Bạn ấn tượng gì ở Công viên gốm Thanh Hà? Cái gì là đặc sắc? Và cái gì là sự kết nối của nơi này với bạn, một người hoàn toàn xa lạ?

Ấn tượng công viên gốm Thanh Hà

Một Thế Giới | 01/09/2015, 13:15

Bạn ấn tượng gì ở Công viên gốm Thanh Hà? Cái gì là đặc sắc? Và cái gì là sự kết nối của nơi này với bạn, một người hoàn toàn xa lạ?

1.
Khi tôi đang ký tên lên bức tranh lấy cảm hứng từ một góc hành lang ở Công viên Gốm Thanh Hà,  có lẽ thường chỉ được dùng làm "hậu cung" cho những đợt triển lãm đã và sẽ diễn ra nơi đây, Ông Roby, giám đốc điều hành của Công viên hỏi tên bức tranh là gì. Và có lẽ, cũng theo thói quen, tôi đáp: Ấn tượng công viên Gốm. Câu trả lời bỗng làm tôi bừng tỉnh: Ôi, sao mà tôi sợ quá..., lúc nào cũng là "ấn tượng" sao?
Câu nói ấy gợi lên rất nhiều suy nghĩ. Bạn ấn tượng gì ở Công viên Gốm Thanh Hà? Cái gì là đặc sắc? Và cái gì là sự kết nối của nơi này với bạn, một người hoàn toàn xa lạ? Dường như cái sự gọi là ấn tượng ấy quá chung chung. Và những tác phẩm gốm trưng bày nơi đây quá là đơn điệu, quá là vô tri, nếu như bạn chỉ nhìn dưới góc độ của một Nhà trưng bày triển lãm, hay cao hơn là một bảo tàng mới hình thành còn nhiều thiếu thốn và khiếm khuyết. Tôi cũng không khác gì bạn, tới Thanh hà với một sự hoài nghi về một mô hình mới ở Việt nam nhưng không xa lạ ở xứ người,  phấp phỏng lo sợ về một sự biến đổi của làng gốm bên sông một thời nức tiếng mà tôi từng biết. Đó là định kiến? Hay là sự  mong muốn lưu giữ  ấn tượng về một vùng quê xưa bên sông Thu?
An tuong cong vien gom Thanh Ha-hinh-anh-1
 

Tôi đến Thanh Hà lần đầu hình như vào năm 1995 trong một chuyến khảo sát để làm tour làng nghề tại Hội An. Biết Hội An thì đã từ rất lâu trước đó.  Đến. Đi. Trở lại.  Và đánh rơi hồn trên từng góc phố, mỗi mái nhà rêu phong. Để rồi, sau đó qua những lần đạp xe trên đường làng thơm ngát hoa cau, qua những chuyến đò ngang dọc trên sông  Thu Bồn, ra Cửa Đại, về Thanh hà (gốm) Trà Quế (rau), sang Kim Bồng (mộc), Phước Kiểu (đúc đồng), Phước Thắng (dệt chiếu)... bỗng gặp một Hội An không phố, bình yên đến nao lòng.

Thanh Hà ngày nay khác xưa quá nhiều, âu cũng là lẽ thường tình.  Ấn tượng  nay của tôi về một Thanh Hà ngày nay, là sự đổi mới của  đường làng và những nếp nhà gạch khang trang. Tôi đi vòng quanh làng hai lần, một lần đi bộ và một lần bằng xe máy. Vẫn còn rất nhiều lò gốm đang hoạt động trong làng. Củi phơi bên những bờ rào dây leo. Làng vẫn  quây quần, vẫn đậm nồng mùi đất sét, thơm mùi của khói đốt lò lan tới những con thuyền neo đậu bên nhánh sông xanh mướt màu cỏ.
Trong lò gốm cổ, một bà cụ ngồi xoay bàn bàn chuốt thật điệu nghệ, từng ngón tay nhăn nheo mà vẫn nhanh thoan thoắt. Gần đó cô con dâu đang nhồi đất. Cậu con trai và vài người nữa đang xếp những cái tộ đất vào lò chuẩn bị nung. Cả nhà trò chuyện vui vẻ và mời tôi sáng hôm sau tới sớm, khi lò còn trống "lúc đó chụp ảnh mới đẹp". Ngay bên bờ sông cuối làng là một ngôi nhà cổ nép mình bên bụi tre, một người phụ nữ áng chừng 40 mươi đang cặm cụi ngồi khâu những con thú bằng vải trong cái nắng sáng xuyên qua khuôn cửa hình vòm, đẹp kỳ lạ. Hai đứa trẻ ngồi chơi trên ụ đất sét chất đống ven sông, bỗng làm nhớ quá cái thời tuổi thơ ở nơi sơ tán, cũng giang nắng, vọc đất sét, làm pháo, làm nhà, đủ cả.  Đi ngang qua ngôi đình nhỏ, nghe tiếng mấy người đàn ông đang dỡ đất mời chào: "Cô ơi, có vé thì vô lấy quà đi". Khi biết tôi là họa sĩ, - không vé -, đang làm việc ở Công viên gốm đầu làng, họ hồ hởi: "À, cô ấy ở nhà anh Nguyên". Tự nhiên thấy như mình đang được về nhà.

Cái nắng của miền Trung thật oi ả và người tôi đã như muốn lả đi, khi quên đem theo nước. Ghé đại vào một nhà bên đường hỏi xin nước. Bà cụ (mà sau này tôi ngỡ ngàng khi biết chỉ nhiều hơn mình vài tuổi)  liền sai ngay cô cháu: "Ra ngoài nớ, coi có nước ngọt mua cho chị uống ". Khi tôi nói không cần, tôi chỉ muốn xin miếng nước lọc, bà mang ngay ra ly nước vối. Có lẽ đó là một trong những ly nước ngon nhất trong đời tôi. Uống ly nước như ngấm cả đất trời Thanh Hà,  tình người Quảng Nơm.

2.

Khi tôi quay trở lại trại sáng tác tại công viên Gốm Thanh Hà, đó là lúc tôi thực sự muốn vẽ. Bạn có muốn biết điều gì gây ấn tượng nhất cho tôi tại Công gốm Thanh hà không?  Đó lá ánh sáng! Hay nói đúng hơn đó là sự kết hợp tài tình của nước, đất nung, gạch thô, kiến trúc và ánh sáng. Tất cả những yếu tố đó tạo ra một khộng gian quá lý tưởng để tôn vinh một đối tượng duy nhất: Gốm. Tôi ngẩn ngơ trước những khe sáng xuyên qua những bức tường thô mộc, sững so trước một câu cầu và dòng sông phản chiếu ánh sáng từ lưng chừng trời - mang tính ước lệ thôi, nhưng chứa đựng biết bao câu chuyện trọng đó.
An tuong cong vien gom Thanh Ha-hinh-anh-2
 
Câu chuyện về dòng sông bao quanh ngôi làng, ngôi làng bao quanh công viên và công viên xoay quanh bàn chuốt. Mỗi góc của bảo tàng, từng khu vực trưng bày từ truyền thống đến hiện đại là một sự tính toán kỹ lưỡng của kiến trúc sư, một nghệ sĩ thích kể những câu chuyện. Từ câu chuyện anh nói về kiến trúc của hai khối nhà là hình dáng của lò úp và lò ngửa, trong  đó lò úp là nơi lửa đảo có hình khối cong, - nơi nuôi dưỡng  và lưu giữ truyền thống - anh đặt khu bảo tàng; và lò ngửa là nơi lửa thẳng bùng cháy, anh đặt khối trưng bày, - nơi sáng tạo dành cho nghệ thuật đương đại. Đến chuyện nhiều nhà nghiên cứu đã tìm thấy những mảnh gốm của nền văn hóa Sa Huỳnh cổ xưa được chế tác tại Thanh Hà... Có vô vàn câu chuyện lý thú mà giản dị trong từng góc Công viên Gốm như vậy. Những câu chuyện từ khi làng Thanh hà được  lập cách đây 500 năm, tới những tập tục tín ngưỡng  và những thói quen, công cụ của người làm gốm, ý nghĩa các vật trang sức gốm của người Việt cổ... tất cả được thể hiện trong không gian, trong sản phẩm và những trang trí tại công viên Gốm Thanh Hà, mà phạm vi một bài viết không thể kể hết.
Nhưng bức tranh đầu tiên của tôi  không chỉ là về ấn tượng Công viên gốm Thanh hà. hay nói đúng hơn, tôi đã" sắp xếp" cho mình một con đường tới với gốm. Nếu như không có cuộc la cà  hết nguyên buổi sang quanh làng, có lẽ tôi chỉ có thể hiểu được 1/3 những gì vị kiến trúc sư tài ba đã làm cho nơi sinh ra anh. Khi người ta thành đạt, nhiều người  cũng quay trở về giúp đỡ quê hương. Nhưng tôi đọc được trong ánh mắt anh, trong từng góc công viên, một tình yêu vô bờ bến  dành cho quê và trên hết là cho gốm và  nghệ thuật. Nền tảng 500 năm của làng đã tạo cho anh một bệ phóng. Đây là nơi anh gìn giữ nhà của mình, nghề của mình, đồng thời mang làng ra với công chúng, cũng như mời công chúng và nghệ sĩ vào làng. Anh tạo ra sự giao thoa và quay  tròn như chiếc bàn chuốt và ngọn lửa trong lò gồm đã không hề tắt suốt bao năm nay. Điều này không có nhiều người làm được và thật sự gây ấn tượng nơi tôi. Nhờ có cuộc dạo chơi trong làng, tôi mới hiểu được tại sao công viên Gốm Thanh hà có nhiều góc sáng tuyệt vời như thế. Nếu như bạn không thấm điều gì một cách tự nhiên, không có sự chắt lọc mài dũa, không yêu điều đó đến đam mê, bạn sẽ không  bao giờ tạo ra được thứ ánh sáng tinh tế đến vậy.
An tuong cong vien gom Thanh Ha-hinh-anh-3
 

Vậy nên, bức tranh đầu tiên tôi vẽ tại đây cũng bắt đầu từ một motive giản dị: một góc hành lang công viên gốm Thanh Hà. Tên của bức tranh  cũng thật giản dị thôi: "Hành lang Thanh Hà" (The Terracotta Corridor).

Một hành lang như một cuộc đời  với  nhiều ngã rẽ, vài chỗ nghỉ, những cánh cửa đóng và những cánh cửa mở Phảng phất đâu đó thứ ánh sáng diệu kỳ  của cuộc sống. Xa xôi đâu đó những ngày xưa cũ, có cả những khúc quanh và bóng tối. Tông màu của đất, của nước, của lửa và ánh sáng....

Đó chính là  ấn tượng Thanh Hà trong tôi.

Linh Tran

(31.08.2015)

Bài viết này xin được tặng cho KTS Nguyên, Công viên Gốm Thanh Hà và những người anh chị quý mến trong trại sáng tác "Màu và Đất" tại Thanh Hà, Hội An, tháng 8.2015

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn tượng công viên gốm Thanh Hà