“Thuật” trong võ bùa gọi là “âm công”. Người luyện “âm công” không dụng về kỹ thuật, sức lực, mà chỉ cần thổi nhang, uống bùa, đọc thần chú là có ngay sức mạnh thần diệu…

Bài 1: Thổi bùa khai thông kinh mạch...

Một Thế Giới | 13/06/2014, 22:26

“Thuật” trong võ bùa gọi là “âm công”. Người luyện “âm công” không dụng về kỹ thuật, sức lực, mà chỉ cần thổi nhang, uống bùa, đọc thần chú là có ngay sức mạnh thần diệu…

“Võ bùa” còn gọi là Thất Sơn thần quyền, xuất hiện vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Thất Sơn thần quyền bao gồm Quyền và Thuật. Quyền gồm những thế võ cận chiến tay không và binh khí, nhưng chính “Thuật” mới là “chiêu thức” khiến cho hệ phái “võ bùa” trở nên huyền bí.

“Tầm sư học đạo”

Có thể gọi là cơ duyên khi trong chuyến rong ruổi về An Giang chúng tôi vô tình nghe các lão nông kháo chuyện “võ bùa”. Với cách thức tập luyện kỳ dị, lời đồn đại về các thế lực vô hình hộ thể môn sinh và tình trạng trên ngưỡng thất truyền của “võ bùa” khiến chúng tôi không khỏi tò mò.

Ông Bảy Duồng, 56 tuổi, ngụ cù lao Phú Tân, An Giang, nhấp hớp rượu, rồi hào sảng nói: “Chuyện thần bí ở xứ Thất Sơn này tụi bây ngồi nghe qua mùa lúa, xong mùa trăng cũng chưa hết. Thích “võ bùa” phải không? Mai phụ gặt xong tao đưa lên núi Sam tìm ông đạo Tám rồi muốn học gì thì học”.

Theo ông Bảy Duồng, những người học “thần quyền” hay “võ bùa” thường được người dân nơi đây gọi là “ông đạo”. Vì họ sống ẩn dật, lánh xa xóm làng và đôi lúc “xuống núi” giúp người khi có tin ai đó bị yểm, bị “thư”. Hệ phái “võ bùa” thiên về “âm công” không được làng võ Việt công nhận một cách danh chính ngôn thuận nên càng ngày càng trở nên huyền bí. Và Thất Sơn được coi là cái nôi khai sinh nên môn võ kỳ lạ này.

Từ trung tâm thị xã Châu Đốc đến chân núi Sam khoảng 5 cây số. Núi Sam không nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ của An Giang, nhưng khá nổi tiếng bởi hàng loạt di sản về tâm linh nằm rải rác trên sườn núi. Nổi tiếng nhất là chùa Hang, miếu Bà Chúa Xứ, Tây An cổ tự, lăng Thoại Ngọc Hầu...
Bai 1: Thoi bua khai thong kinh mach...
Một góc chùa Hang - An Giang

Với lỉnh kỉnh gạo muối, vài thức trái cây, ông Bảy Duồng cùng chúng tôi chạy xe máy theo đường núi Sam - Nhà Bàng để đến chùa Hang. Ông Bảy Duồng nói: “Ông đạo Tám trước cất chòi bên chỗ chùa Tây An, sau nghe phong thanh ổng dời qua chùa Hang rồi bây ơi. Ổng cũng tốt lắm, dưới làng có chuyện cúng kiếng gì, lên kêu ổng là ổng xuống liền, không có chuyện đòi tiền bạc đâu. Tao đem chút gạo lên tiếp tế cho ổng, chứ ăn rau rừng riết ốm nhách”.

Cách chùa Hang không xa là căn chòi lá chỉ đủ để tránh nắng của ông đạo Tám. Thấy có người lạ tới, ông đạo đi mặc thêm chiếc quần dài cười xởi lởi: “Chú Bảy lên núi chi đây?”. Ông Bảy Duồng báo rằng có người tới xin làm đệ tử, ông đạo Tám xua tay: “Tụi này hả? Tụi này mà học võ bùa cái gì. Dân thành phố xuống phải không?”…

Thổi bùa khai thông kinh mạch

... Chưa kịp thất vọng thì ông đạo Tám lại tiếp: “Trời sắp chuyển mưa, thôi vô đây, tui chỉ cho cách luyện rồi về nhà mà tập. Nhưng đi đâu, không có nói là đệ tử của thầy Tám à, tui chưa có nhận đệ tử à. Báo trước là thành hay không do bởi cái tâm. Đem tâm ác lên gặp tui thì không thành… ráng chịu”.

Tuy chúng tôi là bọn đệ tử… không được nhận nhìn, nhưng thầy Tám cũng làm lễ nhập môn rất đường hoàng. Thầy Tám bấm độn để coi giờ kiết hung, tới thời khắc thích hợp thầy bảo chúng tôi đứng trước bàn thờ. Thầy đốt 6 cây nhang, lâm râm khấn vái rồi chia cho chúng tôi mỗi người 3 cây.

Thầy Tám bắt đầu đọc các lời tuyên thệ và bảo chúng tôi nghiêm cẩn lặp lại. Một số lời thề mà chúng tôi có thể nhớ được như sau: Một lòng hiếu thảo với cha mẹ, không phản môn phái, không phản thầy, không phản bạn, không cưỡng bức kẻ yếu, không làm điều gian ác, không ham mê tửu sắc, cứu người trong lúc nguy nan… Theo thầy Tám, có tất thảy 9 lời thề dành cho người mới nhập môn, luyện càng lên cao thì số điều tuyên thệ càng tăng lên, nhiều nhất là 16 điều.
Sau khi tuyên thệ và bái lạy trước bàn thờ tổ xong, thầy Tám vẽ cho chúng tôi 2 lá bùa hộ thân, một vuông, một dài. Lá bùa màu vàng, trên viết thứ chữ ngoằn nghèo giống như chữ của vùng Tây Á. Thầy Tám niệm chú, đốt nhang, rồi lại dùng lửa đang cháy từ cây nhang đốt bùa. Đoạn, thầy đem tàn nhang lẫn tro bùa hòa vào nước biểu chúng tôi uống cạn.
Bai 1: Thoi bua khai thong kinh mach...
 Thầy Tám ngồi vẽ bùa
Thầy Tám lẳng lặng lấy thêm 7 nén nhang, đốt lên rồi thổi khói vào người chúng tôi. Cứ như vậy, chúng tôi ra vẻ thành kính, đứng yên chịu trận. 
Xong xuôi đâu đó, thầy Tám cho chúng tôi ngồi, rồi cười bảo: “Hồi nãy là tui mới khai thông kinh mạch cho các trò đó. Trước khi luyện “thần quyền” phải khai thông các huyệt đạo trên cơ thể. Có như vậy khi mình gọi thần chú mới linh ứng. Thanh niên thì 7 cây nhang, thổi khói 7 lần vào sinh huyệt, tử huyệt. Thanh nữ thì 9 cây, thổi khói 9 lần”.
(Còn nữa)
Hồ Bá Nguyễn - Ngọc Sang
Bài liên quan
Chủ tịch nước Lương Cường chúc tết tại An Giang
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại các tỉnh miền Nam, chiều 16.1, Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn công tác trung ương đã tới thăm, chúc tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Thổi bùa khai thông kinh mạch...