“Nhiếp ảnh gia” đằng sau hình ảnh lịch sử về tàu đổ bộ của sứ mệnh Hằng Nga 6 và quốc kỳ Trung Quốc trên mặt tối phía xa Mặt trăng là rover mini nặng 5kg sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhịp đập khoa học

Ảnh selfie lịch sử của sứ mệnh Hằng Nga 6 từ vùng tối Mặt trăng được chụp bằng AI

Sơn Vân 06/06/2024 11:15

“Nhiếp ảnh gia” đằng sau hình ảnh lịch sử về tàu đổ bộ của sứ mệnh Hằng Nga 6 và quốc kỳ Trung Quốc trên mặt tối phía xa Mặt trăng là rover mini nặng 5kg sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).

Báo China Space Daily của nhà nước Trung Quốc cho biết rover mini (robot thám hiểm mini bốn bánh thông minh) được phóng ra khỏi tàu đổ bộ sau khi hoàn thành việc lấy mẫu đá tại Lưu vực Nam Cực-Aitken ở vùng tối của Mặt trăng hôm 3.6. Nó di chuyển tự động trên bề mặt Mặt trăng để tìm góc chụp tốt nhất cho bức ảnh.

Theo báo cáo, rover mini đã điều chỉnh bố cục hình ảnh trước khi chụp lại góc nhìn người thứ ba về sự kết hợp giữa tàu đổ bộ với tàu bay lên (tàu vũ trụ quay trở lại Trái đất) và gửi chúng trở lại Trái đất theo cách hoàn toàn tự động.

Trong bức ảnh được công bố, có thể nhìn thấy dấu vết của rover mini do Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) phát triển dưới ánh sáng Mặt trời buổi sáng, cùng tàu đổ bộ, các tấm pin Mặt trời và cánh tay robot, với tàu bay lên nằm phía trên.

Rover mini này nhỏ hơn nhiều so với phiên bản trước là Yutu-1 và Yutu-2 (mỗi robot nặng bằng hai người lớn) nhưng có “khả năng tự động tiên tiến và phần cứng nhẹ, tích hợp cao, là minh chứng cho những đột phá của nhóm về AI”, báo cáo cho biết.

Theo Quentin Parker, nhà vật lý thiên văn từ Đại học Hồng Kông, nếu rover mini tự hành và đưa ra lựa chọn dựa trên dữ liệu đầu vào từ camera thì đây sẽ là lần đầu tiên sử dụng AI trên robot thám hiểm Mặt trăng.

“Tuy nhiên, các hệ thống khác trên nhiều tàu vũ trụ Hằng Nga, cũng như các tàu thăm dò Mặt trăng gần đây do các quốc gia khác ngoài Trung Quốc phát triển, cũng có thể đã sử dụng AI”, ông nói.

Jonathan McDowell, nhà thiên văn học Harvard, nhận xét rằng thuật ngữ AI trong bối cảnh các bức ảnh của sứ mệnh Hằng Nga 6 là “khá vô nghĩa”. “Nhưng nó cho thấy khả năng của nhóm phần mềm Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc và khả năng lập trình các hoạt động phức tạp vào một tàu vũ trụ rất nhỏ”, ông nói.

Theo báo cáo, chiếc rover mini chủ yếu được giao nhiệm vụ chụp ảnh selfie và xác nhận các công nghệ thông minh tự động, vốn rất quan trọng cho tương lai của hoạt động khám phá không gian sâu của Trung Quốc.

Trung Quốc đang phát triển các tàu thăm dò Mặt trăng lớn hơn, phức tạp hơn cho các sứ mệnh Hằng Nga 7 và 8, với ý định xây dựng căn cứ trên Mặt trăng cơ bản vào năm 2028.

Quốc gia này đặt mục tiêu hợp tác với các đối tác toàn cầu để mở rộng cơ sở thành trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế quy mô đầy đủ nhằm khám phá khoa học lâu dài và sử dụng tài nguyên ở cực nam của Mặt trăng.

China Space Daily không tiết lộ có bao nhiêu bức ảnh selfie đã được rover mini chụp lại và vẫn chưa rõ liệu robot này có sống sót để chụp ảnh hoặc quay phim cảnh cất cánh của tàu bay lên với các mẫu vật thu thập được trên khoang.

Rover mini không được trang bị các thiết bị kiểm soát nhiệt và sẽ phải đối mặt với nhiệt độ cực cao của bề mặt Mặt trăng.

Sức mệnh Hằng Nga 6 kéo dài 53 ngày, là nhiệm vụ đầu tiên lấy mẫu đá từ vùng tối của Mặt trăng, nơi luôn luôn quay mặt ra xa với chúng ta vì Mặt trăng bị khóa chặt với Trái đất do lực thủy triều.

Tất cả các mẫu trước đây, được thu thập bởi các sứ mệnh robot hoặc phi hành đoàn từ Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc, đều từ phía gần của Mặt trăng.

Tàu vũ trụ Hằng Nga 6 được phóng lên từ sân bay vũ trụ Văn Xương ở đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 3.5 và dự kiến ​​​​sẽ hạ cánh xuống khu tự trị Nội Mông (phía bắc Trung Quốc) vào khoảng ngày 25.6.

Tàu vũ trụ đang quay quanh Mặt trăng với mẫu vật quý giá trên khoang và đang chờ thời điểm tốt nhất để bắt đầu hành trình quay trở lại Trái đất.

anh-selfie-lich-su-cua-su-menh-hang-nga-6-tu-vung-toi-mat-trang-duoc-chup-bang-ai.jpg
Truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận rằng AI đã được sử dụng bởi tàu thăm dò mini của sứ mệnh Hằng Nga 6 để chụp bức ảnh này trên bề mặt vùng tối Mặt trăng - Ảnh: CNSA

Hằng Nga 6 thu thập các mẫu trên Mặt trăng thông qua hai phương pháp là khoan bằng dụng cụ khoan và khai thác bề mặt bằng cánh tay robot. Các mẫu đá Mặt trăng được thu thập riêng biệt, thực hiện lấy mẫu đa dạng ở nhiều địa điểm.

Camera hạ cánh, camera toàn cảnh, máy dò cấu trúc đất Mặt trăng, máy phân tích phổ khoáng chất Mặt trăng và các trọng tải khác của tàu đổ bộ Hằng Nga 6 đã được khởi động bình thường và hoạt động thăm dò khoa học theo kế hoạch.

Ngoài ra, các thiết bị quốc tế được Hằng Nga 6 mang theo như máy phân tích ion âm bề mặt Mặt trăng của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và máy dò radon Mặt trăng của Pháp đều hoạt động bình thường và thực hiện các nhiệm vụ phát hiện khoa học tương ứng.

Trong số đó, máy dò radon Mặt trăng của Pháp được khởi động trong giai đoạn bay vòng quanh Mặt trăng; máy phân tích ion âm bề mặt Mặt trăng của ESA được khởi động trong khi thực hiện công việc trên bề mặt Mặt trăng. Tấm phản xạ góc laser của Ý gắn trên đỉnh tàu đổ bộ đã trở thành điểm kiểm soát vị trí ở vùng tối của Mặt trăng và có thể được sử dụng để đo khoảng cách.

Sau khi các hạng mục hoàn tất, quốc kỳ Trung Quốc do tàu đổ bộ Hằng Nga 6 mang theo đã được cắm thành công trên vùng tối của Mặt trăng. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc treo cờ quốc gia một cách độc lập ở vùng tối của Mặt trăng. Lá cờ được làm bằng vật liệu composite mới với quy trình đặc biệt.

So với việc cất cánh từ Trái đất, tàu vũ trụ Hằng Nga 6 không có hệ thống tháp phóng cố định mà sử dụng tàu đổ bộ làm "tháp tạm thời".

So với Hằng Nga 5 cất cánh từ vùng sáng của Mặt trăng, việc cất cánh từ vùng tối của Hằng Nga 6 được đánh giá là khó hơn rất nhiều khi không thể trực tiếp nhận được sự hỗ trợ đo lường và điều khiển mặt đất. Thay vào đó, nó cần sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2 và sử dụng các cảm biến đặc biệt được mang theo để đạt khả năng định vị cũng như xác định hướng tự động.

Sau khi thành công đi vào quỹ đạo bay quanh Mặt trăng theo kế hoạch, Hằng Nga 6 kết nối với tổ hợp tàu quay trở lại Trái đất và chuyển giao các mẫu vật. Tổ hợp tàu quay trở lại sẽ tiếp tục bay quanh quỹ đạo Mặt trăng để chờ thời điểm thích hợp bay trở về Trái đất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: 'Việt Nam không thiếu điện'
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không thiếu điện với các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ảnh selfie lịch sử của sứ mệnh Hằng Nga 6 từ vùng tối Mặt trăng được chụp bằng AI