Nhiều khu vực rừng vùng Bảy Núi đang được cảnh báo cháy cấp 5 (cực kỳ nguy hiểm). Chính vì thế, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang quan tâm đặc biệt.
Bảo vệ môi trường

An Giang: Cật lực phòng chống cháy rừng vùng Bảy Núi

Tô Văn 19:10 26/03/2024

Nhiều khu vực rừng vùng Bảy Núi đang được cảnh báo cháy cấp 5 (cực kỳ nguy hiểm). Chính vì thế, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang quan tâm đặc biệt.

Nguy cơ cháy rừng rất cao

Trưa 25.3, từ trụ sở Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang, phóng viên Một Thế Giới theo con lộ nông thôn dài khoảng 15km thì tới núi Phú Cường.

Ngọn núi này diện tích hơn 17,7ha thuộc ấp Phú Cường, xã An Nông, thị xã Tịnh Biên. Tại đây, lực lượng Trạm Quản lý rừng liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc đang rốt ráo thực hiện công tác phòng chống cháy rừng.

5-rung.jpg
Lực lượng Trạm Quản lý rừng liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc đang triển khai việc phòng chống cháy rừng - Ảnh: Tô Văn
4-rung.jpg
Ông Lương Văn Tươi, Phó trưởng trạm, phụ trách Trạm Quản lý rừng liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc (Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang) đang chỉ đạo công việc - Ảnh: Tô Văn

Cầm bộ đàm trên tay, ông Lương Văn Tươi, Phó trưởng trạm, phụ trách Trạm Quản lý rừng liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc (Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang) hô lớn: “Các anh em cơ động vào vị trí tuần tra”.

Sau hiệu lệnh, nhóm cơ động có hơn chục người thực hiện công tác tuần tra băng rừng. Sau đó, họ phân tán lực lượng làm nhiệm vụ xịt nước, phát quang, dọn thực bì khô nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh cháy.

7-rung.jpg
8-rung.jpg
Lực lượng Trạm Quản lý rừng đang trên đường tuần tra - Ảnh: Tô Văn

Anh Đỗ Văn Tài (45 tuổi, ngụ ấp Phú Cường, xã An Nông, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết mỗi năm vào mùa khô tại núi Phú Cường, địa phương và các lực lượng chức năng luôn nhắc nhở người dân phòng chống cháy rừng và bảo vệ rừng.

“Tôi là người địa phương luôn tham gia cùng các lực lượng chức năng đi tuần tra phòng chống cháy rừng; đồng thời luôn nhắc người dân cẩn thận khi lấy mật ong bởi việc này rất dễ xảy ra cháy nếu người dân thiếu cẩn trọng”, anh Tài nói.

13-rung.jpg
6-rung.jpg
Đặc biệt núi Phú Cường và các núi ở huyện Tri Tôn lá cây rừng tự nhiên, cây le, cây tầm vông rụng nhiều vào mùa khô tạo thành lớp thực bì dày đặc dưới tán rừng nên rất dễ xảy ra cháy rừng - Ảnh: Tô Văn
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ xịt nước, phát quang, dọn thực bì nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh cháy - Clip: Tô Văn

Ông Lương Văn Tươi, Phó trưởng phụ trách Trạm Quản lý rừng liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang) nói: “Chúng tôi trực canh 24/24 giờ tại núi Phú Cường, theo cách ban ngày canh khói, đêm tối canh lửa. Việc tuần tra, quan sát xung quanh khu vực ven núi sẽ giúp chúng tôi nhanh chóng phát hiện tình huống, sự cố, kịp thời báo cáo về lãnh đạo ban để xử lý. Đây là nhiệm thường xuyên, liên tục, được chúng tôi thực hiện nghiêm túc kể từ đầu mùa khô đến nay”.

Cũng theo ông Tươi, ngoài việc tuần tra, nhóm cơ động của trạm còn chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm nông nghiệp ở khu vực ven núi.

“Toàn đơn vị được trang bị 4 máy thổi gió, 4 máy đeo vai phun nước, 1 xe gắn máy chữa cháy cơ động và 1 máy bơm đường dây tiếp nước dài hơn 250m, để kịp thời xử lý tình huống khi cháy rừng.

Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, tại khu vực núi Phú Cường chưa xảy ra vụ cháy. Thời gian tới, chúng tôi tăng cường trực canh, xác định bảo vệ, phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ rất quan trọng. Người dân không nên vào rừng để bắt ong trong thời điểm này vì cây cối ở núi Phú Cường rất khô, dễ xảy ra cháy nếu ai đó bất cẩn”, ông Tươi nói thêm.

Bám rừng bất kể ngày đêm

Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang được giao quản lý rừng, đất rừng phòng hộ và đặc dụng trên địa bàn của các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, thị xã Tịnh Biên, TP.Châu Đốc, với diện tích hiện có là 13.277,2ha.

15-rung.jpg
Diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang được phân bố theo hai khu vực: đồi núi và rừng tràm (đồng bằng) - Ảnh: Tô Văn
9-rung.jpg
Kiểm tra dụng cụ cơ động chữa cháy - Ảnh: Tô Văn
14-rung.jpg
Một thành viên trong nhóm cơ động đang xịt nước làm ẩm thực bì - Ảnh: Tô Văn
10-rung.jpg
Trong quá trình phát quang bụi rậm, cây cối, một thành viên bị ong đốt - Ảnh: Tô Văn

Trong đó, rừng và đất rừng đặc dụng là 1.832,10ha (đất có rừng 1.269,3ha và đất chưa có rừng 562,8ha); rừng và đất rừng phòng hộ là 11.445ha (đất có rừng 9.346ha và đất chưa có rừng 2.099ha). Diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng được trồng từ năm 1991 đến nay, được phân bố theo 2 khu vực: đồi núi và khu vực rừng tràm (đồng bằng).

Tại khu vực đồi núi, đa số là diện tích rừng trồng xen cây ăn quả, được giao khoán cho các hộ dân trồng, chăm sóc, bảo vệ. Đối với diện tích rừng này, thảm thực bì chủ yếu là cây bụi, thảm cỏ, lá khô.

Đặc biệt núi Phú Cường và các núi thuộc huyện Tri Tôn lá cây rừng tự nhiên, cây le, cây tầm vông rụng nhiều vào mùa khô tạo thành lớp thực bì dày đặc dưới tán rừng nên khả năng xảy ra cháy rừng rất cao.

1-rung.jpg
2-rung.jpg
3-rung.jpg
Mỗi khu vực trọng điểm đều có hồ, thùng, can trữ nước để chữa cháy rừng - Ảnh: Tô Văn

Còn khu vực rừng tràm hiện diện tích lên tới 1.101,39ha. Trong đó, rừng tràm Trà Sư là 845ha (là khu rừng trồng và tái sinh, thực bì chủ yếu là thảm cỏ và lớp lá rụng dưới tán rừng dày đặc); rừng tràm Tân Tuyến có 256,39ha cây rừng thưa, và cây tràm non mới trồng năm 2021 với diện tích là 49ha và năm 2023 là 5ha (thực bì ở đây chủ yếu là cỏ) nên nguy cơ xảy ra cháy rừng, cháy lớn rất cao.

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết, vào mùa khô vùng Bảy Núi thiếu nước nghiêm trọng, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt, mọi hành vi sử dụng lửa bất cẩn đều có thể gây ra cháy rừng.

“Đơn vị chúng tôi luôn tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng trong tuần tra, kiểm tra việc phòng chống cháy rừng ở các khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao. Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên duy trì công tác tuần tra, trực gác, luôn cảnh giác ở mức cao.

Trong đó, lực lượng hợp đồng phòng cháy chữa cháy được bố trí từng khu vực, có trách nhiệm tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng hằng ngày dưới sự theo dõi, giám sát của trạm quản lý rừng.

Riêng các trạm quản lý rừng xây dựng lịch tuần tra, kiểm tra, bố trí viên chức phụ trách tuần tra, trực gác theo từng khu vực cụ thể. Vào cao điểm mùa khô, Ban Quản lý rừng thực hiện ứng trực 100% lực lượng nhằm đảm bảo cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng”, ông Nhân nhấn mạnh.

11-rung.jpg
Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã treo 300 bảng cấm lửa tại khu vực có khả năng cháy cao - Ảnh: Tô Văn

Ông Nhân cho biết thêm đơn vị thường xuyên theo dõi cập nhật, dự báo, thông báo cấp cháy rừng từ Chi cục Kiểm lâm để có sự chủ động ứng phó; phối hợp với báo chí, tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn.

“Đến thời điểm này, đơn vị đã treo 50 băng rôn tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm, các khu dân cư có đông người qua lại; treo 300 bảng cấm lửa tại khu vực có nguy cơ cháy cao”, ông Nhân cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Cật lực phòng chống cháy rừng vùng Bảy Núi