Dù đã cho khách du lịch thuê lưu trú qua đêm, hoặc cung ứng những dịch vụ tiện ích nhưng hầu hết homestay (ở thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đều không có giấy tờ pháp lý.

An Giang: Rà soát xử lý vi phạm tại nhiều homestay ở núi Cấm

Tô Văn | 21/09/2023, 17:00

Dù đã cho khách du lịch thuê lưu trú qua đêm, hoặc cung ứng những dịch vụ tiện ích nhưng hầu hết homestay (ở thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đều không có giấy tờ pháp lý.

Không đủ giấy tờ hợp pháp

Ấp Thiên Tuế (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), nơi tập trung nhiều homestay lớn nhỏ, là điểm nghỉ ngơi của đông đảo du khách dịp cuối tuần.

Tại homestay Thiên Cẩm Sơn (ấp Thiên Tuế), chủ đầu tư đã cất được 17 lều và 1 căn phòng lớn với tổng diện tích 1.000m2 để phục vụ khách du lịch. Giá lều/phòng tại đây khoảng vài trăm nghìn đồng/đêm vào những ngày cuối tuần, khá đông khách đặt trước.

2-homsay.jpg
3-hom-say.jpg
Một số công trình homestay tại ấp Thiên Tuế - Ảnh: Tô Văn

Ông Trịnh Văn Đệ - Chủ tịch UBND xã An Hảo đã ký thông báo gửi 10 chủ homestay yêu cầu những người tự xây cất công trình lưu trú homestay không phép trên núi Cấm dừng hoạt động kinh doanh trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. “Do ảnh hưởng của tình hình mưa bão, UBND xã An Hảo yêu cầu các trường hợp tự xây cất loại hình lưu trú homestay không phép trên núi Cấm tạm dừng hoạt động kể từ ngày ban hành thông báo”.

5-hom-say5.jpg
Thông báo của UBND xã An Hảo gửi các chủ homestay - Ảnh: Tô Văn

Trước đó, trong cuộc họp liên ngành, một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang kết luận: “Đối với các homestay xây dựng tự phát, trước mắt giao UBND thị xã Tịnh Biên quản lý, yêu cầu các chủ homestay giữ nguyên hiện trạng, đồng thời phối hợp các ngành chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp phát sinh xây cất mới không đảm bảo quy định”.

Theo nội dung trên, các chủ homestay được phép tồn tại hoạt động kinh doanh và chỉ xử lý nghiêm đối với các trường hợp phát sinh mới. Tuy nhiên, qua rà soát của cơ quan chức năng, ngoài 7 khu homestay đã hình thành thì có thêm 3 khu homestay mới phát sinh.

Ngoài ra, vừa rồi tại núi Cấm có 2 trận mưa lớn, gây sạt lở. Trước diễn biến này, ông Phạm Thành Nhơn - Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên đã có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang về việc xin chủ trương xử lý tình trạng xây dựng cơ sở lưu trú homestay trên địa bàn núi Cấm.

6-hom-say6.jpg
Văn bản gửi UBND tỉnh An Giang về việc xin chủ trương xử lý xây dựng loại hình lưu trú homestay trên địa bàn núi Cấm - Ảnh: Tô Văn

Theo UBND thị xã Tịnh Biên, các homestay đang tồn tại và được xây dựng hầu hết ở những vị trí có địa hình lồi lõm, cheo leo trên các mỏm đồi có độ dốc lớn, với kết cấu xây dựng tạm bợ, không đồng bộ, không đảm bảo về an toàn, có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào khi gặp mưa gió lớn, thậm chí gió vừa.

“Hiện nay tình hình mưa bão diễn biến hết sức phức tạp, các công trình xây dựng ở những địa hình như thế dễ bị sấp khi xảy ra xói mòn, sạt lở đất đá, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Từ thực trạng trên, địa phương đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tiến hành xử lý buộc tháo dỡ theo quy định các trường hợp gọi là homestay xây dựng không phép đang tồn tại ở núi Cấm, nhằm để phòng ngừa rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng con người nếu có xảy ra sạt lở đất đá”, theo nội dung báo cáo.

Sau khi tiếp nhận văn bản của UBND thị xã Tịnh Biên, ông Lê Văn Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở Văn hóa -  Thể thao - Du lịch, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh cùng các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về đề nghị của UBND thị xã Tịnh Biên.

Chủ homestay kêu cứu

Chị Nguyễn Thị Kim Quí - chủ homestay Thiên Cẩm Sơn (ấp Thiên Tuế) cho biết, sau trận đại dịch, khi bị thất nghiệp, chị thấy tại núi Cấm có thể phát triển du lịch nên đã vay mượn hơn 1 tỉ đồng để thuê đất, cất 17 lều và 1 căn phòng cho khách tham quan, du lịch thuê.

“Sau 3 tháng triển khai thì homestay được hoàn thành và đưa vào phục vụ tháng 6.2022. Thời điểm đó không có ai đến làm khó dễ gì, bởi mình không bê tông hóa, không chặt phá cây rừng, vật liệu làm cũng thân thiện với môi trường”, chị Quí nói.

Cũng theo chị Quí, hiện cơ sở chị đã thuê 7 lao động, mỗi tuần đón khoảng 100 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

“Khi chúng tôi đưa loại hình homestay vào hoạt động nhiều người dân ở địa phương có việc làm, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, rất bất ngờ địa phương thông báo yêu cầu tạm ngưng hoạt động nhưng lại không cho biết thời gian cụ thể.

Trong khi đó chỗ tôi đã nhận tiền cọc của khách từ nay tới Tết Nguyên đán. Giờ không nhận khách thì phải bồi thường, còn nhận thì vi phạm thông báo của địa phương. Nếu tạm dừng hoạt động thì chúng tôi đứng trước nguy cơ phá sản, không có điều kiện trả lãi ngân hàng”, chị Quí than thở.

1-homsay.jpg
Các chủ homestay và kiến nghị - Ảnh: Tô Văn

Tương tự, anh Đặng Văn Sĩ chủ homestay Phú Sĩ (ấp Thiên Tuế) cho biết gia đình đã bỏ vốn khoảng 1,5 tỉ đồng để đầu tư 5 căn cất bằng tre, gỗ, lá trên diện tích khoảng 2.000m2 và đưa vào khai trương dịp 30.4.2022.

“Trung bình mỗi tuần chúng tôi đón từ 100 - 150 khách. Nếu không được đón khách thì cơ sở thất thu trên 100 triệu đồng/tháng. Chúng tôi bỏ nhiều công sức để cải tạo thì mới có địa điểm thế này, góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế địa phương.

Thông báo mới ban hành đẩy các cơ sở rơi vô tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi mong mỏi cơ quan có thẩm quyền cho biết việc tạm dừng hoạt động trong thời gian trong bao lâu, có hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng quy định của nhà nước, và mong muốn được tồn tại bởi đây là loại hình có tiềm năng, thu hút du khách, nhiều địa phương đã thành công”, anh Sĩ mong mỏi.

Lãnh đạo tỉnh nói gì?

Sáng 21.9, ông Lê Văn Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan khẩn trương thanh tra, kiểm tra và tham mưu, gửi báo cáo đề xuất để có hướng xử lý các homestay trên núi Cấm trước ngày 25.9.

Trong khi đó, đại diện UBND thị xã Tịnh Biên cho rằng địa phương luôn ủng hộ các cơ sở homestay hoạt động để phát triển kinh tế. Tuy nhiên họ đã xây cất trên rừng phòng hộ, không đúng mục đích sử dụng đất, chưa đủ điều kiện hoạt động lưu trú… Khi tỉnh có hướng dẫn cụ thể thì địa phương sẽ tổ chức thực hiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Rà soát xử lý vi phạm tại nhiều homestay ở núi Cấm