Chưa có mùa nước nổi năm nào, người dân An Giang mong ngóng… nước về, như năm nay. Nước không về, kéo theo bao hệ lụy. Cá, tôm... thưa vắng, ngư dân thẫn thờ, cuộc sống và sản xuất của hàng triệu người nông dân bị đảo lộn.

An Giang mùa lũ... cạn: Dòng sông trơ đáy, chẳng thấy cá tôm

Khang Duy | 16/08/2019, 08:00

Chưa có mùa nước nổi năm nào, người dân An Giang mong ngóng… nước về, như năm nay. Nước không về, kéo theo bao hệ lụy. Cá, tôm... thưa vắng, ngư dân thẫn thờ, cuộc sống và sản xuất của hàng triệu người nông dân bị đảo lộn.

Một thuở lũ về

Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với mùa nước nổi và mùa nước giựt. Người dân miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi mùa nước nổi, như một hiện tượng thiên nhiên đều đặn theo chu kỳ.

Mùa nước nổi ở miền Tây thường rất hiền hòa, khác hẳn với các mùa lũ lụt tàn phá dữ dội như ở miền Bắc hoặc miền Trung. Mùa nước nổi tại vùng ĐBSCL bắt đầu vào khoảng tháng 8 âm lịch (tháng 9-10 dương lịch), thường được báo hiệu trước bằng bè lục bình từ các cánh đồng trên đất Campuchia bị ngập, cuốn bật rễ nối đuôi nhau trôi theo dòng nước xuống đến phần đất Việt Nam.

Việc kiếm vài ký cá, tôm hằng ngày là mừng, nhưng rất khó trong hoàn cảnh con nước năm nay - Ảnh: Tô Văn

Mực nước trên 2 con sông Tiền, sông Hậu trong mùa nước nổi dâng cao lên từ từ rồi tràn qua các bờ sông rạch, làm ngập các cánh đồng. Nước lũ không chỉ rửa đất phèn mà còn tô thêm lượng phù sa, kèm theo đó là lượng tôm, cua và cá đi theo. Thông thường người miền Tây phải canh chừng đo mực nước lên từng giờ để phản ứng kịp thời trong các trường hợp con nước vượt cao quá mức bình thường hơn các năm trước.

Khi áp lực nước từ thượng nguồn bớt đi, thì mực nước liền đứng lại và rồi hạ xuống rất nhanh, người dân vùng quê hay gọi là nước giựt. Hiện tượng nước nổi và nước giựt không diễn ra đồng đều cùng một lúc trên toàn vùng sông nước ĐBSCL, mà nơi sớm, nơi muộn...

Khi mùa nước nổi sắp bắt đầu là các loài cá lội theo vào ruộng đồng đẻ trứng. Cho đến thời kỳ nước giựt thì vô số cá, lúc nhúc từng đàn, nhất là loại cá linh, ùa theo nhau tràn vào các kinh rạch, sông lớn. Cho nên mùa nước giựt, người dân sẽ chưa bận mùa cấy trồng, họ đóng đáy bắt cá suốt dọc theo các kênh rạch này. Có thời điểm - trong mấy thập niên trước đây, cá nhiều tới mức lưới chịu không nổi phải giở lên thả cho bớt đi, bằng không sẽ rách lưới.

Nhiều ngư dân giờ đây phải treo lưới, lờ, lợp, đăng, dớn… tìm kế sinh nhai khác, một sốbỏ lên Bình Dương xin làm công nhân- Ảnh: Ng. Nhân

Nhưng rồi hiện tượng cân bằng sinh thái tự nhiên đó hầu như không còn nữa. Và mùa nước nổi năm nay có thể cho là hoàn toàn “mất tích”, kéo theo đó bao hệ lụy, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của hàng triệu nông dân.

Người miền Tây lo lũ “mất tích”

Khi con nước năm nay không tràn đồng, các ghe xuồng đánh bắt thủy sản đổ về các nhánh sông Tiền, sông Hậu thưa thớt hơn mọi năm. Nhiều ngư dân phải treo lưới, lờ, lợp, đăng, dớn… tìm kế sinh nhai khác. Một số bỏ lên Bình Dương xin làm công nhân.

Anh Võ Thiện Tính (ngụ H.An Phú, tỉnh An Giang) ngồi nhìn con nước, nói: “Gần hết tháng 7 âm lịch là nước nhảy khỏi bờ. Thằng em tôi trên Bình Dương điện thoại về hỏi, nước ở đây ngập chưa, để nó xin nghỉ ở công ty về giúp tôi. Tôi lắc đầu, nói không với nó.

Chú thấy đấy, năm nay miền Tây của mình không còn nước nổi, cá đồng không tràn về. Việc kiếm vài ký cá, tôm hằng ngày là mừng, nhưng rất khó trong hoàn cảnh con nước năm nay, mùa lũ cạn, không hiểu sao giờ này không thấy cá linh, quá khó cho cuộc sống của người dân chúng tôi”.

Dòng sông trơ đáy khiến ngư dân ngóng trông lũ về- Ảnh: Ng. Nhân

Hiện tại mực nước năm nay lại thấp so các năm trước, bình quân thấp hơn 1 mét. Người dân miền Tây phải đối mặt với mùa lũ cạn, đồng nghĩa cạn phù sa, cạn nguồn thủy sản. Mực nước thấp so với độ cao bờ ruộng cho nên không thể tràn đồng. Các cánh đồng thuộc các H.An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành nằm ven kênh rạch, sông Hậu, sông Tiền… cũng khô cạn.

“Nhớ tháng 6 những năm về trước, thu hoạch xong, chúng tôi không làm lúa vụ ba mà chuẩn bị cho xả nước ngập đồng. Năm nay, cánh đồng của chúng tôi khô cạn, cỏ dại mọc dày, chưa bao giờ tôi thấy con nước “mất tích” như vậy. Mùa lũ cạn, sẽ nguy cơ tiềm ẩn phèn, khi gặp cơ hội, phèn lại xì nhiều”, ông Dương Văn Sáu (ngụ H.Tịnh Biên), nói vậy.

Việc năm nay thiếu lũ, người dân phải chật vật tìm kế sinh nhai thay thế trong thời điểm nông nhàn. Ở nhiều đê bao xả lũ, nông dân dừng sản xuất cho đất nghỉ ngơi, đón phù sa nhưng hiện tại đồng ruộng vẫn “ngóng chờ” lũ về. Nhiều người dân đang lo lắng việc sản xuất vụ đông xuân tới đây sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Mực nước quá thấp khiến cuộc sống người dân Miền Tây đang gặp khó khăn thời điểm hiện nay - Ảnh: Ng.Nhân

Nước lũ cạn, các sản vật tự nhiên khác ở vùng lũ như bông điên điển,bông súng tự nhiên là nguồn thu nhập đáng kể của người dân đầu nguồn hiện tại cũng thưa vắng.

Được biết, những mùa lũ trước, ven đập Tha La và đập Trà Sư ở H.Tịnh Biên lúc nào nước cũng chảy ào ạt. Năm 2018, ngành chức năng phải cho xả lũ sớm hơn thường lệ nhằm giảm áp lực nước, tránh vỡ đập. Nhưng vào thời điểm này, nước tại 2 đầu bờ đập này rất thấp.

Tô Văn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang mùa lũ... cạn: Dòng sông trơ đáy, chẳng thấy cá tôm