Với những trẻ mắc COVID-19, thậm chí nhiễm biến thể Omicron cũng không nguy hiểm bằng trẻ mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Đó là chia sẻ của bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM - trước tình trạng các bậc phụ huynh có con học tiểu học, mầm non đang lo lắng về việc trở lại trường học trực tiếp vào ngày mai (14.2) của con em mình.
Tính đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lứa tuổi cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Trong khi đó, ngày mai ( 14.2), các học sinh tiểu học và mầm non tại TP.HCM sẽ đến trường học trực tiếp. Điều này đã khiến không ít phụ huynh lo lắng cho việc con mình trở lại trường trong lúc dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp.
Thống kê của Sở giáo dục và Đào tạo TP cho thấy, ở bậc tiểu học, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho trẻ đến trường chiếm khoảng 80%; còn ở bậc mầm non (trẻ từ 3 đến 6 tuổi) chỉ có khoảng 60% phụ huynh đồng thuận. Như vậy, ở bậc mầm non, số phụ huynh không đồng thuận cho trẻ đến trường là khá cao, còn đến 40% phụ huynh.
Trong khi đó, học sinh tiểu học, dù số lượng phụ huynh đồng thuận cho trẻ đến trường có tỷ lệ cao, chiếm khoảng 80%, nhưng trong buổi họp phụ huynh vào ngày 13.2 để chuẩn bị cho các em đến trường học trực tiếp, nhiều phụ huynh bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về dịch bệnh, thậm chí có phụ huynh còn đề nghị nhà trường phải làm test nhanh COVID-19 hàng ngày khi các em đến trường.
Nhận định về nguy cơ cũng như sự nguy hiểm khi trẻ mắc COVID-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, trẻ ở độ tuổi trên mắc COVID-19 không phải là vấn đề, càng nhỏ càng nhẹ, không đáng lo, kể cả có nhiễm biến thể Omicron.
Bác sĩ Khanh còn đưa ra so sánh mức độ nguy hiểm của bệnh COVID-19 ở trẻ trong độ tuổi trên với các căn bệnh truyền nhiễm khác mà trẻ đang “sống chung” thì bệnh COVID-19 không nguy hiểm bằng những căn bệnh truyền nhiễm mà trẻ đang“ sống chung” hiện nay, trong đó có nhiều bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng.
"Trẻ mắc COVID-19, kể cả nhiễm biến thể Omicron làm sao mà bằng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi. Bệnh COVID-19 ở trẻ cũng không nguy hiểm bằng viêm phổi, viêm tiểu phế quản do vi rút hợp bào (RSV) hay do vi rút Adeno…”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Theo bác sĩ Khanh không thể lấy vài trường hợp hiếm rồi quy cho tất cả trẻ khi mắc COVID-19 phải nhập viện hay nguy hiểm đến tính mạng giống như một trẻ bị ghẻ cần nhập viện thì tất cả trẻ bị ghẻ cần phải nhập viện. “Tại sao lại lo bệnh COVID-19 ở trẻ em mà các bệnh dịch khác cũng thấy thường, chắc là quen và chưa quen”, bác sĩ Khanh đặt vấn đề.
Bác sĩ Khanh cho rằng, việc phụ huynh lo ngại trẻ mắc COVID-19 chẳng qua là sợ lây cho người lớn, kể cả nhân viên y tế cũng sợ lây. Nhiều khi nhân viên y tế nói thực hiện xét nghiệm sàng lọc, cách ly để tránh lây lan cho người khác, nhưng thực ra là sợ lây lan cho mình.
“Nếu người lớn sợ lây cho mình thì tiêm ngừa đàng hoàng, bây giờ không thiếu vắc xin để tiêm. Hãy để cho trẻ thoải mái, vô tư, người lớn đừng ăn gian và ăn hiếp con nít”, bác sĩ Khanh bộc bạch.
Trước đó, ngày 10.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đang tiến hành các thủ tục để sẵn sàng cho việc tiêm chủng với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện cả nước đã có 88,5% học sinh trong độ tuổi từ 12-17 tuổi đã được tiêm đủ 2 mũi, 95% tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19.
Tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP cho biết, Sở đang phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành lập danh sách trẻ từ 5 tuổi đến 11 tuổi để chuẩn bị sẵn sàng khi có hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm nhanh cho đối tượng này.