Sau thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều khoản chi trong nhiều năm tại một trường Mẫu giáo ở Bạc Liêu không có hồ sơ, chứng từ quyết toán.

Bạc Liêu: Làm rõ việc mất chứng từ hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non ở trường Mẫu giáo Sơn Ca

Trần Khải | 07/01/2022, 11:05

Sau thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều khoản chi trong nhiều năm tại một trường Mẫu giáo ở Bạc Liêu không có hồ sơ, chứng từ quyết toán.

Ngày 6.1, nguồn tin của PV cho biết, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bạc Liêu vừa tiến hành thanh tra việc chi trả chế độ hỗ trợ chi phí học tập và tiền ăn trưa cho trẻ giai đoạn 2018–2020 tại trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Định Thành A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) và đã phát hiện nhiều sai phạm.

Cụ thể, việc chi trả chế độ cho trẻ mầm non tại trường Mẫu giáo Sơn Ca từ năm 2018–2020 đã không có hồ sơ, chứng từ ký nhận của phụ huynh học sinh. Theo tường trình của kế toán đơn vị thì số chứng từ kể trên đã bị thất lạc nên không thể bổ sung. Số tiền đã chi trả nhưng không có hồ sơ chứng từ được thống kê là gần 100 triệu đồng.

truong-mau-giao-son-ca-xa-dinh-thanh-a-huyen-dong-hai-tinh-bac-lieu-noi-vua-thanh-tra-phat-hien-nhieu-khoan-chi-khong-co-chung-tu-quyet-toan-anh-tran-khai.jpg
Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Định Thành A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) - nơi vừa thanh tra phát hiện nhiều khoản chi không có chứng từ quyết toán - Ảnh: Trần Khải

Tại biên bản làm việc về những vấn đề liên quan vào ngày 16.12.2021 với lãnh đạo nhà trường, ông Nguyễn Văn Đỉnh, kế toán trường Mẫu giáo Sơn Ca tường trình rằng, số tiền chi cho trẻ năm 2018 gần 56,5 triệu đồng; năm 2019 là 22,4 triệu đồng và năm 2020 là hơn 20,2 triệu đồng.

Theo ông Đỉnh lý giải, hằng năm khi Phòng GD-ĐT huyện Đông Hải cấp dự toán thì ông Đỉnh làm giấy rút tiền và giao cho bà Võ Như Ý, thủ quỹ nhà trường trực tiếp đi rút tiền. Sau đó, bà Ý tự liên hệ với phụ huynh để cấp phát tiền, khi hoàn thành sẽ bàn giao danh sách phụ huynh nhận tiền và hồ sơ chứng minh để ông Đỉnh lưu trữ. Tuy nhiên, khi chưa cấp xong thì bà Ý chuyển công tác. Do số tiền chưa được cấp phát hết nên hồ sơ được bàn giao cho những cá nhân gồm, bà Phan Thùy Nhung, hiệu trưởng; bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó hiệu trưởng và bà Lê Kim Lĩnh, Chủ tịch công đoàn trường Mẫu giáo Sơn Ca.

“Khi bà Ý chuyển công tác, nhà trường phân công cho bà Lương Thị Diễm My, thủ quỹ (thay bà Ý) tiếp tục cấp phát. Khi phụ huynh có yêu cầu nhận tiền thì bà My gặp bà Nhung (Hiệu trưởng) nhận tiền để phát cho phụ huynh. Sau đó, bà Nhung chuyển công tác và không bàn giao chứng từ cấp phát. Thời điểm đó, vẫn còn phụ huynh liên hệ nhận tiền nên tôi tự xuất tiền túi phát cho 2 trẻ nhưng không có hồ sơ cho phụ huynh ký nên tôi đã cho họ ký vào biên nhận. Sau đó, tôi gặp bà Nhung để nhận lại tiền thì bà Nhung nói cấp phát mà không có hồ sơ nên bà không trả”, ông Đỉnh nêu trong biên bản làm việc với lãnh đạo nhà trường.

Cũng theo biên bản làm việc, sau khi đoàn kiểm tra của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bạc Liêu đến trường Mẫu giáo Sơn Ca để kiểm tra hồ sơ chi trả chế độ tiền ăn trưa và chi phí học tập cho trẻ thì ông Đỉnh có liên hệ với bà Nhung về chứng từ cấp phát để tiếp đoàn kiểm tra nhưng bà Nhung trả lời ông Đỉnh là xem lại hồ sơ chuyên môn lúc bà chuyển công tác đã bàn giao xem có lạc trong đó hay không? Tuy nhiên, qua kiểm tra thì không có số chứng từ kể trên.

Về hướng khắc phục, bà Nhung có trao đổi với ông Đỉnh là làm lại danh sách cấp phát và ký tên nhận tiền thay cho phụ huynh, nhưng ông Đỉnh không đồng ý và báo không còn hồ sơ từ năm 2016–2020 và không có khả năng phục hồi.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Đông Hải cho hay: “Tôi vừa nhận báo cáo từ Phòng LĐ-TB-XH huyện chuyển sang, nói chung họ chi đủ hết không ai phản ánh cả, nhưng khâu lưu trữ chứng từ thì bị thất thoát do đơn vị xây trường mới”.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạc Liêu: Làm rõ việc mất chứng từ hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non ở trường Mẫu giáo Sơn Ca