“Hãy tin rằng đời đáng sống, và niềm tin này sẽ giúp bạn tạo dựng nên sự thật đó” - William James.

'Bản giao hưởng cuộc sống': Bài học trên chuyến tàu đêm

Hạ Vĩ | 13/05/2023, 12:25

“Hãy tin rằng đời đáng sống, và niềm tin này sẽ giúp bạn tạo dựng nên sự thật đó” - William James.

Lúc tôi đến được ga tàu thì đồng hồ đã điểm chín giờ ba mươi phút. Tôi gần như chắc chắn mình sẽ lỡ tàu, chuyến tàu cuối cùng trong đêm. Đến được nhà ga vốn đã là một thử thách thế mà giờ tôi lại còn phải chen lấn qua một hành lang đông nghịt người ở Ga Union, Los Angeles. 

Chuyện không thể tệ hơn 

Khi rẽ về phía sân ga của mình, cầu thang bộ ngay trước mặt tôi đang bị tắc nghẽn bởi một người đàn ông cùng đống va-li cồng kềnhmà một người bình thường không thể nào khuân hết được; chưa kể anh ta còn là người khuyết tật. Cánh tay trái của anh ta bất động buông thõng bên người còn tay phải thì cử động rất hạn chế. Một bên chân của anh ta còn bị xoắn vào trong. Tôi đứng nhìn anh ta nhấc mỗi lần một chiếc va-li lên từng bậc thang, rồi quay lại nhấc chiếc tiếp theo. Sau khi chuyển hết va-li lên cùng một bậc, anh ta sẽ lặp lại toàn bộ quá trình đó. Anh ta đã lên được đến bậc thang thứ năm, trong số hai mươi bậc thang.

Khi một nhân viên nhà ga đề nghị giúp anh ta khuân vác đống hành lý, anh ta bắt đầu la lối người nhân viên này, rồi lại nhìn chằm chằm một hành khách khác khi người nọ đang cố gắng xách một chiếc túi giúp mình. Tôi biết dù mình có lao vào giúp thì cũng không cải thiện được tình hình; và dù đánh giá cao ý thức độc lập của người đàn ông ấy, tôi lại không hề muốn bị lỡ tàu chỉ vì anh ta. Tôi vừa trải qua một tuần làm việc đặc biệt mệt mỏi và đối với tôi lúc này, không có gì quan trọng hơn việc được về nhà càng sớm càng tốt. Vì vậy, ngay khi tìm thấy thời cơ, tôi nhanh chân bước qua hàng va-li của anh ta, đi hết cầu thang rồi bước thẳng lên tàu.

828b991d-9dfe-4095-8ad8-a581580af10e.jpeg

Tôi đã định tranh thủ nghỉ ngơi và thư giãn trên quãng đường về, để rồi muộn màng nhớ ra câu ngạn ngữ: “Xây dựng một kế hoạch hay ho là một chuyện, thực hiện được kế hoạch đó hay không lại là chuyện khác”. Ngồi đối diện tôi là hai bé gái. Chúng rất hào hứng, rất năng động và cũng rất, rất ồn ào. Tôi nhìn sang người cha mệt mỏi của hai đứa và biết ngay hai giờ đồng hồ tĩnh lặng quý giá tiếp theo của mình sắp trở thành một trăm hai mươi phút tràn ngập tiếng cười nói. 

Ngay lúc tôi nghĩ mọi chuyện không thể nào tệ hơn được nữa, thì người đàn ông tôi gặp lúc nãy đang khập khiễng bước lên tàu, càu nhàu kêu tôi nhấc chân lên rồi ngồi phịch xuống ngay bên cạnh tôi. Khi quan sát kỹ hơn, tôi nhận ra căn bệnh anh ta mắc phải không chỉ ảnh hưởng đến chân tay mà còn khiến khuôn mặt anh ta hằn sâu một nếp nhăn vĩnh viễn. Sự kiên nhẫn của anh ta với hai bé gái ngồi đối diện còn ngắn hơn cả tôi. Chỉ sau hai phút, anh ta đã bắt đầu làu bàu với chúng: “Nhỏ tiếng lại!”.

Người bạn đồng hành mới của tôi là người không mấy vui vẻ. Anh ta tận dụng mọi cơ hội để phàn nàn với các tiếp viên về nhiệt độ, ánh sáng khó chịu trên tàu, dịch vụ bán vé chậm như rùa, hai bé gái ồn ào (dù sau khi bị nhắc nhở, hai đứa đã không nói thêm một lời nào), món đậu phộng ỉu mà anh ta mua ở xe bán cà phê và thậm chí là cả việc mấy chiếc ly giấy ở đây quá nhỏ, không chứa đủ nước cho anh ta uống thuốc. Tất cả những điều này diễn ra khi tàu chúng tôi mới khởi hành chưa được mười lăm phút!

“Chú ơi, chú gặp phải chuyện gì vậy ạ?”

Bình thường, tôi là người khá dễ chịu, nhưng hiện tại lòng trắc ẩn trong tôi đã cạn kiệt. Tôi cáu kỉnh ngồi đó, đắm chìm trong nỗi bất hạnh khi phải ngồi cạnh một người đàn ông có tâm hồn cũng vặn vẹo như cơ thể anh ta. Trong lúc tôi còn mải mê buồn thương cho bản thân thì lương tâm tôi bỗng nhiên lên tiếng. Tôi chợt nghĩ, nếu ngay bây giờ tôi bắt chuyện với anh ta bằng thái độ tử tế và cảm thông, biết đâu tôi có thể trở thành nguồn cảm hứng giúp anh ta thay đổi cách cư xử, thậm chí có thể là cả cuộc đời mình.

Tuy nhiên, lúc ấy tôi thật sự quá mệt mỏi, cáu kỉnh và hoàn toàn không có tâm trạng rời khỏi cái kén ích kỷ êm ấm của mình, nơi tôi không cần phải lên tiếng và có thể tiếp tục tự thương hại bản thân. Vì vậy, tôi cố phớt lờ tiếng thì thầm thúc giục mình làm điều đúng đắn: làm bạn với người lạ và giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Tôi càng lơ đi thì tiếng nói ấy lại càng âm vang hơn. Dù chưa bao giờ gặp người đàn ông này trước đây, tôi biết anh ta đang sống một cuộc đời không dễ dàng gì và đang cần một người toàn tâm toàn ý lắng nghe.

c7caa484-24e2-4d1e-88c0-b0f0019143aa.jpeg

Trong lúc tôi còn mải mê suy nghĩ về tình huống tiến thoái lưỡng nan của mình thì một giọng nói ngọt ngào, hồn nhiên không lẫn vào đâu được của một trong hai cô bé ngồi đối diện vang lên: “Chú ơi, chú gặp phải chuyện gì vậy ạ?”.

Cô bé ấy đã làm được việc mà tôi đã không đủ can đảm thực hiện, và rõ ràng đây không phải lần đầu tiên người đàn ông kia được hỏi câu này. Anh ta trả lời đều đều như thể đã lặp lại những lời ấy hàng trăm lần trong suốt cuộc đời mình, rằng anh ta mắc một căn bệnh khiến các cơ bắp không thể hoạt động bình thường. Tuy vậy, dường như đó không phải điều cô bé muốn biết. Cô bé lắc đầu: “Ý cháu không phải vậy ạ. Ý cháu là tại sao chú lại giận dữ với tất cả mọi người như thế?”.

Người đàn ông kia ngồi lặng đi một lúc trước khi bật ra câu trả lời nghẹn ngào: “Chú đoán mình chỉ đang phẫn uất với cuộc đời. Cuộc đời này đối xử với chú thật tệ”. Cô gái nhỏ có vẻ vẫn chưa hiểu: “Có lẽ cuộc đời sẽ đối xử với chú tốt hơn nếu chú đối xử với cuộc đời tử tế hơn một chút. Ý cháu là, cháu biết chú đang bị bệnh, nhưng cháu đảm bảo rằng vẫn còn rất nhiều thứ tốt đẹp trong đời có thể khiến chú hạnh phúc”.

Người đàn ông ngẩng lên nhìn cô bé; và dù tôi không thấy rõ mặt anh ta, tôi vẫn biết anh ta không hề nổi giận với cô bé: “Cháu vẫn còn quá nhỏ dại. Cháu chẳng biết gì nhiều về cuộc đời này đâu”.

Đến lượt cô bé lặng đi. “Cháu nghĩ cháu đã học được rất nhiều điều về cuộc đời khi mẹ cháu rời xa chúng cháu lên thiên đường.” 

Cô bé quay đi không nhìn người đàn ông và cũng không nói thêm câu nào nữa. Nhưng không sao cả, bởi cô bé đã nói đủ những gì cần nói rồi.

Suốt thời gian còn lại của chuyến đi, khi cô bé nọ đã ngủ thiếp đi, người đàn ông ngồi cạnh tôi dường như cũng ít càm ràm về mọi thứ hơn trước. Tôi không biết cuộc đối thoại tối hôm đó có ảnh hưởng sâu sắc gì tới cuộc sống của anh ta hay không; nhưng riêng với tôi, những gì tôi học được trên chuyến tàu đêm đó thật sự quá lay động, quá khó quên. Sau hôm đó, tôi bắt đầu ngưng bi kịch hóa những vấn đề mình gặp phải trong đời, cười với mọi người nhiều hơn và trân trọng tất cả những món quà mình được ban tặng. Và bạn biết không, dường như cuộc sống đã bắt đầu đối xử với tôi ngày một tốt hơn.

(Trích Hạt giống tâm hồn - Bản giao hưởng cuộc sống)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bản giao hưởng cuộc sống': Bài học trên chuyến tàu đêm