Trong quá trình điều trị cắt cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất bằng can thiệp sóng cao tần dưới hướng dẫn DSA tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM, các bác sĩ ở đây đã vô tình đâm thủng qua tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch dị dạng phình to gây rò động tĩnh mạch.
Ngày 3.10, Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân bị rò động tĩnh mạch do các bác sĩ can thiệp bằng sóng cao tầng để cắt cơn nhịp tim nhanh cực phát cho bệnh nhân trước đó đã vô tình dùng kim đâm thủng tĩnh mạch.
Thời gian gần đây,ông Đ.X.B. (50 tuổi)bị các cơn tê buồn chân tayvà mỏi xuất hiện nhiều hơn, bệnh nhân quyết định đến Bệnh viện quận Thủ Đức để kiểm tra. Trong quá trình khám, bác sĩ cảm nhận tại vùng đùi bẹn bệnh nhân, nơi đâm kim để điều trị nhịp tim nhanh trước đây, dòng máu chảy dưới da kêu “rù rù”, nên đã chỉ định chụp siêu âm màu Dopler và CT scan dựng hình mạch máu cho người bệnh. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị rò động tĩnh mạch vùng chậu.
Qua điều tra bệnh sử được biết,cách đây 11 năm, ông B. điều trị cắt cơn nhịp nhanh kịch phát ở một bệnh viện lớn của TP.HCM. Tại đây, các bác sĩ đã can thiệp bằng sóng cao tần dưới hướng dẫn DSA. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp các bác sĩ đã vô tình đưa kim đâm qua tĩnh mạch song song kề bên tạo thành một đường thông từ động mạch sang tĩnh mạch khiến cho tĩnh mạch dị dạng và ngày càng phình to, gọi là rò động tĩnh mạch tự nhiên AVF (Arteriovenous Fistula). Thế nhưng bệnh nhân không hề cảm nhận được gì về điều bất thường này.
Ông B. cho biết, lúc đó sau khi được các bác sĩ can thiệp cảm thấy tê chân, nhưng lại không để ý vì bản thân mắc bệnh tiểu đường. “Tiểu đường cũng ảnh hưởng đến bàn chân nên tôi nghĩ việc tê buồn chân là triệu chứng của bệnh này”, ông B. nói.
ThS.BS Nguyễn Kim Anh, Trưởng khoa lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, rò động tĩnh mạch là tình trạngmáu động mạch thay vì chảy xuống chi dưới để nuôi chân lại chảy ngược về tim theo đường tĩnh mạch qua lỗ rò khiến chân bị tê, yếu do thiếu dinh dưỡng, đồng thời máu lại chảy dồn nhiều về tim, tăng cường độ làm việc của tim, về lâu dài sẽ khiến cho bệnh nhân bị suy tim nên cần can thiệp càng sớm càng tốt. Do đó các bác sĩ đã quyết định can thiệp để bịt lại vết rò thông giữa động mạch và tĩnh mạch.
“Khi mở chỗ bẹn đùi bệnh nhân phát hiện lỗ rò có đường kính khoảng 5mm thông giữa động mạch và tĩnh mạch, chúng tôi đã bộc lộ động mạch và tĩnh mạch đùi đầu trên và đầu dưới của chỗ rò, bộc lộ chỗ rò động tĩnh mạch. Sau đó chúng tôi tiến hành cột và thắt 2 đầu của chỗ rò. Ca phẫu thuật trong vòng 1 tiếng đã thành công tốt đẹp. Sau can thiệp bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vết thương khô, không còn đau hay tê chân phải nữa và bệnh nhân đã được xuất viện”, bác sĩ Kim Anh chia sẻ.
Bác sĩ Kim Anh cho rằng, hiện nay bệnh rò động tĩnh mạch rất hiếm gặp. Bệnh chỉ có thể gặp ở những người tự tiêm chích ma túy hay những sự cố y khoa. “Bệnh có thể âm thầm không triệu chứng, nhưng cũng có thể có biến chứng nặng nề nên cần phải theo dõi, phát hiện bệnh kịp thời để có hướng điều trị phù hợp. Lỗ rò có thể điều trị dứt điểm mà không để lại hậu quả nếu được xử lý đúng cách”, bác sĩ Kim Anh cho biết thêm.
Hồ Quang