Chiều 31.5, sau 1 ngày làm việc, TAND H.Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đã tuyên bác đơn kiện của 8 nguyên đơn là những hộ dân ngụ ấp An Thạnh, xã An Hảo trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” mà Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (gọi tắt là Tập đoàn Sao Mai) là bị đơn.
Ngoài 8 nguyên đơn và những người có nghĩa vụ liên quan, nhiều người dân ở xã An Hảo cũng có mặt để theo dõi phiên tòa. Do tất cả nguyên đơn đều là người dân tộc Khơme nên phiên tòa có 2 người phiên dịch hỗ trợ cho HĐXX.
Phiên tòa diễn ra mà không có mặt của ông Lê Văn Hà - Phó Ban Giải phóng mặt bằng của Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời mà Tập đoàn Sao Mai làm chủ đầu tư. Ông Hà là người đã đứng ra viết cam kết với nhiều hộ dân rằng, nếu sau khi người dân bán đất cho dự án mà khi giá đất lên sẽ thêm tiền cho người dân.
Tại tòa, bà Nèang Sa Ri (SN 1963, ngụ ấp An Thạnh, xã An Hảo, H.Tịnh Biên) trình bày, đầu năm 2018 có nhân viên của Sao Mai cùng chính quyền xã đến nhà vận động bà bán đất ruộng để làm dự án điện năng lượng mặt trời. Sau nhiều lần vận động, bà lại nghe được thông tin bên ngoài rằng nếu không bán thì dự án sẽ vẫn được thi công.
Không còn cách nào khác, bà Sa Ri phải quyết định bán hơn 9 công ruộng. Sau nhiều lần thương lượng, bà Sa Ri bán được đất với giá 150 triệu đồng/công (tương đương 1.000m2). Ngoài ra, bà Sa Ri còn trình bày: nhân viên của Sao Mai hứa, sau này nếu giá đất của dự án tăng sẽ thêm tiền cho bà. Yên tâm, bà Sa Ri lăn tay vào hợp đồng, lấy tiền.
Tương tự bà Sa Ri, những hộ dân còn lại như bà Nèang Sóc Nan (SN 1988), bà Nèang Lônh (SN 1955); ông Chau Sóc Anh (SN 1950), ông Chau Sô Va Na (SN 1950); ông Chau Siêng (SN 1956); ông Chau Phia (SN 1962); ông Chau Ky (SN 1966) - cùng ngụ ấp An Thạnh, xã An Hảo, đều rơi vào hoàn cảnh tương tự vì tin tưởng vào lời hứa và bản cam kết của ông Lê Văn Hà - Phó Ban Giải phóng mặt bằng của dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời.
Nhưng có điều khác với bà Sa Ri, 7 hộ dân còn lại bán đất với giá còn rẻ hơn, như hộ bà Nèang Lônh, Chau Sóc Anh, Chau Sô Va Na, Chau Siêng chỉ bán đất ruộng cho Sao Mai với giá 55 triệu đồng/công. Sau khi những hộ dân này thấy giá đất những người khác bán giá cao hơn liền phản ứng thì được công ty này hỗ trợ thêm 25 triệu/công và cho đó là hỗ trợ thiệt hại hoa màu, lúa. Riêng hộ ông Châu Phia thì bán đất với giá 70 triệu/công, ông Chau Ky bán với giá 75 triệu đồng/công.
Tất cả 8 hộ dân này đều được nhân viên giải phóng mặt bằng của Sao Mai hứa bằng miệng, hoặc viết cam kết rằng sau này giá đất liền kề, hoặc trong khu vực dự án tăng sẽ thêm tiền cho bà con.
Sau khi xác định một số hộ dân khác bán đất cho dự án với giá đến 300 triệu/công, những hộ dân này yêu cầu Sao Mai thực hiện lời hứa trước đó nhưng không được chấp thuận. Họ khởi kiện Sao Ma ra tòa. Riêng hộ ông Chau Phia và Chau Ky chỉ yêu cầu Sao Mai trả đủ 150 triệu/công vì những thửa đất liền kề của 2 người này bán được với giá 150/công.
Các bên nghe tòa tuyên án- Ảnh: Thanh Nguyên
Tại phiên tòa, ông Lê Thành Được - Phó Ban Giải phóng mặt bằng của Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời, người được Sao Mai ủy quyền tham dự tòa, khẳng định Sao Mai không mua đất của người dân trong khu vực dự án với giá 300 triệu/công. Còn người dân bán được với giá đó cho ai thì ông không biết.
Ông Được giải thích thêm về sự chênh lệch giá đất 1 công của 8 hộ dân trên là do các thành viên của 4 tổ giải phóng mặt bằng… ham thành tích, mỗi nhân viên thu mua được 1 công đất của người dân sẽ nhận hoa hồng là 1 triệu đồng. “Do nhân viên nôn nóng, muốn đạt được nhiều thành tích nên mới có việc mua giá đất chênh lệch như vậy”, ông Được cho biết.
Khi HĐXX hỏi về những bản cam kết mà ông Lê Văn Hà hứa với người dân, ông Được khẳng định việc làm đó của ông Hà chỉ là với tư cách cá nhân, lãnh đạo công ty không hề biết. Lãnh đạo của Sao Mai không hề ủy quyền cho ông Hà làm việc đó. Với hành vi sai trái này, Sao Mai cũng đã kỷ luật đình chỉ công việc của ông Hà trong 3 tháng.
Trong khi đó, ông Chau Phia cho rằng, đích thân ông Hà và 1 người khác đã tới nhà để năn nỉ ông bán đất. Sau đó, ông được đưa đến văn phòng dự án của Sao Mai để bàn bạc giá cả và hứa hẹn sẽ thêm tiền cho ông khi giá đất tăng. Ông yêu cầu viết cam kết trước sự chứng kiến của nhiều nhân viên Sao Mai khác. Về vấn đề này, HĐXX cũng cho rằng khó có thể nói lãnh đạo Sao Mai không biết được việc lập bản cam kết này.
Cuối giờ chiều cùng ngày, sau ít phút nghỉ giải lao HĐXX tuyên án bác hết đơn kiện của 8 nguyên đơn. Tòa cho rằng, thời điểm đầu đến giữa năm 2018, giá thị trường đất lúa ở khu vực dự án chỉ khoảng 40 triệu. Sao Mai đã mua giá cao hơn là 55 triệu đồng/công, sau khi người dân phản ánh đã hỗ trợ thêm 25 triệu đồng/công và tòa ghi nhận sự tự nguyện này của Sao Mai.
Ngoài ra, các nguyên đơn không đưa ra được bằng chứng chứng minh mình bị uy hiếp, ép buộc để lăn tay vào hợp đồng bán đất cho Sao Mai. Hợp đồng mua bán giữa 2 bên là hoàn toàn tự nguyện đúng theo quy định của pháp luật.
Việc giá mua đất của Sao Mai có sự chênh lệch vì đây không phải là công ty nhà nước, việc mua bán đất giữa 2 bên là từ thỏa thuận đến tự nguyện mua bán. Từ đó tòa quyết định bác đơn của các nguyên đơn. Sau phiên tòa kết thúc, đa số các nguyên đơn cho biết sẽ kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Thanh Nguyên