Trong những năm gần đây, hoạt động trên internet phát triển mạnh và học sinh sinh viên khi tiếp xúc với các vấn đề trên không gian mạng phải có đủ kỹ năng cũng như kiến thức để chọn lọc.
An toàn trên không gian mạng: Điều cần thiết cho học sinh thời đại 4.0
Theo khảo sát xã hội học trong năm 2021-2022, tỷ lệ học sinh sử dụng internet chiếm gần 30% tỷ lệ dân số quốc gia, trong đó việc các em học sinh sử dụng thường xuyên internet chiếm tới 81%. Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng có kiến thức để bảo vệ mình trước sự xâm hại của các thông tin độc hại trên mạng. Bên cạnh những hiệu quả tích cực từ internet thì cũng tiềm ẩn nhiều thông tin xấu, độc (bạo lực, khiêu dâm) gây tác động tiêu cực đến trẻ; nguy cơ bị xâm phạm đời tư, xâm hại tình dục do kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân của trẻ rồi chế giễu, xúc phạm, đe đọa, bắt nạt, lừa đảo.
"Tạo dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho học sinh" chính là một trong những nội dung kế hoạch xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của Bộ GD-ĐT năm 2022-2023, đồng thời cũng là mục tiêu của ngành giáo dục Thủ đô giai đoạn 2021-2025.
Trước những vấn đề thực tế đặt ra trên không gian mạng hiện nay, các phòng GD-ĐT ở Hà Nội đã tổ chức những buổi hướng dẫn, dạy dỗ chia sẻ với các em về những kiến thức cần thiết để nâng cao nhận thức cho học sinh về việc sử dụng internet. Bên cạnh những tiện ích mạng xã hội đem lại cho đời sống, thỏa mãn nhu cầu về giải trí, chia sẻ tình cảm, mở rộng phạm vi quan hệ, trao đổi thông tin…thì không gian mạng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn của người dùng. Nếu thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, học sinh có thể đối diện với khả năng bị lừa gạt, bắt nạt, quấy rối tình dục, thậm chí là bị rủ rê, lôi kéo vào các hoạt động trái pháp luật, sử dụng ma túy, thuốc lá điện tử.
Chia sẻ với phóng viên, em Nguyễn Thiện Nhân - trường THCS Ba Đình (Hà Nội) cho biết bản thân em thường lên mạng để tìm hiểu những bài học, bên cạnh đấy vẫn đọc những thông tin về các vấn đề xã hội.
"Tuy nhiên em không hề biết được đâu là những thông tin không nên đọc, sau khi được học những buổi học về an toàn không gian mạng thì em mới biết được những mối nguy hại không lành mạnh trên internet. Trong đó em chú ý nhất chính là bạo lực mạng và lợi dụng tình dục qua mạng để tránh những thông tin gây nguy hiểm đến bản thân. Em cũng mới học được là không phải lúc nào cũng dễ dàng đưa thông tin cá nhân của mình ở những trang web không an toàn hay những máy tính lạ, ở đó mình sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân".
Đưa ra ý kiến của mình, thượng tá - TS Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học - Bộ Công an) cho biết hiện nay có nhiều các mối nguy hại, tuy nhiên chú trọng nhất vẫn là 7 mối nguy hại trên không gian mạng là: Đánh cắp danh tính, Bạo lực mạng, Nghiện Game, Lạm dụng tình dục qua mạng, Buôn bán người, Lừa đảo qua mạng và Các nội dung cấm và trái pháp luật trên mạng.
Học sinh là đối tượng dễ dàng bị bắt nạt trên mạng. Việc học sinh bị bắt nạt trên mạng đôi khi để lại hậu quả nhiều hơn khi học sinh bị bắt nạt trong thực tế. Bởi lẽ, nếu bị bắt nạt ngoài đời các học sinh có thể sẽ quên sau một thời gian. Nhưng khi bị bắt nạt trên mạng hoặc trong cộng đồng thì nỗi ám ảnh về việc bị bắt nạt ngày càng gia tăng và nhiều trẻ em cảm thấy không có lối thoát. Khi bị chia sẻ các clip về bạo hành, bắt nạt, nhiều bạn đã không dám quay lại trường học và khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng.
Thượng tá Đào Trung Hiếu cũng nhấn mạnh học sinh cần học được cách tự bảo vệ mình trên internet. Nếu cảm thấy bị dọa nạt cần kêu gọi sự trợ giúp của người thân, không đăng nhập vào các website lạ, đăng xuất tài khoản email và tài khoản mạng xã hội ra khỏi các thiết bị lạ…
Cô giáo Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng việc bảo vệ các em trên không gian mạng là vô cùng cần thiết, nhưng để làm sao để các em tự bảo vệ mình thì cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường và điều đó không hề dễ dàng. Thông qua các hoạt động bổ ích và thiết thực trong buổi học về an toàn không gian mạng, gần 2.000 học sinh và giáo viên nhận được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội an toàn. Bên cạnh đó, chương trình còn hướng tới trang bị cho các em kỹ năng sống và tạo ra sân chơi, đồng thời định hướng các em dùng thiết bị công nghệ vào mục đích học tập và giải trí lành mạnh. Đây là điều cần thiết cho các học sinh ở thời đại công nghệ 4.0 liên tục tiếp xúc với máy vi tính và internet.
"Khi trẻ em rơi vào vòng xoáy của sự xâm phạm đời tư trên mạng, hay bị bắt nạt trên mạng, đa số không thể nói với bố mẹ. Khi vấn đề trở nên nghiêm trọng thì ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe cũng như tâm lý, việc học hành của học sinh. Chính vì vậy cha mẹ cần đồng hành, hướng dẫn và chia sẻ những vấn đề cần thiết đối với con cái, đồng thời cũng là để giám sát, bảo vệ con em mình trước sự phát triển và bùng nổ của internet" - cô Hoa thông tin.
Những phương thức bảo vệ trẻ em an toàn trên mạng
Theo các chuyên gia giáo dục, để bảo vệ an toàn cho các học sinh, trẻ em an toàn trên không gian mạng, trước hết trong nhà trường cần tuyên truyền cho học sinh những hiểu biết cơ bản về việc sử dụng mạng internet sao cho hiệu quả. Bên cạnh đấy, nhà trường cần lập những website hoặc trang mạng dành riêng cho trường, cho các lớp để các em có thể thoải mái chia sẻ thông tin, những vấn đề trong học tập ngay trên mạng cùng với các bạn mà vẫn đảm bảo được sự an toàn.
Phổ biến, hướng dẫn kỹ năng cần thiết để tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, kỹ năng ứng xử văn hóa, phù hợp với lứa tuổi trên không gian mạng cho học sinh, sinh viên các trường học trong ngành giáo dục. Chia sẻ những kỹ năng tự bảo vệ, địa chỉ cung cấp sự hỗ trợ, hướng dẫn khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng, biết cách nhận diện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng.
Cô giáo Hà Thị Như Quỳnh (Đông Anh, Hà Nội) cho hay, những năm gần đây khi mạng xã hội phát triển mạnh, học sinh ai cũng có một trang cá nhân riêng. Chính vì thế nhà trường cũng đã thành lập câu lạc bộ truyền thông, xây dựng fanpage chính thức của nhà trường để giúp các em học sinh định hướng tư tưởng, chia sẻ quan điểm lối sống để học sinh tiếp nhận thông tin chuẩn mực hơn. Chúng tôi còn chia sẻ những câu chuyện, những bức ảnh, hành động để lan tỏa những điều tích cực đến học sinh để tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn.
Ông Nguyễn Xuân An Việt - Vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD-ĐT - cho rằng việc giáo dục lối sống cho học sinh, sinh viên trên nền tảng internet đã được ngành giáo dục quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó Bộ GD-ĐT đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025”. Các chủ trương đó được cụ thể hóa trong nội dung chương trình học như: Đưa kiến thức tin học vào dạy cho học sinh phổ thông và Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung giáo dục khai thác sử dụng internet an toàn, lành mạnh được triển khai vào chương trình Tin học từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua chủ đề dạy học đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật An ninh mạng năm 2018, cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm trẻ em, quyền trẻ em. Khi phát hiện các vụ, việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng, người dân nên trình báo với cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Việc lồng ghép các môn học kỹ năng sử dụng thông tin trên mạng cho học sinh, sinh viên vào các môn học khác cũng sẽ được Bộ GD-ĐT triển khai trong thời gian tới. Cùng với đó là các giải pháp thúc đẩy các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội/nhóm của các trường, cơ sở giáo dục, giải pháp nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh, sinh viên về ý thức và kỹ năng tiếp nhận thông tin trên không gian mạng cũng sẽ được tăng cường.