Trong lúc thống kê số lượng heo chết do dịch tả lợn châu Phi ở địa bàn xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), một số cá nhân đã kê khống số lượng để hưởng chênh lệch, nguy cơ gây thất thoát hàng trăm triệu đồng tiền ngân sách nhà nước.
Kê khống heo chết để trục lợi
Theo hồ sơ mà PV Một Thế Giới có được, trong các năm 2021 và 2022, người nuôi heo trên địa bàn xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) bị nhiều thiệt hại, thua lỗ do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, nhà nước có quy định hỗ trợ một phần cho người nuôi, giúp họ có vốn để tái đàn.
Sự việc chẳng có gì đáng nói nếu tất cả người trong cuộc đều trung thực, khai báo, kiểm đếm số lượng heo chết đúng với thực tế. Tuy nhiên, vì hám lợi nên một số cá nhân đã có hành vi kê khống số lượng heo chết hàng tấn để hưởng tiền chênh lệch, nguy cơ làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của UBND xã Minh Diệu, năm 2021, hộ gia đình bà Trần Thị Thu Tâm và Nguyễn Cẩm Hường (ngụ ấp Tràm 1) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi. Qua thống kê của chính quyền địa phương, hộ bà Tâm, Hường thiệt hại 68 con heo với trọng lượng 6.786 kg (mỗi con heo nặng gần 100 kg).
Tuy nhiên, sau khi UBND huyện Hòa Bình có ý kiến yêu cầu xã Minh Diệu rà soát, kiểm tra lại kết quả đề nghị hỗ trợ thiệt hại thì sự thật mới được hé lộ. Theo chính quyền xã Minh Diệu, qua làm việc lại thì năm 2021, hộ bà Tâm, Hường chỉ bị thiệt hại 33 con, tổng trọng lượng 2.564 kg (giảm 35 con tương đương 4.222 kg so với hồ sơ lập đề nghị hỗ trợ - PV).
Cũng tại hộ này, năm 2022, chính quyền địa phương thống kê họ bị thiệt hại 65 con heo, tổng trọng lượng 7.086 kg (tức mỗi con heo nặng trên 100 kg). Tuy nhiên, khi báo cáo lại, UBND xã Minh Diệu ghi nhận hộ bà Tâm chỉ thiệt hại 34 con, tổng trọng lượng 2.705 kg (giảm 31 con heo với trọng lượng 4.381 kg so với hồ sơ đề nghị hỗ trợ của xã trước đó - PV).
Ngoài ra, tình trạng lập khống số lượng heo chết do dịch tả lợn châu Phi cũng xảy ra ở nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Minh Diệu, mức chênh lệch hàng tấn, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Để rộng đường dư luận, PV Một Thế Giới đã có mặt tại xã Minh Diệu để tìm hiểu rõ sự việc. Tại hộ bà Trần Thị Thu Tâm ở ấp Tràm 1, qua trao đổi, bà Tâm thừa nhận do chăn nuôi thua lỗ nên gia đình bà mới kê khống số lượng heo chết để hưởng chênh lệch.
Theo bà Tâm, đến thời điểm hiện tại thì gia đình bà chưa nhận được tiền hỗ trợ. Được biết, với mỗi kg heo chết, nhà nước sẽ hỗ trợ 38.000 đồng cho người nuôi.
Ông Ngô Hồng Quân, Trưởng ấp Tràm 1, xã Minh Diệu, xác nhận, trong các đợt trên địa bàn ấp có dịch tả lợn châu Phi thì chỉ có vài lần ông có mặt cùng cán bộ chuyên môn để kiểm đếm số lượng heo, nhưng không có cân kg xác định trọng lượng. Những lần sau đó, cán bộ thú y khuyên ông Quân không nên vào hiện trường vì đã lớn tuổi, nên trong các đợt này, số lượng heo chết, trọng lượng thiệt hại bao nhiêu là do tổ công tác ghi, chứ ông không nắm.
Theo tìm hiểu của PV, thời điểm thống kê, kiểm đếm heo chết do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, huyện Hòa Bình có 2 cán bộ đến phối hợp cùng chính quyền địa phương để làm nhiệm vụ trên.
Vấn đề đặt ra là nếu ngành chức năng địa phương không xác minh, kiểm đếm, cân kg số lượng heo chết của hộ nuôi để thống kê thì dựa vào đâu họ có được số lượng và trọng lượng như vậy?