Không để công nhân, người lao động tự ý di chuyển phương tiện cá nhân đến DN làm việc; đón 1 công nhân cũng phải có kế hoạch đưa đón như với hàng nghìn công nhân.

Bắc Giang: "Đón một công nhân cũng phải lên kế hoạch như đưa đón hàng nghìn công nhân"

Lam Thanh | 07/06/2021, 11:09

Không để công nhân, người lao động tự ý di chuyển phương tiện cá nhân đến DN làm việc; đón 1 công nhân cũng phải có kế hoạch đưa đón như với hàng nghìn công nhân.

Tỉnh Bắc Giang có 4 khu công nghiệp (KCN), trong các KCN hiện có 360 donh nghiệp (DN), đã có 30 DN được hoạt động trở lại, 146 DN đã nộp hồ sơ đề nghị hoạt động trở lại. Hiện đã có hơn 3.660 lao động đã đi làm trở lại; có 6.490 lao động/160.000 lao động của 4 KCN đã được phê duyệt đi làm trở lại.

cong-nhan.jpg
Cẩn trọng trong việc đưa đón công nhân đi làm tại các khu công nghiệp

Theo phản ánh của các DN, hiện nay việc đưa đón công nhân ở các địa phương đi làm gặp nhiều khó khăn khi qua chốt kiểm soát dịch; một số xã yêu cầu người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần và lần gần nhất phải trước 1 ngày thì mới xác nhận cho công nhân đủ điều kiện để DN đón; DN không thuê được xe để đi đón lao động; cán bộ quản lý của một số DN không đi qua được chốt kiểm soát dịch để đến các địa phương làm thủ tục xét nghiệm và đón công nhân, người lao động…

Thực tế hiện nay việc rà soát người lao động đã có 2 lần xét nghiệm PCR có kết quả âm tính từ ngày 9.5 trở lại đây là rất khó khăn vì cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý việc xét nghiệm chưa được tốt.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đón người lao động đi làm trở lại theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, theo đúng 7 bước quy trình đón lao động đủ điều kiện quay trở lại DN làm việc.

Đặc biệt, không để công nhân, người lao động tự ý di chuyển phương tiện cá nhân đến DN làm việc; đón 1 công nhân cũng phải có kế hoạch đưa đón như với hàng nghìn công nhân.

Theo đó, DN gửi Ban Quản lý các KCN tỉnh hồ sơ đề nghị cho người lao động quay trở lại làm việc, hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị đưa lao động trở lại làm việc, kèm theo danh sách người lao động đã được duyệt theo phương án sản xuất.

Danh sách lao động phải ghi rõ địa chỉ đến tổ dân phố/thôn để thuận lợi cho việc rà soát, lập phương án tổ chức xét nghiệm nhanh và đưa đón lao động... Đồng thời DN gửi Tổ kiểm tra, hỗ trợ DN của tỉnh dự thảo phương án đón lao động.

cong-nhan-2.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ban Quản lý các KCN tỉnh tổ chức rà soát danh sách lao động theo đề nghị của DN với danh sách lao động đã được duyệt theo phương án sản xuất gửi UBND các huyện, thành phố nơi có người lao động đề nghị được quay trở lại làm việc.

Tổ kiểm tra, hỗ trợ DN của tỉnh kết nối với các huyện, thành phố để hỗ trợ DN hoàn thiện phương án đón lao động. UBND huyện, thành phố thẩm định và gửi Tổ kiểm tra, hỗ trợ DN của tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh, UBND xã, phường, thị trấn (nơi có người lao động đi làm trở lại) có văn bản xác nhận về danh sách người lao động đã được theo dõi, quản lý, xét nghiệm sàng lọc về nguy cơ lây nhiễm dịch trong vòng 21 ngày trở lại tính đến thời điểm xác nhận.

Trong vòng 4 giờ, kể từ khi nhận được danh sách do UBND huyện, thành phố gửi, Ban Quản lý các KCN thông báo cho DN kết quả xác nhận của UBND huyện, thành phố.

Sau khi Ban Quản lý các KCN thông báo về kết quả xác nhận của UBND huyện, thành phố, DN cùng Tổ kiểm tra, hỗ trợ của tỉnh thống nhất lại phương án đón lao động. Tổ gửi phương án đón lao động cho Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý các KCN tỉnh trước ít nhất 1 ngày tổ chức đón lao động để thực hiện.

DN thông báo cho người lao động về thời gian, địa điểm tập trung để thực hiện xét nghiệm COVID-19 (Test nhanh) và đưa đón về nơi ở của DN.

Trong vòng 8 giờ, kể từ khi nhận được phương án đón lao động của DN do Tổ kiểm tra, hỗ trợ DN của tỉnh gửi, UBND huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn nơi DN tổ chức các điểm đón lao động yêu cầu các chốt/trạm kiểm dịch tại thôn, tổ dân phố thực hiện mở chốt/trạm kiểm dịch cho người, xe làm nhiệm vụ đón người lao động trở lại làm việc được lưu thông và cho người lao động di chuyển ra các điểm tập trung đón lao động.

Đồng thời, cần giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng dịch của người lao động và lái xe tại các điểm đón; giám sát việc tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với người lao động; giám sát người lao động lên xe theo đúng danh sách đã được phê duyệt.

DN có trách nhiệm, yêu cầu lái xe cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi thực hiện nhiệm vụ đón lao động (kết quả xét nghiệm được lấy mẫu, xét nghiệm PCR lần gần nhất không quá 3 ngày).

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 (test nhanh) tại địa điểm tập trung trước khi lên xe đối với lái xe, người lao động; chỉ được cho người lao động lên xe khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Ngoài ra, phải tổ chức cách ly người lao động tạm thời tại nơi ở hoặc tại khu vực vùng đệm (nếu có) và tổ chức xét nghiệm COVID-19 (xét nghiệm PCR) cho người lao động trước ít nhất 1 ngày dự kiến cho người lao động trở lại làm việc. Chỉ được phép đưa người lao động trở lại làm việc và dừng việc cách ly tạm thời tại nơi ở đối với lao động có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đề nghị các địa phương khẩn trương xét nghiệm lần 2 cho công nhân đang ở tại nhà theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Riêng huyện Việt Yên, nơi đang có nhiều công nhân ở các KCN cần tập trung cao để xác nhận cho công nhân.

Đồng thời cần thành lập tổ y tế để kiểm tra tại các DN để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch. Đối với các DN ở ngoài KCN, các huyện, thành phố qua kiểm tra bảo đảm điều kiện an toàn thì cho phép hoạt động trở lại.

cong-nhan-3.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng ở Bắc Giang, dịch bệnh đã được gom lại và chủ yếu ở địa bàn huyện Việt Yên. Ngoài ra các trường hợp truy xét trong cộng đồng cũng đã giảm rất nhiều.

Theo ông Sơn, thời gian tới tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục thực hiện việc giám sát dịch tễ một cách chặt chẽ thông qua các xét nghiệm để phát hiện một cách nhanh nhất và tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly cũng như thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID- 19.

"Vấn đề hết sức quan trọng đó là việc đưa các đơn vị vào sản xuất trở lại. Phải đảm bảo công nhân đi vào sản xuất an toàn, phải được xét nghiệm âm tính, quy trình sản xuất phải đảm bảo an toàn, đặc biệt là quy trình kiểm tra, giám sát trong khi sản xuất cũng phải tuân thủ các quy định của ngành y tế cũng như của tỉnh Bắc Giang", ông Sơn nói.

Vấn đề cuối cùng là triển khai tiêm vắc xin cho công nhân. "Tôi thấy rất mừng cho đến bây giờ tỉnh Bắc Giang đã triển khai tiêm hết cơ số vắc xin mà Bộ Y tế cấp để tiêm cho công nhân. Đây là một dấu hiệu rất tốt", ông Sơn nói.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan
Thông xe tuyến đường gần 200 tỉ kết nối Hà Nội - Bắc Giang
Sau khoảng 1 năm thi công với tổng mức đầu tư gần 200 tỉ đồng, cây cầu vượt sông nối liền Hà Nội - Bắc Giang đã chính thức thông xe kỹ thuật vào ngày 13.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chung cư Hà Nội 'ngáo giá' và cảnh báo nguy cơ vỡ 'bong bóng'
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Giang: "Đón một công nhân cũng phải lên kế hoạch như đưa đón hàng nghìn công nhân"