Hãng Reuters đưa tin, ngày 25.7, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris gây sức ép với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm thúc đẩy đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. Giọng điệu của bà cứng rắn hơn cấp trên, ông Joe Biden.
Nữ chính trị gia phát biểu trên truyền hình sau khi gặp Thủ tướng Netanyahu: “Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến. Chúng ta không thể cho phép bản thân thờ ơ trước đau khổ, tôi quyết không im lặng”.
Phát ngôn trên làm dấy lên nghi vấn Phó tổng thống Harris nếu lên nắm quyền sẽ áp dụng cách tiếp cận quyết liệt hơn với nhà lãnh đạo Israel. Tuy nhiên giới phân tích không tin rằng chính sách của Mỹ với đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông sắp có thay đổi lớn.
Tổng thống Biden cũng vừa hội kiến Thủ tướng Netanyahu nhưng không đưa ra tuyên bố đáng chú ý gì. Đội ngũ trợ lý cho biết ông cũng thúc đẩy đạt thỏa thuận ngừng bắn.
Dự kiến vào ngày 26.7, Thủ tướng Netanyahu đến dinh thự Mar-a-Lago gặp gỡ cựu Tổng thống Donald Trump - ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử. Chính trị gia này chủ trương giữ nguyên chính sách Israel hiện hành.
Cuộc chiến tại Dải Gaza là một trong số vấn đề quan trọng trong cuộc đua tranh cử đang diễn ra. Chính sách Israel hiện tại của Tổng thống Biden làm mất lòng cử tri gốc Ả Rập lẫn cử tri trẻ phản chiến.
Gia đình Phó tổng thống Harris cũng chịu ảnh hưởng từ tình trạng chia rẽ hiện tại. Người chồng gốc Do Thái của bà là ông Doug Emhoff nhiều lần công khai lên án chủ nghĩa bài Do Thái tăng mạnh từ tháng 10.2023.
Nữ chính trị gia chưa bao giờ mâu thuẫn với cấp trên quanh chính sách Israel, nhưng bà là người lên tiếng kêu gọi ngừng bắn mạnh mẽ nhất trong chính quyền. Phó giáo sư Peter Loge (Đại học George Washington) đánh giá cuộc chiến Gaza là vấn đề mà Phó tổng thống Harris có thể bày tỏ lập trường khác biệt với cả Tổng thống Biden lẫn đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump nhằm thu hút nhóm cử tri phản đối chính sách quá ủng hộ Israel.