UBND tỉnh Bạc Liêu đã kết luận việc giao đất là không đúng quy định pháp luật. Thế nhưng tại tòa, ông Nguyễn Văn Đạo – Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai lại khẳng định việc giao đất là đúng quy định.
Một mảnh đất, hai sổ đỏ
Ông Nguyễn Châu Long (68 tuổi) và ông Nguyễn Tiến Luật (68 tuổi, cùng ngụ phường 1, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vừa có đơn gửi lãnh đạo một số cơ quan ban ngành tỉnh Bạc Liêu khiếu nại ông Nguyễn Văn Đạo - Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (thuộc Sở TN-MT Bạc Liêu). Trong nội dung khiếu nại, ông Long và ông Luật cho rằng ông Đạo đã có hành vi làm trái quy định tại phiên phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và hủy giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) mà 2 ông là bị đơn.
Theo nội dung bản án phúc thẩm ngày 12.1.2022 của TAND cấp cao tại TP.HCM, nguyên đơn của vụ việc là anh Lý Hồng Hưng (27 tuổi), bị đơn là ông Long và ông Luật. Trong số người có nghĩa vụ liên quan có ông Nguyễn Văn Đạo (đại diện cho ông Dương Thành Trung, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu).
Ông Long trình bày, phần đất tranh chấp do ông mua lại của ông Ngô Xuân Mạc từ năm 1988, có làm giấy tay. Năm 1993, hai bên làm hợp đồng mua bán nhà, trong đó phần ông Mạc chuyển nhượng là 496m2. Đất này ông Mạc được UBND tỉnh Minh Hải (tỉnh cũ, gồm 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau bây giờ) giao đất từ năm 1985. Ông Long cũng trình bày, thực tế ông Mạc chuyển nhượng cho ông là 946m2. Năm 1998, nhà nước có chủ trương bán cho các hộ dân phần đất dư so với quyết định giao đất, ông Long làm đơn mua nhưng lúc đó ông Nguyễn Minh Bỉ là Phó giám đốc Sở Địa chính đã không giải quyết. Một năm sau, ông Bỉ được cấp giấy CNQSDĐ 240m2, trong đó có hơn một nửa chồng lên phần đất của ông Long, phần còn lại chồng lên đất ông Luật.
Năm 2016, ông Bỉ chuyển nhượng phần đất này cho anh Lý Hồng Hưng với giá 1,2 tỉ đồng, có làm hợp đồng chuyển nhượng tại phòng công chứng và đã được chứng thực vào năm 2017.
Thời điểm chuyển nhượng do là đất ao đìa, ông Long làm hàng rào, không còn mốc ranh giới. Bên mua thuê cơ quan chức năng đo đạc, định vị để cắm mốc và bị ông Long ngăn cản. Bên mua khởi kiện yêu cầu ông Long dỡ bỏ hàng rào trả 165,4m2 đất và yêu cầu ông Nguyễn Tiến Luật dỡ bỏ công trình nhà, trả 74,6m2 đất.
Ông Luật trình bày, nguồn gốc 74,6m2 đất tranh chấp là do ông mua lại của ông Nguyễn Tùng Dân vào năm 1989 bằng giấy tay. Năm 1998, ông Luật làm hồ sơ cấp giấy thì được cán bộ hướng dẫn nhờ ông Dân làm thủ tục cấp, sau đó ông Dân sẽ chuyển nhượng lại cho ông Luật. Do phần đất thực tế nhiều hơn phần đất được giao, ông Luật có nộp thêm hơn 9,3 triệu đồng. Sau khi làm xong các thủ tục thì phát hiện một phần đất của ông Dân đã được cấp giấy cho ông Bỉ vào năm 1999. Tại các phiên tòa, ông Long và ông Luật đều yêu cầu hủy giấy CNQSDĐ của ông Bỉ.
Hai bản án trái ngược
Ông Long và ông Luật cho biết vấn đề mấu chốt trong vụ tranh chấp này là cần xem xét việc ông Bỉ được cấp đất vào năm 1999 có đúng hay không. “Việc này đã được UBND tỉnh Bạc Liêu kết luận từ lâu, là không đúng với quy định”, ông Long cho biết. Thực tế, việc cấp giấy CNQSDĐ chồng lấn như trên không chỉ xảy ra với hộ ông Long và ông Luật. Nhiều hộ dân trong khu vực 2 ông đang sống đã từng gặp tình trạng như trên. Năm 2017, UBND tỉnh đã lập tổ kiểm tra liên ngành để giải quyết khiếu nại của 6 hộ dân, trong đó có hộ ông Long và ông Luật.
Hơn nửa năm làm việc, tổ kiểm tra liên ngành đã có báo cáo về vấn đề này, trong đó khẳng định việc cấp đất cho ông Bỉ là không đúng với quy định pháp luật và kiến nghị thu hồi giấy CNQSDĐ. Tuy nhiên, do ông Bỉ đã bán phần đất được cấp cho anh Hưng nên thẩm quyền thuộc TAND giải quyết.
Ngày 28.8.2020, tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và tuyên hủy giấy CNQSDĐ của ông Bỉ; đồng thời hủy chứng thực chuyển nhượng đất của ông Bỉ cho anh Hưng vào năm 2017. Nguyên đơn sau đó đã kháng cáo lên TAND cấp cao tại TP.HCM. Ngày 12.1.2022, TAND cấp cao tại TP.HCM đưa vụ việc ra xét xử sau 4 lần tạm hoãn. Kết quả, tòa đã tuyên ngược lại với bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bị đơn, buộc ông Long và ông Luật trả lại đất.
Điều khiến cho 2 bị đơn Long và Luật bức xúc là tại phiên tòa này, ông Nguyễn Văn Đạo - Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở TN-MT tỉnh Bạc Liêu (vắng mặt tại phiên sơ thẩm) tại phiên phúc thẩm, đã trình bày: Giấy CNQSDĐ được cấp cho ông Bỉ đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục theo quy định, tại Nghị định 88/CP ngày 17.8.1994 về quản lý và sử dụng đất đô thị. Ông Đạo đề nghị tòa cấp cao sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu của ông Long và ông Luật.
Trong khi đó, tháng 4.2019, để phúc đáp TAND tỉnh Bạc Liêu, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh, cấp trên của ông Đạo, đã có công văn về việc này. Cụ thể, qua xem xét báo cáo của Tổ kiểm tra liên ngành, Sở TN-MT đã có ý kiến như sau: Về trình tự, thủ tục cấp CNQSDĐ của ông Bỉ chưa thực hiện đúng theo quy định tại điều 28 Luật Đất đai năm 1993; khoản 1, điều 6; khoản 2 và 4, điều 16; khoản 1 và 4, điều 19 của Nghị định 88/CP ngày 17.8.1994.
Như vậy, chưa cần chiểu theo Luật Đất đai 1993, chỉ riêng trong Nghị định 88, Sở TN-MT đã xác định việc cấp đất cho ông Bỉ là không đúng với nhiều điều, khoản. Thế nhưng tại tòa phúc thẩm, ông Đạo không rõ căn cứ vào đâu lại cho ý kiến việc cấp đất cho ông Bỉ là hoàn toàn đúng với nghị định này.
“Tôi không hiểu ông Đạo đang đại diện cho UBND tỉnh Bạc Liêu, hay đại diện cho ông Bỉ. Việc ông Đạo là người đại diện cho lãnh đạo tỉnh, có vai trò rất lớn trong vụ tranh chấp này, ông ấy cho ý kiến như vậy, chúng tôi rất bức xúc, chúng tôi buộc phải khiếu nại”, ông Long nói.
Vì các lẽ trên, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Lý Hồng Hưng, buộc ông Long, ông Luật trả lại đất.
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Long và ông Luật, ngày 15.4.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã có công văn chỉ đạo Sở TN-MT tỉnh kiểm tra, xem xét, giải quyết yêu cầu của ông Long và ông Luật, đồng thời báo cáo UBND tỉnh được biết.
Trao đổi với PV Một Thế Giới qua điện thoại, ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở TN-MT Bạc Liêu cho biết sở đã nhận được đơn khiếu nại của hai ông và đã có phân công xử lý theo quy định. Ông Thuận cũng nói thêm rằng tòa xử không chỉ căn cứ vào ý kiến của ông Đạo mà còn nhiều căn cứ khác để tuyên án.
Bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định, tòa sơ thẩm tuyên hủy CNQSDĐ, hủy đăng ký biến động với lý do ông Long, ông Luật đã sử dụng ổn định, lâu dài trên 30 năm là trái với quy định tại điểm d, khoản 2, điều 106 Luật đất đai 2013, khoản 2 điều 133, Luật Dân sự 2015 quy định bảo vệ quyền lợi người thứ 3 ngay tình. Ông Long, ông Luật, không cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh đã sử dụng ổn định, lâu dài và ngay tình 30 năm.
HĐXX cũng nhận định rằng, phần diện tích 240m2 tranh chấp được nhà nước giao cho ông Bỉ và cấp giấy vào năm 1999. Việc ông Long, ông Luật sử dụng phần đất ngoài diện tích nhận chuyển nhượng là lấn chiếm quyền sử dụng đất của người khác.
Ngoài ra, tòa cũng cho rằng việc năm 2010, ông Long bị nhà nước thu hồi hơn 100m2 mét vuông đất để làm đường. Phần đất bị thu hồi này là đất nông nghiệp, nằm trong phần đất ao đìa mà ông Long sử dụng ổn định trong thời gian dài. Theo tòa, quyết định bồi thường phần đất này không phải là cơ sở xác định quyền sử dụng đất. Quyết định cũng không kèm họa đồ, không có cơ sở dẫn chiếu để xác định phần diện tích đất bị giải tỏa nằm trong phần diện tích đang tranh chấp.
“Việc cấp đất cho ông Bỉ đã được UBND tỉnh Bạc Liêu xác định là không đúng quy định. Tại sao tòa không xem xét đến vấn đề này. Như trường hợp đất của ông Luật, bị hai sổ đỏ khác cấp chồng lên, trong đó có sổ của ông Bỉ. Vậy tại sao sổ người kia thì bị thu, còn sổ ông Bỉ thì nay lại được công nhận?”, ông Long đặt vấn đề.