Theo Jonathan D. Moyer và David K. Bohl, hai nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế của đại học Denver, những mức thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và có thể sẽ ban hành không chỉ làm tổn hại thương mại toàn cầu mà còn có nguy cơ làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ.

Áp thuế thương mại có thể làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu

Cẩm Bình | 13/03/2018, 17:35

Theo Jonathan D. Moyer và David K. Bohl, hai nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế của đại học Denver, những mức thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và có thể sẽ ban hành không chỉ làm tổn hại thương mại toàn cầu mà còn có nguy cơ làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ.

Tổng thống Mỹ ngày 8.3 đã ký ban hành sắc lệnh áp mức thuế 25% lên thép và 10% với nhôm nhập khẩu. Động thái này hiện thức hóa cam kết thúc đẩy tăng trưởng của các ngành công nghiệp Mỹ mà ông Trump từng đưa ra, đồng thời cũng làm nổ ra xung đột về thương mại giữa Washington với các đồng minh lẫn đối thủ.

Về vấn đề này, Moyer và Bohl đã tiến hành xem xét đến những rủi ro địa chính trị và tác động đến ảnh hưởng toàn cầu mà những xung đột này mang lại. Hai nhà nghiên cứu đánh giá chủ nghĩa bảo hộ Mỹ cũng như mối đe dọa chiến tranh thương mại gây tổn hại nền thương mại toàn cầu, và có thể khiến ảnh hưởng của chính sách đối ngoại Washington sụt giảm.

Đánh đổi về kinh tế

Theo hai nhà nghiên cứu, chủ nghĩa bảo hộ thương mại có những ảnh hưởng chính trị và kinh tế riêng biệt. Trong nước, việc bảo hộ một ngành kinh tế khỏi sự cạnh tranh của đối thủ nước ngoài có thể làm tăng nhu cầu nội địa và trên lý thuyết tăng việc làm cho ngành được bảo hộ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng có nhiều cái giá phải trả, khi chi phí của các ngành khác tăng cao, khiến nhu cầu thuê mướn lao động giảm.

Ở cấp quốc gia, bảo hộ làm giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, khiến giá cả và lạm phát tăng (gây hại cho đầu tư trong nước), và có khả năng làm tăng giá đồng USD (qua đó gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Mỹ).

Trên bình diện quốc tế, chính sách bảo hộ đem lại nhiều phản ứng khác nhau từ các nước khác. Trong tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối rất gay gắt, Trung Quốc cũng tỏ ý lo ngại, còn Canada bày tỏ sự ngạc nhiên.

Thuế nhôm, thép mà Mỹ áp đặt nhận phải phản ứng tiêu cực từ nhiều đối tác thương mại ­- Ảnh: Forbes

Nguy cơ suy giảm ảnh hưởng toàn cầu

Moyer và Bohl đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá những rủi ro về địa chính trị khi chủ nghĩa bảo hộ tăng cao.

Kết quả cho thấy hệ thống quốc tế sau Chiến tranh Lạnh đã thay đổi đáng kể, trong đó mạng lưới ảnh hưởng của Trung Quốc mở rộng sang đến nhiều quốc gia ở Đông Á, Đông Nam Á và châu Phi. Trong khi đó, mạng lưới ảnh hưởng của Mỹ chủ yếu vẫn ở tây bán cầu và bao gồm những đồng minh chiến lược ở Trung Đông (Ả Rập Saudi và Israel), Đông Á và Đông Nam Á.

Trong năm 2015, Mỹ có ảnh hưởng với hơn 151 quốc gia, trong khi Trung Quốc chỉ có hơn 71.

Trong kịch bản cơ sở đến năm 2050, khi thương mại quốc tế tăng vừa phải, nghiên cứu cho thấy tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ được mở rộng thêm ở châu Á và châu Phi. Tuy Washington vẫn giữ được hầu hết mạng lưới của mình, nhưng dự kiến nước này sẽ mất đi lợi thế về ảnh hưởng song phương ở 5 quốc gia.

Còn theo kịch bản Mỹ áp thuế với hàng hóa và dịch vụ của nước ngoài, ảnh hưởng của nước này ở châu Á sẽ giảm nhanh hơn nữa. Và trong một kịch bản chủ nghĩa bảo hộ tăng cao hơn nữa, số quốc gia mà Trung Quốc có ảnh hưởng sẽ nhiều hơn của Mỹ 22 quốc gia, trong số đó có Indonesia, Nigeria, Pakistan, Thái Lan, những nước có tầm quan trọng chiến lược với Washington.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, Moyer và Bohl kết luận mức độ thay đổi ảnh hưởng quốc tế có phụ thuộc phần nào vào chính sách thương mại của Mỹ. Vì vậy, những mức thuế mà ông Trump đưa ra, trong đó có thuế đánh vào nhôm và thép, có nguy cơ khiến tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ suy giảm nhanh chóng.

Cẩm Bình (theo The Washington Post)
Bài liên quan
‘Mỹ vượt xa Trung Quốc về năng lực sản xuất chip tiên tiến vào năm 2032’
Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp ba năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước vào năm 2032 và vượt xa Trung Quốc về sản lượng chip tiên tiến, theo báo cáo được công bố bởi Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) và hãng tư vấn quản trị toàn cầu Boston Consulting Group (BCG) có trụ sở tại Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
FPT, Vinaconex 'đau đầu' về giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đại diện Vinaconex, FPT cho biết còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp thuế thương mại có thể làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu