Anh Dương Văn San chưa kịp ra đầu thú thì đã bị ngành chức năng ở Đài Loan phát hiện là lao động chui. Anh bị bắt, nhốt 11 ngày, rồi nộp phạt tiền mới được thả về nước.
Để được làm việc ở Đài Loan, Hàn Quốc… họ có 2 sự lựa chọn. Một là hợp pháp, hai là bất hợp pháp. Để đi hợp pháp họ phải bỏ ra một khoảntiền môi giới trên cả trăm triệu đồng. Còn đi “chui”, họ sẽ đi bằng đường du lịch rồi trốn ở lại.
Sự lựa chọn giữa hợp pháp và đi “chui”
Ở nhiều miệt thôn quê miền Tây, nơi có những người dân không có đất canh tác. Họ sống chủ yếu bằng đủ nghề buôn gánh bán bưng, làm thuê làm mướn. Trong thâm tâm họ, luôn khao khát có một mức thu nhập vượt qua mặt bằng chung của làng quê bé nhỏ ấy. Và qua nhiều kênh thông tin, họ biết có thể tìm được nguồn thu nhập ấy ở nước ngoài. Rồi họ tìm hiểu, hỏi han để tìm cách xuất ngoại.
Anh Dương Văn San (35 tuổi, ngụ xã Trường Thành, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) là một trường hợp như thế. Anh San là người đàn ông đặcsệt tính cách miền Tây, tính tình phóng khoáng, cởi mở. Anh có vợ và 2 đứa con. Công việc của anh từ làm mướn đủ nghề, mấy năm nay anh chuyên đi làm phụ hồ. Công việc có vất vả nhưng thu nhập cũng cao hơn những ngày công khác với 180.000 đồng/ngày. Vợ anh làm nghề bán vé số, mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng. 2 đứa con tuổi ăn tuổi học, gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vợ chồng trẻ.
Anh San có em trai đang lao động hợp pháp ở Đài Loan, có em gái, dì ruột và một số người thân khác cũng đang làm việc ở quốc gia này. Cơ hội rộng mở, anh bàn với vợ, đi làm hộ chiếu rồi sang Đài Loan một chuyến. Ngày anh đi, em trai anh về nước để đưa đi. Đó là vào 1 ngày tháng 9.2018. Anh từ biệt vợ con lên đường, đây lần đầu tiên xuất ngoại. “Đó cũng là lần đầu tiên tôi đi máy bay. Mình muốn kiếm chút vốn để dành cho con cái sau này. Bên Đài Loan, tôi có anh em, bà con bên đó, nghĩ trong lòng cũng yên tâm lắm. Vậy là đi thôi”, anh San kể.
Anh San đi theo hình thức du lịch tự túc, được phép ở lại Đài Loan 1 tháng rồi phải về nước. Nhưng kế hoạch của anh đâu phải vậy. Trước khi đi anh đã nhờ em trai tìm sẵn công việc phụ hồ bên đó, qua đến nơi, anh bắt tay vào làm việc luôn. Hết thời hạn 1 tháng, anh về nước nghỉ 1 tuần rồi lại mua vé máy bay đi nữa.
“Phụ hồ bên đó cực hơn bên mình, vì 1 ca làm việc tới 10 tiếng đồng hồ. Máy móc họ nhiều, nhưng do công trình lớn nên việc nhiều và làm liên tục mới kịp tiến độ. Tiền công thì chúng tôi được lấy sau mỗi ngày kết thúc. Tôi nhận được mức cao nhất là 1.200 Đài tệ, tức khoảng 900.000 đồng/ngày”, anh San kể.
Vì số tiền công ngất ngưỡng đó, anh bất chấp, tìm cách trở lại Đài Loan để làm việc. Chỉ đi làm “chui” như anh thì mới được số tiền đó, còn nếu qua con đường lao động chính thức, anh phải bỏ ra số tiền khoảng 120 triệu và trong quá trình làm việc, anh còn phải đóng các khoản tiền bảo hiểm, phí dịch vụ này nọ, số tiền công mỗi ngày sẽ ít đi rất nhiều.
Mà nếu đi hợp pháp, thì thời gian lao động phải được hợp đồng hẳn hoi từ 3 năm trở lên. Như vậy, thời gian xa vợ còn sẽ kéo dài đằngđẳng. Anh San không có được 120 triệu đồng ấy, anh lựa chọn con đường đi làm “chui”. Lần thứ 2 trở lại Đài Loan, anh ở đến 8 tháng. Dự định ở thêm tháng nữa rồi ra đầu thú trở về nước với vợ con để tính chuyện lâu dài.
Bị bắt ngay trước cửa phòng trọ
Đi làm ở Đài Loan, anh San vào ca từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa thì nghỉ. 1 giờ chiều anh bắt đầu làmtiếp đến 6 giờ mới được về nhà. Nhà của anh, là 1 căn phòng trọ nhỏ nhưng tiện nghi đầy đủ. Sau khi cơm nước xong, việc mà anh làm mỗi ngày là gọi điện thoại video về để gặp vợ con. Nghe tiếng bi bô trẻ em, anh nén nỗi nhớ nhung để tiếp tục phấn đấu làm việc. Đợt đi này, cũng là lần đầu tiên anh đón tết xa nhà, xa vợ, con, cha mẹ. Đó là cảm giác không hề dễ chịu đối với một người hiền lành, giàu tình cảm như anh.
Anh San kể, ở công trình anh làm có nhiều người Việt làm, đa số họ đều đi làm chui như anh. Cũng nhờ đó, nỗi cô quạnh nhớ quê hương của anh cũng vơi bớt đi phần nào. Cuối tuần anh tranh thủ đi thăm những người bà con bên đó. Anh San không chọn ở nhà người thân vì anh muốn ở gần công trình để thuận tiện làm việc. Mặt khác, khi ở nhà người thân thì thân phận của anh cũng dễ bị chú ý hơn.
Công việc anh thuận lợi cho đến tháng 5.2019 thì gặp biến cố. Đó là một buổi chiều muộn. Sau khi đi làm về, anh ra ngoài mua chút đồ. Khi về tới phòng trọ thì gặp 2 cảnh sát Đài Loan mặt thường phục đang đứng trước cửa phòng mình. Gặp anh, họ nói điều gì đó, anh không hiểu nhưng anh biết chuyện gì sắp xảy ra với mình.
“Chuyện lao động nước ngoài làm chui ở đây bị bắt không hiếm, ai cũng chuẩn bị tinh thần 1 ngày đến lượt mình. Do đó tôi cũng không bất ngờ, chỉ thấy hơi tiếc. Tiếc là vì tôi tính làm thêm 1 tháng nữa rồi đầu thú với ngành chức năng để trở về nước”, anh San kể lại.
Một nhóm lao động người Việt chuẩn bị đi hái chè xanh ở Đài Loan- Ảnh: Thanh Nguyên
Sau đó 2 người cảnh sát đưa anh đi. Trong khi đó, 2 người Việt ở chung phòng trọ với anh vẫn không hay biết chuyện gì. Cảnh sát đến chỉ để bắt anh. Các lao động chui như anh San họ có sự chuẩn bị sẵn là sẽ đầu thú để về nước. Vì khi đầu thú họ chỉ đóng phạt 1.000 Đài tệ, tức chưa đến 1 triệu đồng, cộng thêm một số chi phí khác là có thể được trả về nước.
Nhưng khi để nhà chức trách Đài Loan phát hiện và bắt, họ sẽ đóng phạt số tiền lớn hơn gấp nhiều lần, là 5.000 Đài tệ, cộng thêm tiền ăn là 200 Đài tệ mỗi ngày cho thời gian bị tạm giam. Tổng số tiền họ phải đóng phạt là gần 10 triệu đồng tiền Việt Nam.
Anh San sau khi bị bắt thì đưa vào 1 phòng tạm giam với sức chứa hơn 50 người. Ở đó, anh gặp rất nhiều người Việt khắp mọi miền. Ngày nào cũng có hơn chục người hoàn thành nộp phạt để về nước, nhưng cũng có thêm cả chục người mới bị bắt đưa vào.
Anh San nhớ lại: “Quân số của phòng giam đó luôn giữ ổn định. Còn bên phòng nữ, tôi cũng thấy có người Việt nhưng không biết đông không. Hằng ngày, họ cho chúng tôi ăn 3 bữa đầy đủ, nhưng không cho chúng tôi vận động, hay có hoạt động nào khác. Chúng tôi cứ ở mãi trong căn phòng tạm giam ấy để xem tivi, chúng tôi chỉ xem được hình, tiếng thì không hiểu. Trong phòng giam đó, còn cóngười Indonesia, Thái…”.
Thời gian anh San bị tạm giam, người thân của anh ở Đài Loan có tới thăm nhưng chỉ nhìn qua màn hình tivi, nói chuyện qua điện thoại chứ không được gặp mặt trực tiếp. Anh San kể rằng, do đã chuẩn bị tinh thần, nên anh đón tiếp những chuyện này hết sức bình thản. Lúc này, anh chỉ mong sớm được về đoàn tụ với gia đình.
11 ngày sau, anh cùng gần chục người Việt khác được đưa ra sân bay sau khi đóng hết tiền phạt. Anh lên máy bay trở về nước, trong lòng lẫn lộn cảm giác buồn vui. 9 tháng bán sức mình trên đất khách, anh dành dụm được hơn 75 triệu đồng. Anh nói rằng, ở quê nhà, trong chừng đó thời gian anh không bao giờ để dành được số tiền đó. Sự đánh đổi này, anh chấp nhận.
“Có điều bên Đài Loan cấm tôi trong vòng 5 năm sẽ không còn cơ hội quay lại đây bằng bất kỳ hình thức nào. Khi nào hết thời hạn cấm, tôi mới có thể làm việc lại đây. Giờ nếu đi xuất khẩu lao động nữa, tôi cũng không biết đi đâu. Thôi thì tới đâu tính tới đó”, anh San chia sẻ.
Mấy tháng nay, anh San trở về với công việc phụ hồ quen thuộc. Dù tiền kiếm ít hơn, gánh nặng gia đình vẫn đè nặng trên vai anh nhưng anh cũng cảm thấy ấm cúng khi ở bên gia đình. Thỉnh thoảng, chiều về, anh lại ngồi trước hiên nhà để nhớ về thời gian làm việc ở Đài Loan và số tiền mình kiếm được…
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Thanh Nguyên