Sáng 23.10, TAND TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang đã tuyên phạt 53 bị cáo trong đường dây mua bán, làm giả hơn 1.000 bằng tốt nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ của các trường đại học trên địa bàn tỉnh An Giang.
Cụ thể, bị cáo Phan Văn Đức (SN 1996, ngụ xã Hoà Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) - người được xác định cầm đầu đường dây bị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt 4 năm 3 tháng tù giam về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; bị cáo Lê Đăng Khoa (SN 1998, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) 4 năm tù giam.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tú (SN 1999, ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) 2 năm 9 tháng tù giam; Bùi Ngô Minh Khôi (SN 2000, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) 2 năm 3 tháng tù giam cùng về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Ngoài ra, bị cáo Lê Đăng Khoa còn bị phạt bổ sung 25 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, 49 bị cáo khác nhận mức án từ 6 tháng đến 2 năm tù treo. Riêng 8 bị cáo, gồm: Đặng Hoàng Khang, Phạm Phước Toàn, Phan Thanh Hà, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thành Tâm, Lý Thị Thúy Vi, Lê Thị Huỳnh Như, Đoàn Thị Mai Thảo bị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt 30 triệu đồng mỗi bị cáo, nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2018, khi đang học tại Trường Cao đẳng nghề An Giang, Phan Văn Đức đại diện cho nhóm sinh viên cao đẳng nghề (gồm 6 người) mua 6 chứng chỉ tiếng Anh, trình độ B giả của Nguyễn Văn Cường với giá 4,5 triệu đồng nhằm giúp Đức và nhóm bạn đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp của trường.
Sau đó Đức được Cường trả công 300.000 đồng. Từ đây, Đức phát hiện nhiều sinh viên có nhu cầu mua chứng chỉ tiếng Anh trình độ A, B và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản để đủ điều kiện xét tốt nghiệp, nên nảy sinh ý định nhận làm giả các tài liệu này để hưởng lợi.
Ban đầu, việc mua bán chứng chỉ diễn ra khá nhỏ lẻ, chỉ xoay quanh vài người quen biết, sau đó nhóm rủ rê, lôi kéo nhiều sinh viên khác tham gia làm trung gian. Những người này giúp thu thập thông tin cá nhân từ người mua, bao gồm tên, số chứng minh nhân dân và nội dung muốn ghi trên chứng chỉ, rồi gửi cho Đức qua Zalo. Sau khi nhận được thông tin, Đức chuyển tiếp cho Cường để sản xuất chứng chỉ giả và giao lại cho người mua.
Với mức giá từ 1,5 triệu đồng đến 3,8 triệu đồng cho mỗi chứng chỉ, tùy thuộc vào loại và yêu cầu của người mua. Từ năm 2018 đến tháng 3.2023, Đức cùng với 60 bị cáo khác đã thực hiện tổng cộng 1.013 tài liệu giả là bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B, chứng chỉ công nghệ thông tin cơ bản của Trường đại học An Giang, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ A2, B1 của Trường đại học Cần Thơ.
Tất cả đều được làm giả dưới tên các trường đại học lớn, với dấu mộc và thông tin giống như thật, khiến người mua khó có thể phát hiện ra mình đang sử dụng chứng chỉ giả. Trong đó, Đức làm 800 tài liệu giả, thu lợi khoảng 100 triệu đồng; Khoa, My làm 317 tài liệu giả; Tú làm 60 tài liệu giả; Thái làm 55 tài liệu giả; Khôi làm 53 tài liệu giả; các bị cáo còn lại làm từ 2 - 44 tài liệu giả.
Đối với những người mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giả sử dụng để đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp đại học, nộp hồ sơ xin việc tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự những người này về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Riêng Nguyễn Văn Cường và một số người khác làm giả tài liệu hiện không rõ ở đâu, ngoài lời khai của bị cáo Đức không còn chứng cứ nào khác nên Cơ quan CSĐT Công an TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang đã tách vụ án để tiếp tục điều tra giải quyết theo quy định pháp luật.