Việc doanh số của Apple sụt giảm tại thị trường Trung Quốc dẫn đến những ngược đãi từ chính phủ nước này là một ví dụ điển hình.

Apple và tương lai xám xịt của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc

Nhàn Đàm | 05/05/2016, 12:06

Việc doanh số của Apple sụt giảm tại thị trường Trung Quốc dẫn đến những ngược đãi từ chính phủ nước này là một ví dụ điển hình.

Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế một cách quy mô nhất từ trước đến nay khi mà nền kinh tế hàng thứ 2 thế giới đang bước vào giai đoạn giảm tốc đáng kể từ cuối năm 2015. Sự sụt giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc từ đầu năm 2016 đến nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế thế giới. Quá trình chuyển đổi được các chuyên gia kinh tế đánh giá là sẽ rất đau đớn này của Trung Quốc đang không chỉ tác động tới các doanh nghiệp trong nước, mà có vẻ như sẽ còn tác động lớn tới các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư và hoạt động tại thị trường này. Cái kết đắng mà tập đoàn công nghệ Apple vừa phải nhận cách đây hai tuần từ chính phủ Trung Quốc có vẻ như đang mang một tín hiệu nghiêm trọng: đã đến lúc các doanh nghiệp nước ngoài nên rời khỏi Trung Quốc, vì Bắc Kinh hiện không còn hoan nghênh những nhà đầu tư nước ngoài nữa.

Trên thực tế, làn sóng rời khỏi thị trường Trung Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài đã diễn ra mạnh mẽ kể từ năm 2014, và đạt đỉnh điểm trong năm 2015 khi tổng cộng đã có khoảng gần 1.000 tỉ USD bị rút khỏi thị trường Trung Quốc, gây ra những xáo trộn nhất định đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới. Việc kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất kể từ năm 1990, có một phần nguyên nhân đến từ làn sóng rút vốn ồ ạt lũy kế trong vài năm trước đó. Điều này đã buộc chính phủ Trung Quốc phải đưa ra một số biện pháp để tháo gỡ khó khăn, trong đó nới lỏng các quy định đầu tư để níu giữ các DN nước ngoài. Tuy nhiên, tất cả đã quay ngoắt 180 độ trong thời gian gần đây, không những Trung Quốc không ngăn cản dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài rút ra khỏi thị trường, mà Bắc Kinh còn có vẻ như muốn đẩy mạnh hơn xu hướng đó, bằng cách xiết chặt hoạt động kinh doanh của các tập đoàn nước ngoài lớn nhất, mà điển hình là Apple.

Những gì vừa xảy ra với Apple đang khiến tất cả những doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc phải bàng hoàng khi lần đầu tiên trong nhiều năm, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn với tập đoàn công nghệ nổi tiếng của Mỹ này. Bằng cách cấm Apple cung cấp dịch vụ phim và sách trên các gian hàng ảo của mình, Trung Quốc đang đưa ra một tín hiệu rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không còn ưu đãi nào với gã khổng lồ công nghệ, thậm chí còn buộc Apple phải chấp nhận sự kiểm soát từ phía Bắc Kinh. Sự xiết chặt kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, cộng với việc doanh thu của Apple tại thị trường lớn thứ 2 của mình trên toàn cầu sụt giảm, đang khiến giá trị cổ phiếu của tập đoàn công nghệ này sụt giảm tới gần 10% trong những ngày qua.

Động thái xiết chặt kiểm soát với Apple của chính phủ Trung Quốc đang mang một ý nghĩa bước ngoặt của các nhà lãnh đạo nước này với các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư và hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Thực tế là trong nhiều năm qua Apple luôn là một trong những công ty được ưu ái nhất tại thị trường Trung Quốc, với tầm quan trọng rất lớn về các vấn đề như tạo công ăn việc làm và nộp thuế cho chính phủ Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ iPhone lớn thứ 2 thế giới, và tổng doanh thu của Apple tại Trung Quốc (gồm đại lục, Hồng Kông và Đài Loan) đang chiếm tới ¼ doanh thu toàn cầu của tập đoàn này. Suốt nhiều năm qua, Apple gần như chưa từng có rắc rối gì với chính phủ Trung Quốc, trong một số trường hợp còn nhận được sự ủng hộ và bảo vệ của Bắc Kinh, chẳng hạn như những cáo buộc liên quan đến tình trạng bóc lột lao động trong các xưởng lắp ráp iPhone của Apple ở Trung Quốc.

Vì thế, việc chính phủ Trung Quốc mạnh tay với Apple (ngoài việc cấm các dịch vụ phim và sách tại các cửa hàng ảo, thì một số vụ kiện tụng liên quan đến thương hiệu của Apple ở Trung Quốc cũng đang diễn ra theo hướng bất lợi cho tập đoàn này) đang cho thấy một xu hướng hoàn toàn mới, trong đó Trung Quốc sẽ không còn ưu ái với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại đây, kể cả những ông lớn có tầm ảnh hưởng như Apple. Có vẻ như sự kiện Apple bị ngược đãi đang mở đầu cho một xu hướng mới, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài không những không được ưu ái mà còn đang bị ngược đãi là đằng khác. Ông James McGregor, một doanh nhân đã sống tại Trung Quốc 20 năm qua, cho rằng “các công ty nước ngoài ở Trung Quốc chưa bao giờ thấy tình trạng ảm đạm và bi đát như lúc này. Họ không dám kiện mà cũng chẳng dám công khai lên tiếng bởi sợ bị trả đũa”. Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cũng cho thấy khoảng 75% các công ty đang cảm thấy lo ngại về môi trường kinh doanh. Trong khi đó, các quy định đầu tư mới được ban hành ở Trung Quốc đang ngày càng khắt khe hơn, chẳng hạn bắt buộc phải chuyển giao công nghệ trong thời gian ngắn nếu như muốn vào đầu tư tại thị trường Trung Quốc.

Vậy đâu là lý do khiến cho Trung Quốc quay ngoắt 180 độ trong vấn đề đối xử với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khi mà làn sóng rút vốn trong khoảng 2-3 năm qua đang gây ra những thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước này? Câu trả lời có lẽ liên quan đến cách thức chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà chính phủ Trung Quốc đang thực hiện. Cụ thể, Bắc Kinh đang cố gắng chuyển mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu sang nền kinh tế lấy tiêu dùng nội địa làm chủ đạo. Điều này dẫn đến việc chính phủ Trung Quốc đang ưu ái và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước. Có một thực tế là trình độ công nghệ và khoa học của Trung Quốc đã tiến bộ rất nhanh trong vài năm trở lại đây, và các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có đủ khả năng thay thế các doanh nghiệp nước ngoài trong việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa của thị trường nội địa. Nói cách khác, Trung Quốc muốn dành miếng bánh khổng lồ là thị trường nội địa cho người nhà là các doanh nghiệp nội địa, hơn là đưa cho người nước ngoài.

Việc doanh số của Apple sụt giảm tại thị trường Trung Quốc dẫn đến những ngược đãi từ chính phủ nước này cho thấy rõ điều đó. Phân khúc mà Apple nhắm đến ở thị trường Trung Quốc là phân khúc cao cấp, với những mặt hàng như iPhone có giá khoảng 800 USD chủ yếu bán ở các thành phố lớn, nhưng khi phân khúc này đã bão hòa thì mục tiêu tiếp theo là các vùng nông thôn. Hiện thu nhập trung bình ở nông thôn Trung Quốc khoảng 6.000 USD/năm và rõ ràng đây là miếng bánh béo bở. Công nghệ smartphone của các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc giờ đây đã tiến rất nhanh, dù chưa thể so sánh với iPhone của Apple thì những mẫu điện thoại thông minh của Xiaomi, Oppo hay Vivo cũng dư sức đáp ứng nhu cầu của thị trường nông thôn Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên khi mà doanh số iPhone của Apple ở Trung Quốc sụt giảm lại trùng khớp với giai đoạn doanh số của hai thương hiệu smartphone nội địa là Oppo và Vivo lại tăng mạnh, lần lượt là 67% và 56%. Rõ ràng ưu thế và sức hút về công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc giờ đây đã không còn lớn như trước, và các doanh nghiệp nội địa có thể đủ sức thay thế ở thời điểm hiện tại.

Không khó để dự đoán được rằng một tương lai ảm đạm đang chờ đón Apple cũng như các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Trung Quốc. Thông điệp rõ ràng của Bắc Kinh qua vụ ngược đãi Apple lần này là thị trường nội địa Trung Quốc phải do các doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ. Kể cả các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ mới đủ sức buộc Trung Quốc chấp thuận cho phép đầu tư, thì lợi thế đó cũng sẽ nhanh chóng biến mất với các quy định chuyển giao công nghệ bắt buộc. Trung Quốc đã có vạn lý tường lửa để kiểm soát chặt chẽ thông tin trong nước, thì cũng không có gì lạ nếu như trong tương lai sẽ có một vạn lý tường lửa khác trong nền kinh tế ở nước này.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)

Bài liên quan
Apple ấp ủ phiên bản Siri trò chuyện tốt hơn cho iOS 19 để bắt kịp OpenAI và Google ở cuộc đua AI
Apple đã phát hành bản beta của Intelligence vào tháng 10, nhưng vẫn thiếu nhiều tính năng so với các gã khổng lồ công nghệ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple và tương lai xám xịt của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc