Dù đi biểu diễn ảo thuật khắp nơi, Nguyễn Văn Lượm (nghệ danh Lâm Hải Triều, 38 tuổi) luôn tranh thủ thời gian rảnh để đi gom, hút đinh, giúp người đi đường. Anh được nhiều người biết đến và quý mến.

An Giang: Chàng ảo thuật gia đam mê từ thiện, gom, hút đinh, giúp người đi đường

Tô Văn | 14/05/2023, 13:05

Dù đi biểu diễn ảo thuật khắp nơi, Nguyễn Văn Lượm (nghệ danh Lâm Hải Triều, 38 tuổi) luôn tranh thủ thời gian rảnh để đi gom, hút đinh, giúp người đi đường. Anh được nhiều người biết đến và quý mến.

Từ đam mê diễn ảo thuật...

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở huyện Châu Thành, ngay từ nhỏ anh Nguyễn Văn Lượm (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã đam mê ảo thuật dù gia đình và dòng họ không một ai theo nghệ thuật.

Để theo đuổi ước mơ của mình, từ năm 2008, anh Lượm giấu gia đình lén theo thầy học nghề. Năm 2010, trong một lần theo đoàn lô tô biểu diễn tại Đồng Tháp, anh bị chấn thương ở tay.

Sau khi bị tai nạn hy hữu này, Lượm phải nằm ở nhà hơn 2 tháng trời, công việc vỡ lỡ. "Cũng từ đó, gia đình cương quyết cấm đoán bắt tôi phải đoạt tuyệt vĩnh viễn với cái nghề mà tôi đam mê”, anh Lượm chia sẻ.

Mặc dù cuộc sống khó khăn, tưởng chừng cơm áo, gạo tiền sẽ khiến Lượm phải từ bỏ đam mê ảo thuật của mình, thế nhưng “duyên nợ” với nghề vẫn theo anh đến mãi tận bây giờ.

5-trieu5.jpg
Những trò ảo thuật anh Lượm biểu diễn được các em học sinh, sinh viên háo hức xem - Ảnh: NVCC

Anh Lượm cho biết: “Hồi đó, những lúc rảnh rỗi, tôi cùng bạn bè đi biểu diễn ảo thuật tại các quán cà phê, đoàn lô tô cho vui và cũng muốn kiếm thêm ít tiền. Tuy nhiên, những trò ảo thuật mà tôi biểu diễn được  nhiều người, nhất là giới học sinh, sinh viên yêu mến và nhiệt tình ủng hộ. Sau đó, tôi may mắn quen biết một vài người trong nghề và được mời về Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang biểu diễn và giao lưu.

Cũng từ đó, tôi bắt đầu ham gia biểu diễn tại một số doanh nghiệp, hay các nhà hàng. Dần dần tôi chuyển sang nghề ảo thuật cho đến bây giờ”.

4-trieu4.jpg
Ảo thuật gia Nguyễn Văn Lượm trong một sô diễn quyên góp từ thiện - Ảnh: NVCC

Anh Lượm còn tổ chức các sô diễn để quyên góp từ thiện hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, các cụ già neo đơn, trẻ em khuyết tật.

Điều đặc biệt, dù bận rộn đi biểu diễn ở nhiều nơi, song hễ có thời gian rảnh rỗi là anh lại đi gom, hút đinh giúp người đi đường.

...đến gom, hút đinh giúp người đi đường

Giữa cái nắng tháng 5 nóng hầm hập, mỗi ngày anh Lượm hai lần kéo xe hút đinh trên đoạn đường hàng chục km dọc theo tuyến quốc lộ 91 (đoạn qua huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Mỗi lần như vậy anh gom được khoảng nửa chén vật nhọn là đinh vít, dây thắng xe gắn máy (đã cắt ngắn).

1-trieu-1.jpg
Anh Lượm kéo chiếc xe hút đinh và vật sắt nhọn trên tuyến quốc lộ 91, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Lượm cho biết, thời gian đầu anh nhặt đinh bằng tay nên bị đau rát, nhiều lúc chảy máu mà không có hiệu quả. Rồi sau đó, anh làm cây hút đinh, dù tình hình được cải thiện nhưng anh thấy vẫn không ổn vì cây có bề mặt tiếp xúc quá nhỏ trong khi lượng đinh do "đinh tặc" rải thì nhiều.

Thế là anh quyết định mày mò tự tìm hiểu và thiết kế chiếc xe hút đinh. Sau một thời gian, chiếc xe hút đinh tự chế của anh cũng hoàn thành, thấy sử dụng hiệu quả lại an toàn nên anh sử dụng cho đến tận bây giờ.

2-trieu2.jpg
Chiếc xe hút đinh của anh Lượm có treo một tấm bảng ghi dòng chữ "Xe hút đinh thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Hãy chung tay vì cuộc sống cộng đồng, chúc bà con thượng lộ bình an” - Ảnh: Tô Văn

Chiếc xe tự chế của anh thiết kế rất đơn giản: một khung sắt gắn 2 bánh xe và khung được gắn nam châm. Mỗi lần hoạt động, anh Lượm nối khung vào đuôi xe máy và ở những đoạn đường có đinh, kim loại thì nam châm trên khung sẽ tự động hút vào dưới gầm.

Ngoài ra, phía sau xe còn có treo cờ kèm theo một tấm bảng ghi dòng chữ "Xe hút đinh thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Hãy chung tay vì cuộc sống cộng đồng, chúc bà con thượng lộ bình an”. Chính vì thiết kế này mà chiếc xe tự chế của anh gây chú ý trên các tuyến đường.

Theo anh Lượm, hiện tại số lượng đinh và vật sắc nhọn trên đường đã giảm đáng kể so với những ngày đầu năm 2022.

“Cái Tết vừa qua, tôi gom được dày đặc các vật nhọn trên đường. Năm nay “ít hơn”, như vậy cũng mừng lắm rồi. Bà con đi đường cũng đề cao cảnh giác nên khi qua quãng đường này, họ chạy chậm nên tình trạng cán phải vật nhọn ít xảy ra hơn”, anh Lượm nói.

Anh Lượm chia sẻ thêm, những ngày đầu đi thu gom đinh trên đường, vợ anh cùng người thân rất ủng hộ. “Người nhà tôi ai cũng đi xe gắn máy và cũng từng cán phải đinh, vật nhọn nên cảm thấy bực bội. Tôi đã thuyết phục rằng để tôi đi nhặt gom, nhặt đinh. Mình ở gần đây mà cán đinh đã thấy mệt mỏi, bất an rồi huống chi là người ta đi đường xa, chạy hàng trăm cây số mà còn chở theo con cái, người già”, anh Lượm nói.

6-trieu6.jpg
Đinh và các vật nhọn do anh Lượm dùng xe hút đinh thu gom - Ảnh: Tô Văn

Công việc nào cũng vậy, vui có, buồn có

Với việc kéo xe hút đinh trên đường, anh Lượm cảm thấy mình không đơn độc vì nhận được nhiều lời chia sẻ động viên của người đi đường cũng như người dân sinh sống hai bên tuyến quốc lộ 91.

“Người dân ủng hộ tôi về mặt tinh thần là đã quý lắm rồi, mong rằng không ai phải khổ sở vì chạy xe cán phải đinh”, anh Lượm bày tỏ.

Ông Mười Bốn (ngụ TP.Long Xuyên) cho biết, hình ảnh anh Lượm kéo xe hút đinh đã quá quen thuộc với ông và nhiều người khi tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 91 (qua huyện Châu Thành lên TP.Châu Đốc) hơn 1 năm qua.

“Khi đi trên đường thấy đinh là anh Lượm lấy xe đi hút liền, không kể ngày thường hay ngày tết...”, ông Bốn nói.

Chính vì việc làm ý nghĩa, tự nguyện hút đinh cùng các vật sắc nhọn trên đường nên thời gian qua, anh Lượm được một số mạnh thường quân hỗ trợ tiền xăng, tiền mua nam châm để thay mới.

“Gắn bó với nghề gom, hút đinh, vui cũng có mà buồn cũng có. Nhiều lúc đi ra đường hút đinh bị mọi người nói là "tào lao", “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” hay bị một số người chạy xe ngang qua mắng chửi vì cản trở sự lưu thông của họ. Thậm chí, có người còn tỏ ra nghi ngờ về mục đích công việc, họ nghĩ những việc tôi làm đều được trả lương", anh Lượm bộc bạch.

Anh tâm sự thêm: "Thế nhưng, có những lúc đang hút đinh trên đường, có một số bạn trẻ ghé vào cho vài chai nước, gửi lời cảm ơn, động viên chân thành. Chính những tình cảm và sự thấu hiểu ấy giúp tôi có thêm động lực để làm công việc này cho đến ngày hôm nay”, anh Lượm tâm sự.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Chàng ảo thuật gia đam mê từ thiện, gom, hút đinh, giúp người đi đường