Sau nỗ lực đàm phán ngoại giao với sàn đấu giá Millon (Pháp), Việt Nam bước đầu thành công trong việc tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo, tiến tới thương lượng mua trực tiếp, Thông tin từ Cục Di sản văn hóa trưa 1.11 cho biết.
Vào 7 giờ 30 ngày 31.10 (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và hãng đấu giá Millon đã thống nhất thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Tiếp đó, đến 10 giờ 10 ngày 31.10, hãng Millon có thông cáo về việc đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31.10 của nhà đấu giá này.
Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
Cục Di sản văn hóa khẳng định việc hồi hương ấn vàng này không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế…
Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng.
Đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết, tuy đến nay chúng ta chưa tiếp cận được trực tiếp với cổ vật nhưng thông qua các bằng chứng thu thập được, nghiên cứu của chuyên gia trên hình ảnh hiện vật hãng đấu giá Millon công khai trên website, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, có thể khẳng định chiếc ấn vàng này chính là chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841).
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa của Việt Nam, là một minh chứng biểu trưng cho quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử của Việt Nam. Vì vậy, việc hồi hương cổ vật là rất cần thiết.
Đại diện Cục Di sản văn hóa cũng nhấn mạnh việc hồi hương cổ vật không nhất thiết là phải Nhà nước mua, thuộc sở hữu nhà nước, mà cá nhân cũng có thể hồi hương cổ vật nếu có tình yêu với di sản văn hóa và có tiềm lực tài chính, muốn đóng góp cho di sản văn hóa nước nhà.
Luật di sản văn hóa cũng có những điều khoản khuyến khích cá nhân hồi hương cổ vật bằng việc miễn thuế giá trị gia tăng khi đưa cổ vật về nước.
Trong thời gian tới, Bộ VH-TT-DL sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước trong thời gian sớm nhất.
Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài...) phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.
Theo thông báo từ nhà Millon, chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ được đấu giá vào ngày 10.11 thay vì ngày 31.10 với lý do được đưa ra là "sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với món cổ vật".
Trước đó, Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của hai cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…).
Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã gửi thư tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị can thiệp nhằm hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật triều Nguyễn, trong đó có ấn Hoàng đế chi bảo tại nhà đấu giá Millon.
Theo đó, năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị giao chiếc ấn Hoàng đế chi bảo này cho Chính quyền Cách mạng Việt Nam - như một biểu tượng chuyển giao quyền lực, đánh dấu sự chuyển đổi của đất nước Việt Nam từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ cộng hòa. Về sau, qua nhiều biến chuyển của thời cuộc, chiếc ấn đã lưu lạc nhiều nơi và cuối cùng lại trở về với Cựu hoàng Bảo Đại.
Ông sống ở Pháp với bà Monique Baudot, qua đời ngày 31.7.1997. Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo nằm trong tay bà Monique Baudot cho đến khi bà qua đời vào tháng 9.2021, ở tuổi 75. Hơn một năm sau, những người thừa kế của bà đặt chiếc ấn này vào tay một nhà đấu giá Pháp là Millon.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bảo vật của quốc gia Việt Nam được rao bán như những thỏi vàng một cách rất thông thường. Chúng tôi băn khoăn về tính pháp lý việc vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam - vua Bảo Đại - 'được cho là' đã chuyển nhượng quyền thừa kế các đồ vật đó, trong khi chiếc ấn của vua Minh Mạng cũng như chiếc bát bằng vàng nói trên đều là những vật quốc bảo. Chúng tôi tự hỏi với quyền hạn nào, Đức vua Bảo Đại có thể tự cho mình quyền chuyển nhượng cho dù nhà đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào đi nữa.
Nước Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên, đã ký Công ước UNESCO vào năm 1970 nhằm tăng cường cuộc chiến chống buôn bán các hiện vật văn hóa từ năm 2005. Liệu việc đấu giá bảo vật của quốc gia Việt Nam có xem xét đầy đủ và thận trọng các khía cạnh pháp lý, dựa vào Công ước UNESCO 1970 nói trên hay không?”, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam nêu trong thư gửi Tổng thống Pháp.