tưởng đến những học hàm học vị “bàn giấy”, những cán bộ chuyên ngồi sa lon, chứ xa dân.

Đúng là ở nông thôn như ở miền Tây, gần như nhà nào cũng có lu chứa nước, thậm chí có nhà trang bị hàng chục lu. Nhưng từ khai thiên lập địa đến giờ, trong thâm tâm người dân vùng này, chưa bao giờ họ nghĩ những cái lu ấy có thể dùng… chống ngập! Xin thưa, những cái lu ấy chỉ dành hứng nước mưa, trữ nước để dùng vào mùa khô, khi hạn hán kéo dài.

Nếu nói cái lu dùng để chống ngập, dân miền Tây cười khẩy. Thậm chí, nhiều người còn đau đầu khi vào mùa nước, ruộng đồng họ không bị ngập, khiến phù sa không thể tràn vào. Không ngập, đồng nghĩa đất bạc màu, mùa tới sẽ tốn nhiều phân thuốc. Đừng nhìn cái lu ở đây, mà liên tưởng đến chuyện… chống ngập.

Còn ở TP.HCM, nơi đất chật người đông, chẳng lẽ lại muốn “nông thôn hóa” khi trang bị mỗi nhà 1 lu nước, nằm cả trong phòng lạnh... Đất cho người ở thậm chí còn không đủ, thì những căn nhà chật hẹp, lấy đâu chỗ mà để lu.

Và thời buổi hiện nay, phần lớn các căn nhà ở TP.HCM đều lắp hệ thống thoát nước mưa từ mái nhà truyền thẳng xuống cống, hoặc sát đất. Không bao nhiêu người còn xài máng xối. Vậy bằng cách nào người dân hứng nước vào lu? Hãy nghĩ cảnh tượng, mỗi khi trời mưa, nhà nhà, người người khiêng lu ra đường, hứng nước mưa, chắc thiệt vui!

Theo bà Xuân giải thích, thì đề xuất lu nước này cũng đã được các chuyên gia JICA (Nhật Bản) nêu ra trong chương trình lắng nghe trao đổi về chống ngập vừa qua chứ không phải tự bà suy diễn ra. Nếu thật, thì chuyện nhà mình, chính mình là người tỏ tường nhất, dân mình, mình hiểu nhất và cần nghe nhất. Các chuyên gia nước ngoài thường chỉ sang một thời gian ngắn, làm sao nắm rõ như các vị đại biểu HĐND - vốn phải sát dân, lắng nghe ý kiến của dân.

Khoảng 10 năm trước, 1 kỹ sư xây dựng từng đề xuất ý tưởng khả thi hơn. Đó là, những căn nhà xây mới, nếu có sân thượng (đổ bê tông), cơ quan chức năng khi cấp phép phải yêu cầu sân thượng có đường thoát nước cao hơn đáy sân khoảng 20cm. Nhà đã xây, cũng vận động làm chống thấm để có quy cách như vậy.

Mỗi khi trời mưa, những cái sân thượng ấy sẽ chứa đầy nước, khi nào cao vượt mức 20cm mới tràn vào ống thoát đi. Bình quân mỗi sân thượng diện tích 100m2, chứa nước với độ cao 20cm (0,2 mét), thì đã chứa được 20m3 nước. Nhân lên hàng ngàn, hàng chục ngàn căn nhà, lượng nước trữ lại, không tràn xuống đất, sẽ rất kinh khủng.

Lượng nước trữ lại ấy, nếu cần, có thể lắp ống dẫn xuống, qua hệ thống lọc để sử dụng sinh hoạt, tiết kiệm nước cho cả nhà máy nước. Có nước trên mái, nhà lại chống nóng, mát rượi. Còn không, sau đó sẽ tháo đi, hoặc để khô dần vào những ngày nắng gắt sau đó. Tiếc rằng, ý kiến này không được nhà chức trách quan tâm.

Nếu như giải thích của bà Cục trưởng về ý tưởng cấm từ “lon”, bởi có thể gây suy diễn lệch lạc - có thể một số người ngầm hiểu, đó là giải thích gượng gạo khi mục đích chính “khó nói”, thì với từ “lu”, nhiều người cười ngất.

Dân ngán ngẩm với đề xuất của nhà khoa học - đại biểu HĐND, có lẽ vì bà đã đưa ý tưởng chống ngập quá thô sơ, khó khả thi sau nhiều năm miệt mài đèn sách. Ý tưởng ấy, người dân ít học cũng không bao giờ dám nghĩ tới, khi bao nhiêu tỉ đồng cho trang thiết bị hiện đại chống ngập, vẫn không đem lại hiệu quả.

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ý tưởng…không tưởng!