Quan hệ thương mại giữa Ấn Độ với Nga đang đạt đến tầm cao mới, cụ thể là quốc gia Nam Á mua dầu thô Nga nhiều hơn bao giờ hết.
Theo nghiên cứu của The Economist, dù bị phương Tây trừng phạt và áp giá trần dầu thô, doanh số mặt hàng này của Nga vẫn cao, chủ yếu do nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
“Mua dầu thô với giá tốt nhất có thể”
Theo Bộ Công thương Ấn Độ, Nga trở thành nguồn nhập khẩu lớn hàng thứ 4 của quốc gia Nam Á trong năm 2022. Tính từ tháng 4 - 12.2022, nhập khẩu từ Nga vào Ấn Độ đạt tổng cộng 32,8 tỉ USD (30,08 tỉ euro), tăng từ 6,58 tỉ USD trong cùng kỳ năm 2021.
Bộ trưởng Công thương Sunil Barthwal cho biết, Ấn Độ đã “mua rất nhiều dầu thô Nga, chuyển thành các sản phẩm hóa dầu và xuất khẩu”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar giải thích với Quốc hội Ấn Độ hồi cuối năm 2022: “Chúng tôi không kêu gọi các công ty của chúng tôi mua dầu Nga mà chỉ kêu gọi họ mua dầu với giá tốt nhất”.
Theo báo Đức Deutsche Welle (DW), chính phủ Ấn Độ hưởng rất nhiều lợi ích từ việc phương Tây áp giá trần dầu thô Nga kể từ ngày 5.2.2023.
Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu nhiều thứ ba thế giới và nhập khẩu hơn 80% dầu thô. Với mức giá trần có nghĩa là quốc gia này có thể hạ chi tiêu năng lượng ở mức thấp hơn. Bằng cách dùng dầu Nga, Ấn Độ có thể giảm lệ thuộc Trung Đông, nơi từng đáp ứng 60% nguồn dầu nhập khẩu của Ấn Độ.
Ấn - Nga hợp tác trên nhiều mặt
Ấn Độ và Nga có mối quan hệ đặc biệt, chính vì vậy New Delhi không ủng hộ phương Tây trừng phạt Moscow. Nhưng quan hệ kinh tế - chính trị giữa hai quốc gia này không chỉ dựa trên lợi ích chung liên quan dầu thô.
Hai nước đã có quan hệ hợp tác lâu dài trong thời Chiến tranh Lạnh. Lúc đó, Liên Xô đã cung cấp vũ khí cho Ấn Độ trong nhiều năm, huấn luyện cách sử dụng vũ khí đó cho quân đội Ấn Độ. Từ năm 1955-1991, Ấn Độ nhận 3/5 số vũ khí từ Liên Xô, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Ngoài ra, Ấn Độ sau khi hết bị Anh đô hộ và tìm cách xóa nghèo đã áp dụng mô hình kinh tế kiểu Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ấn Độ mới cải cách và mở cửa nền kinh tế với thế giới.
Vào năm 2005, thời Tổng thống George W. Bush, các quan chức Mỹ đã nói về Ấn Độ như một “đồng minh tự nhiên” với “các giá trị chung” và nói Ấn Độ sẽ trở thành “một thế lực lớn của thế giới trong thế kỷ 21” với sự ủng hộ của Mỹ.
Chính khát vọng trở thành một thế lực đó đã giải thích tại sao Ấn Độ tiếp tục hợp tác với Nga, thông qua nhiều tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và khối RIC (gồm Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) mặc dù Mỹ là đối tác mới của quốc gia Nam Á.
Hồi tháng 9.2022, hai nhà nghiên cứu Rajan Menon và Eugene Rumer của tổ chức nghiên cứu Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) đã nói: “Quan hệ Nga - Ấn sẽ tiếp diễn. Đối với Ấn Độ, Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí quan trọng. Bằng cách không cùng phương Tây trừng phạt Nga, Ấn Độ đã chứng tỏ chính sách đối ngoại độc lập của họ”.
“Củng cố hợp tác thương mại và kinh tế giữa Ấn Độ và Nga là một trọng tâm đối với lãnh đạo chính trị của cả hai quốc gia”, theo tuyên bố của Đại sứ quán Ấn Độ tại Moscow trong một báo cáo năm 2022 về quan hệ kinh tế Ấn - Nga.
Dù vậy theo DW, trước khi Ấn Độ nhập khẩu nhiều dầu thô Nga, hợp tác kinh tế giữa hai nước từng ở mức thấp. Nga hiếm khi có chỗ trong 25 đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ từ năm 2012-2021. Để so sánh, Đức chiếm hạng 6 trong danh mục đó hồi năm 2012, nhưng trượt xuống hạng 11 trong năm 2021.