Trên Livemint, chuyên gia Nitin Pai (đồng sáng lập và là người điều hành Viện Takshashila – một trung tâm nghiên cứu và đào tạo độc lập ở Ấn Độ) đã thúc giục chính phủ cần nhanh chóng tham gia với các cường quốc khác để chống lại yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ấn Độ cần ra mặt với Trung Quốc tại Biển Đông theo kế vây Ngụy cứu Triệu

20/07/2020, 13:12

Trên Livemint, chuyên gia Nitin Pai (đồng sáng lập và là người điều hành Viện Takshashila – một trung tâm nghiên cứu và đào tạo độc lập ở Ấn Độ) đã thúc giục chính phủ cần nhanh chóng tham gia với các cường quốc khác để chống lại yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tàu hải quân Ấn Độ

Pai viết: “Ấn Độ không thể ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở dãy Hy Mã Lạp Sơn trừ khi chúng ta thể hiện năng lực đáng tin cậy để làm tổn thương lợi ích của Trung Quốc ở những khu vực bị tranh chấp khác. Sau những cuộc giao tranh trong vài tháng qua, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở phía đông Ladakh đang trong quá trình hưu chiến, nhưng chúng ta không cần ngạc nhiên nếu Trung Quốc từ chối quay trở lại vị trí trước tháng 4.2020”.

“Chỉ khi New Delhi thể hiện sự sẵn sàng sử dụng khả năng của Ấn Độ, để làm tạo sóng cho Trung Quốc tại khu vực mà Bắc Kinh coi cốt lõi là lợi ích của mình, thì nhà cầm quyền Bắc Kinh mới chịu để yên trong việc duy trì hiện trạng dọc biên giới đất liền của chúng ta".

"Trong khi đó, tình hình ở trên biển với Trung Quốc đang rất căng thắng. Mỹ không chỉ tăng cường sự hiện diện của hải quân với ba nhóm tàu ​​sân bay ở khu vực Biển Đông, mà còn chính thức thay đổi thái độ từ trung lập trong các tranh chấp lãnh hải sang việc nghiêng hẳn về phía các đối thủ của Trung Quốc. Các tàu Hải quân Mỹ đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải bất chấp các cảnh báo của Bắc Kinh. Đầu tháng này, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Các tàu và máy bay của hải quân Trung Quốc và Mỹ thường xuyên hoạt động gần nhau một cách nguy hiểm, có thể coi là phiên bản xô đẩy trên biển gần giống như kịch bản đã xảy ra giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở dãy Hy Mã Lạp Sơn. Động thái cứng rắn của Mỹ được đưa ra sau khi các tàu Trung Quốc đâm tàu đánh cá Việt Nam, quấy rối một tàu khoan của Malaysia và xâm nhập vào đặc khu kinh tế của Indonesia, tất cả xảy ra trong một vài tháng qua".

Theo Pai, các quốc gia ASEAN ven Biển Đông chưa đủ sức mạnh rõ ràng để có thể tự mình chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và trông đợi sự hiện diện của quân đội Mỹ như một đối trọng. Đồng thời, họ lo lắng rằng một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang thành một cuộc xung đột mà họ không muốn. Mặc dù họ muốn đi đến một bộ quy tắc ứng xử trên biển đã đàm phán với Bắc Kinh, họ không thể tin tưởng tối đa vào sự hậu thuẫn của các thành viên ASEAN khác, hay việc Trung Quốc xuống thang trong các yêu sách. Cho đến nay tại ASEAN, mới chỉ có Việt Nam thể hiện lập trường kiên định trên Biển Đông trước Trung Quốc.

Pai cho rằng nếu Trung Quốc đụng độ với một nước ASEAN ven Biển Đông, Mỹ có thể tham gia vào cuộc xung đột thay mặt cho nước này. Mặt khác, nếu các vấn đề leo thang giữa các Trung Quốc và Mỹ bùng phát, tất cả các bên liên quan ở khu vực sẽ bị buộc phải đưa ra lựa chọn mà họ muốn tránh. Pai kết luận tình hình bằng ví von: “Vì vậy, đây là những vùng nước nguy hiểm. Nhưng tôi ủng hộ việc câu cá trong đó”.

Quan điểm chính thức của New Delhi trên Biển Đông trước giờ là Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và giao thương không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ". Ngoài việc ủng hộ các giải pháp hòa bình cho tranh chấp, Ấn Độ còn thúc giục tất cả các bên thể hiện tối đa tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

Nhưng Pai thúc giục: "Đã đến lúc có những hành động mang lại ý nghĩa cho những mỹ từ nói trên. Các cơ bắp của hải quân Ấn Độ cần được tăng cường cho các hoạt động ở phía đông eo biển Malacca".

Sức mạnh trên biển có thể được sử dụng linh hoạt để gửi tín hiệu đến Bắc Kinh mà không nhất thiết phải vượt qua ranh giới và Pai chia ra làm 3 cấp độ:

Ở mức độ đe dọa ít nhất, New Delhi nên tăng tần suất và thời gian triển khai hải quân trong khu vực, mở rộng các loại khí tài hải quân được triển khai. Các tàu được triển khai như vậy nên thường xuyên ghé cảng các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Timor-Leste, và thường xuyên giao lưu các tàu của Mỹ, Nhật Bản, Úc, Việt Nam, Singapore và Indonesia mà chưa cần đối mặt ở các điểm nóng.

Ở cấp độ mạnh hơn, Ấn Độ có thể điều hải quân trong các chuyến đi dài hơn tới cảng của Nhật Bản và Nga, đặc biệt là những thông điệp dành cho Đài Loan, hòn đảo ly khai mà Trung Quốc rất nhạy cảm.

Ở giai đoạn dằn mặt cao nhất, các tàu hải quân Ấn Độ có thể tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông để tuyên bố sự ủng hộ rõ ràng với luật pháp quốc tế và bác bỏ các yêu sách về đường 9 đoạn của Trung Quốc. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chính trị và quân sự cực kỳ chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản và Úc. Vì thế, New Delhi nên bỏ ngay việc lảng tránh mời hải quân Úc tham gia các cuộc tập trận Malabar đa phương.

Việc đông tiến của Ấn Độ ra Biển Đông chống lại yêu sách của Trung Quốc không chỉ là kế Vây Ngụy cứu Triệu để làm giảm áp lực tại Hy Mã Lạp Sơn mà còn giúp Ấn Độ phát triển sức mạnh trên biển tự giải vây mình khỏi chiến lược “Chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc đang siết dần khiến ảnh hưởng Ấn Độ tại Ấn Độ Dương bị ngộp thở. Xa hơn, nếu Ấn Độ tham gia tích cực với nhóm Bộ tứ “Quad” với Úc, Mỹ và Nhật thì họ sẽ xây dựng được niềm tin với đồng minh và có hậu thuẫn vững chắc để trở thành quốc gia dẫn dắt ở khu vực Nam Á.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mặt các chiêu trò lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) mới đây đã thông tin, cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ cần ra mặt với Trung Quốc tại Biển Đông theo kế vây Ngụy cứu Triệu