Nhiệt độ không khí trên mặt đất được ghi lại từ tháng 10.2019 đến tháng 9.2020 cho thấy Bắc Cực đã trải qua năm ấm thứ hai kể từ kỷ lục vào năm 1900.

Bắc Cực trải qua năm ấm thứ hai kể từ năm 1900

Long Hải | 10/12/2020, 11:50

Nhiệt độ không khí trên mặt đất được ghi lại từ tháng 10.2019 đến tháng 9.2020 cho thấy Bắc Cực đã trải qua năm ấm thứ hai kể từ kỷ lục vào năm 1900.

bac-cuc.jpg
Băng biển Bắc Cực mùa hè năm nay ở mức ít thứ hai lịch sử - Ảnh: Trent Schindler

Kỷ lục này được trình bày chi tiết trong báo cáo hàng năm về Bắc Cực của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Theo NOAA, Bắc Cực đang trở thành một vùng đất ấm áp, lượng băng biển giảm và độ phủ của tuyết cũng giảm.

Rick Thoman, nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Cực quốc tế thuộc Đại học Alaska Fairbanks cho biết: “Bắc Cực đang chuyển thành một nơi ấm áp hơn, ít băng giá hơn và trải qua những thay đổi về sinh học”.

NOAA đã xuất bản báo cáo thường niên trong 15 năm. Trong 10 năm qua, có 9 năm ghi nhận nhiệt độ không khí tăng ít nhất 1 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn 1981-2010. “Nhiệt độ Bắc Cực trong 6 năm qua đều vượt quá các kỷ lục trước đó”, NOAA đưa tin.

Theo báo cáo năm 2020, được tổng hợp bởi 133 nhà khoa học từ 15 quốc gia, mức độ ấm gần đạt kỷ lục năm nay có sự đóng góp của một đợt nắng nóng khắc nghiệt ở miền bắc Siberia vào mùa xuân. Đợt nắng nóng dẫn đến lượng tuyết bao phủ ở vùng Á - Âu gần Bắc Cực trong tháng 6 thấp kỷ lục, khiến nơi này trải qua mùa cháy rừng nghiêm trọng chưa từng thấy với hơn 9,3 triệu ha bị thiêu rụi.

Mặc dù cháy rừng ở phía bắc thường thay đổi, chịu ảnh hưởng bởi các kiểu thời tiết và chu kỳ carbon, các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đã khiến Bắc Cực ngày càng dễ xảy ra cháy rừng. Các nhà nghiên cứu viết: “Xu hướng gia tăng nhiệt độ không khí từ năm 1979 đến năm 2019 cho thấy các đám cháy rừng ở Bắc Cực xảy ra ngày càng nhiều và dữ dội hơn”.

Khi nhiệt độ không khí tiếp tục tăng ở Bắc Cực, băng biển đã bị ảnh hưởng. Vào năm 2020, băng biển mùa đông ở mức ít thứ 11 lịch sử, trong khi băng biển mùa hè ở mức ít thứ 2 lịch sử. Do băng biển phản chiếu tia nắng Mặt trời, nên việc băng biển suy giảm trong hai thập kỷ qua tương ứng với sự gia tăng nhiệt độ mặt biển, thúc đẩy các đợt nở hoa thực vật phù du khổng lồ làm nhuốm màu ngọc lam của nước ven biển Bắc Cực.

Những bông hoa đó cùng với các loài nhuyễn thể do vùng nước ấm ở eo biển Bering mang đến đã làm nổi lên số lượng cá voi đầu cong trong khu vực. Từng bên bờ vực tuyệt chủng, quần thể cá voi ở Bắc Cực - Thái Bình Dương hiện ước tính vào khoảng 10.000 cá thể.

Xu hướng ấm lên của Bắc Cực thường được nhắc đến như “sự bình thường mới”, nhưng các tác giả của báo cáo cho rằng phần lớn các khu vực trong hệ môi trường Bắc Cực đang tiếp tục thay đổi rất nhanh. “Các báo cáo trong 15 năm qua đã thể hiện rõ, Bắc Cực của ngày hôm qua khác với hôm nay, Bắc Cực của hôm nay cũng không thể dự báo cho ngày mai”, các tác giả viết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Cực trải qua năm ấm thứ hai kể từ năm 1900