Nhiều nhà vườn trồng hoa đang lo lắng khi chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng chỉ mới có một số ít đơn đặt hàng để cung ứng cho thị trường.

An Giang: Nhiều nhà vườn trồng hoa tết lo lắng

Tô Văn | 01/02/2021, 11:45

Nhiều nhà vườn trồng hoa đang lo lắng khi chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng chỉ mới có một số ít đơn đặt hàng để cung ứng cho thị trường.

"Mong trời thương nông dân"

Làng hoa An Thạnh, xã Hòa An, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang là 1 trong những vùng trồng hoa được xem là lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ diện tích trồng hoa hơn 2 héc ta của các hộ dân nơi đây đều phát triển tốt, cây hoa khỏe, đẹp, cho nhiều nụ. Năm nay thời tiết thuận lợi tạo điều kiện tốt để hoa phát triển, hứa hẹn cho người trồng hoa 1 mùa bội thu.

1(1).jpg
Hoa tại khu vực này phát triển tốt, nhiều nụ, cành khỏe và đang sẵn sàng thu hoạch để đưa ra thị trường tết tiêu thụ - Ảnh: Tô Văn

Nhanh tay nhổ cỏ, tỉa lá bên những luống hoa, bà Nguyễn Thị Chín (54 tuổi, ngụ xã Hòa An) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hơn 10.000 giỏ hoa các loại. Ngay từ tháng 10 âm lịch, tôi cũng như nhiều hộ khác trong khu đã dọn bãi, ủ phân, xới đất và tiến hành xuống giống. Tới nay, hơn 2.000 m2 trồng hoa của gia đình đều phát triển tốt, nhiều nụ, cành khỏe và đang sẵn sàng thu hoạch để đưa ra thị trường tiêu thụ. Nếu thị trường hoa năm nay có sức tiêu thụ tốt, gia đình tôi có thể thu hơn 80 triệu đồng”.

2(1).jpg
Làng hoa An Thạnh - vùng trồng hoa được xem là lớn nhất tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Bà Chín chia sẻ thêm, để hoa đạt chất lượng cao, bông to, thân mập cần phải chăm sóc kỹ lưỡng cây ngay từ tháng đầu xuống giống. Khi cây còn nhỏ, việc xới đất cũng cần cẩn thận, không làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Mấy giàn hoa cúc Đài Loan hiện đang ra nụ rất nhiều, gần sát tết bông sẽ nở to đẹp hơn.

3(1).jpg
Diện tích trồng hoa năm nay có giảm, nhưng sản lượng và chất lượng hoa lại tăng - Ảnh: Tô Văn

“Ai làm cũng mong muốn thứ nhất nhiều hoa, thứ hai là giá cả tốt, thì nông dân thu được tốt hơn. Mong ông trời ổng thương cho được ăn lớp nào thì ăn lớp đó. Tuy dịch bệnh đang diễn biến phức tạp vào những ngày cận tết nhưng gia đình vẫn hy vọng năm nay bội thu”, bà Chín bộc bạch.

Lo lắng dịch bệnh, thương lái chưa dám đặt hàng

Bà Nguyễn Thị Lìn (53 tuổi, ngụ xã Hòa An, H.Chợ Mới) cho biết, gia đình đã xuống giống hơn 3.000 m2 hoa các loại. Bà hy vọng vụ hoa tết sẽ có lãi để bù cho việc ảnh hưởng dịch COVID-19. Tuy nhiên đến nay số hoa tết của gia đình chỉ được thương lái đến đặt cọc với số lượng rất ít. Bà đã liên hệ với các mối hàng cũ để bán nhưng chưa ai dám chốt cọc vì vẫn lo lắng dịch bệnh.

4(1).jpg
Một thợ làm vườn đang chăm sóc những giỏ hoa - Ảnh: Tô Văn

“Năm nay đa số bà con rất lo lắng, sợ nhất tình hình dịch không chấm dứt mà đang diễn biến phức tạp. Các nơi khác người dân không đi chợ được thì hoa sẽ rất khó tiêu thụ. Hiện tại thương lái chỉ đặt nhỏ lẻ vì giá cả thị trường và tình hình nên họ chưa dám chủ động”, bà Lìn nói.

5(1).jpg
Hiện tại thương lái chỉ đặt nhỏ lẻ tại các vườn hoa nơi đây - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo bà Lìn, để đầu tư 1 vụ hoa tết, người trồng phải chuẩn bị trước đó 3 tháng, tưới và bón phân đều đặn. Mấy giàn hoa cúc này được đầu tư tầm 15-20 triệu đồng. Nếu được giá vào tết sẽ thu vào khoảng 50-60 triệu đồng, còn không thì người dân chỉ mong lấy lại được vốn.

Một cán bộ UBND xã Hòa An cho biết, so với mọi năm, diện tích trồng hoa năm nay có giảm, nhưng sản lượng và chất lượng hoa lại tăng, do người dân đã đổi mới canh tác, trồng thêm nhiều loại hoa mới, có sức chống chịu tốt với sự thay đổi của thời tiết.

6(1).jpg
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế xã hội nên người trồng hoa đang lo lắng hoa khó tiêu thụ những ngày cận tết - Ảnh: Tô Văn

“Chủng loại, mẫu mã các loại hoa năm nay được đánh giá là đa dạng, đáp ứng thị hiếu chơi hoa của người dân. Vào thời điểm này, làng hoa đã rộn ràng vào vụ chính, cung ứng khoảng 150.000 giỏ, chậu hoa cho thị trường tết trong tỉnh và các địa phương lân cận. Ngoài việc bỏ mối cho các thương lái, nhiều nhà vườn còn vận chuyển qua chợ hoa xuân TP.Long Xuyên để bán kiếm thêm thu nhập”, cán bộ này nhận định.

7.jpg
Thương lái đặt số lượng ít, buộc người dân nơi đây chở hoa bằng xuồng ra chợ kiếm mối bán - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo cán bộ này, ngoài việc tính toán thời gian xuống giống và chăm sóc, người dân cần phải cân đối chi phí đầu tư cho phù hợp cũng như chuẩn bị các phương án đối phó nếu thời tiết chuyển biến xấu. Năm nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế xã hội nên người trồng hoa chỉ mong giá cả ổn định, hoa trúng vụ để có thêm nguồn thu nhập, đón cái tết đủ đầy.

Bài liên quan
An Giang: Hàng trăm người, nhiều phương tiện lên núi Tô dập lửa
Sáng 27.4, ông Nguyễn Văn Bé Tám, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cho biết thời điểm này, quân sự địa phương cùng ngành chức năng đã cử hàng trăm người, nhiều phương tiện chở nước (xe tải, xe máy) và 3 máy bơm nước lên núi Tô để dập lửa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Nhiều nhà vườn trồng hoa tết lo lắng