Hiện nay chỉ những người mua bán, tàng trữ, vận chuyển mới bị xem là tội phạm ma túy, còn người sử dụng thì được xem là con bệnh, đó là 1 nghịch lý?

Bài 2: Nhức nhối tệ nạn mang tên 'ngáo đá'

Hùng Anh | 10/09/2019, 06:24

Hiện nay chỉ những người mua bán, tàng trữ, vận chuyển mới bị xem là tội phạm ma túy, còn người sử dụng thì được xem là con bệnh, đó là 1 nghịch lý?

Chuyện “ngáo đá” làm loạn phố phường, xóm giềng, gia đình, xảy ra ngày càng nhiều, bởi ma túy đá ngoài việc mang lại khoái cảm (phê), gây nghiện thì còn có tác dụng kích thích làm cho hệ thần kinh con người gần như bị phá hủy, khiến người cắn hàng đá luôn sống trong ảo giác, có thể làm được nhiều điều mà khi tỉnh táo họ không thể thực hiện được.

Nhiều vụ án rúng động vì “ngáo đá”

Theo ông C., gần đây những kẻ “ngáo đá” đã gây ra nhiều vụ thảm án làm rúng động dư luận xã hội. Điển hình nhất là vụ trọng án xảy ra hồi trung tuần tháng 3, tên Nguyễn Hoàng Nam (SN 1983, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) sau khi ngáo đá đã chạy xe gắn máy gần 100 km về xã Long Cang (H.Cần Đước, tỉnh Long An) vô cớ dùng dao đâm chết bà Bùi Thị Nết. Sau khi giết bà Nết, tên Nam lại chạy xe về Hóc Môn tiếp tục dùng dao đâm chết 3 người là cha mẹ ruột và bà nội của y.

Gần đây nhất, khoảng 8 giờ sáng 11.7, Nguyễn Hữu Mạnh (SN 1987, ngụ P.7, TP.Mỹ Tho) điều khiển xe gắn máy chạy đến khu vực vòng xoay đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Ấp Bắc (TP.Mỹ Tho) rồi bỏ xe, cầm dao, thanh sắt la hét, nói năng mất kiểm soát, hăm dọa người đi đường. Sau khi người dân báo tin, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Công an TP.Mỹ Tho và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Tiền Giang có mặt, phối hợp khống chế Mạnh.

Thấy công an, Mạnh tay cầm dao, gạch, cây sắt, miệng la hét vang trời, bỏ chạy khỏi vòng xoay, sau đó trèo lên và di chuyển như làm xiếc qua nhiều mái nhà của người dân khu vực P.4 và P.7, TP.Mỹ Tho. Khi lực lượng công an tiếp cận, vận động thuyết phục Mạnh rời mái nhà leo xuống đất, tên này dùng dao chống trả quyết liệt, ném gạch đá vào lực lượng công an.

Khi hết gạch đá để ném, tên Mạnh bất ngờ nhảy từ mái nhà xuống đất và bị công an khống chế, đưa vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh Tiền Giang. Xác minh nhân thân, tên Mạnh là đối tượng nghiện ma túy, đã bị nhiễm HIV và đã có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Tên Mạnh quậy tưng bừng khu vực vòng xoay Nam Kỳ Khởi Nghĩa vì mới sáng sớm đã cắn hàng đá nên… quá phê!

Trước đó vào trung tuần tháng 5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Cai Lậy (Tiền Giang) đã khởi tố vụ án “Hủy hoại tài sản”, khởi tố bị can và bắt tạm giam Võ Văn Vàng (23 tuổi, ngụ xã Ngũ Hiệp). Vàng là đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương về hành vi sử dụng ma túy, nhưng vẫn “ngựa quen đường cũ”. Theo điều tra của cơ quan công an, Vàng là con một trong gia đình nên được cha mẹ nuông chiều từ nhỏ, quen ăn chơi lêu lỏng, tiêu xài lãng phí. Vàng thường hay tụ tập cùng bạn bè hư hỏng và bắt đầu sử dụng ma túy cách nay khoảng 4 năm.

Dù đã thành niên, nhưng Vàng không lo lao động tự nuôi sống bản thân mà hàng ngày đều yêu cầu cha mẹ phải đưa tiền để y tiêu xài và mua ma túy sử dụng, khi cha mẹ không cho tiền thì y ra tay đập phá tài sản trong nhà. Ngày 20.4, Vàng xin tiền cha là ông Võ Văn Mười (48 tuổi) để mua ma túy sử dụng nhưng ông Mười không cho.

Khi ông Mười vừa đi ra phía sau vườn thì Vàng dùng cưa và cây đập phá tài sản trong nhà làm hư hỏng bộ salon. Sau đó Vàng tiếp tục dùng cưa cắt ngang gốc 16 cây bông trang kiểng (10 cây khoảng 8 năm tuổi, 6 cây khoảng 4-5 năm tuổi). Kết quả định giá tài sản mà Vàng đã hủy hoại là trên 72 triệu đồng. Chịu hết nổi “ông con quý tử” nghiện ngập bất trị, ông Mười đã làm đơn tố cáo sự việc, yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý Vàng.

Cũng trong tháng 5, Công an TX.Cai Lậy (Tiền Giang) đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Phúc Duy (30 tuổi, ngụ xã Long Khánh, TX.Cai Lậy) về hành vi “Cố ý gây thương tích” và “Chống người thi hành công vụ”. Theo cơ quan công an, sáng 6.5, Duy cắn hàng đá và lên cơn phê thuốc. Trong lúc đang phê, Duy lấy 2 khúc cây đi vào các vườn sầu riêng của xã Long Khánh tìm người để đánh.

Sau khi đánh vợ chồng ông Nguyễn Văn Xiêu (67 tuổi, ngụ xã Long Khánh) gây thương tích nặng, Duy tiếp tục chặn đường đánh em Nguyễn Văn Chương (17 tuổi, ngụ xã Tam Bình, H.Cai Lậy) và anh Lê Minh Hùng (36 tuổi, ngụ xã Long Trung, H.Cai Lậy) bị thương. Lúc Công an TX.Cai Lậy đến điều tra sự việc, Duy về nhà cầm dao chạy ra đuổi chém công an.

Trung úy Phạm Hữu Nghĩa bị Duy chém 2 nhát vào tay gây thương tích, 1 nhát trúng đầu làm vỡ mũ bảo hiểm. Tại cơ quan điều tra, Duy khai do “cắn hàng đá quá phê” nên muốn tìm người để đánh, bất chấp người đó lạ hay quen, công an hay dân thường. Trước đó tên Duy đã có 1 tiền sự về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Thanh niên “ngáo đá” dùng dao lam tự cắt cổ, xẻ ngực moi tim tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre - Ảnh: Thanh Anh

Nhưng kinh hãi nhất là trường hợp Nguyễn Văn T. (SN 1989, ngụ xã Tiên Thủy, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Ngày 20.3, trong lúc lên cơn ngáo đá, T. tự dùng kéo đâm nhiều nhát vào thân thể, gây thương tích nặng. Khi được người thân đưa vào Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu cứu chữa. T. tiếp tục dùng lưỡi lam giấu trong người tự cắt cổ mình và mổ lồng ngực để lấy quả tim ra ngoài… xem chơi. Rất may là các y bác sĩ của bệnh viện đã khống chế và cứu chữa T. kịp thời nên gã ngáo đá này không bị mất mạng.

Chưa thể chặn dịch ngáo đá

Những năm gần đây, tình trạng “ngáo đá” gây rối loạn trật tự xã hội, gây trọng án, thường được cử tri đề cập trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, nhưng xem ra vấnnạn này ngày càng gia tăng chứ không giảm. Tại Bến Tre, thông tin từ ngành LĐ - TB & XH cho thấy toàn tỉnh hiện có hơn 2.300 người nghiện và sử dụng ma túy, trong đó có gần 650 người nghiện có hồ sơ quản lý và hơn 600 người đã được đưa đi cai nghiện.

Ở Tiền Giang, Công an tỉnh cho biết toàn tỉnh có gần 6.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, chủ yếu là nghiện ma túy tổng hợp và có 145 đối tượng chuyên “ngáo đá” quậy phá được theo dõi. Trong khi đó ở Long An hiện có 2.500 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó độ tuổi từ 18 đến 30 chiếm gần 70%.

Đáng chú ý là hiện nay trong 192 xã, phường thị trấn của tỉnh đã có đến 180 địa phương có người nghiện ma túy. Nhưng theo các cơ quan hữu trách, những con số thống kê được chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, bởi lẽ trên thực tế số người sử dụng ma túy đá chưa bị phát hiện, lập hồ sơ quản lý còn cao hơn gấp nhiều lần.

Điều đáng quan ngại là hiện nay những người nghiện ma túy tổng hợp phần lớn có tuổi đời còn rất trẻ. Trong khi các cơ quan hữu trách đều cho rằng việc ngày càng nhiều người trẻ nghiện ma túy đá là do gia đình quản lý lõng lẻo, lười lao động, ăn chơi đua đòi, thì giới giang hồ có lý giải khác.

Theo ông C. - người có tiếng trong giới giang hồ ở TP.Mỹ Tho, giới trẻ hiện nay vô tư chơi ma túy đá vì có suy nghĩ lệch lạc là sử dụng ma túy tổng hợp không bị nghiện như heroin, thuốc phiện, nhưng không hề biết loại ma túy này gây nghiện cho 100% người sử dụng. Nguy hiểm hơn, ma túy tổng hợp gây ra các triệu chứng trầm cảm, lo âu khi quá liều, gây loạn thần, hoang tưởng bị người khác truy sát, có hiện tượng “ảo thính”, nghe thấy tiếng đe dọa trong đầu, dẫn đến hành vi tấn công, truy sát người khác đến cùng.

“Những loại ma túy tổng hợp được sử dụng nhiều có tên gọi là hàng đá, thuốc lắc, ngọc diên, viên nữ hoàng... được cơ thể hấp thu rất nhanh, ở liều thấp có thể gây vã mồ hôi, run, đau ngực; liều cao gây co giật, xuất huyết nội sọ, tăng huyết áp, làm người dùng kích động và lo sợ, lú lẫn, hoang tưởng, ảo giác, khi quá liều có thể làm tăng thân nhiệt, tăng kích động, hôn mê và tử vong.

Gần đây, nhiều con nghiện ở Mỹ Tho khi cạn tiền còn sử dụng chiêu trộn ma túy đá với bột ngọt (mì chính) để hút vì cho cảm giác phê mau hơn. Nhưng họ không biết rằng việc pha trộn này cũng làm họ… mau ra nghĩa địa hơn”, ông C. cho biết.

Theo ông Lê Hoàng Cung, lương y ở Tiền Giang, qua nhiều năm nghiên cứu các bài thuốc cai nghiện ma túy, đến nay ông vẫn chưa tìm thấy phương thuốc nào có thể trị dứt cơn nghiện ma túy đá hữu hiệu. Trong khi đó bác sĩ Trần Quốc Kính, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, cho biết gần đây người vào bệnh viện điều trị nghiện ma túy đá rất nhiều, mỗi ngày trung bình 4-5 ca nhập viện, bệnh nhân chủ yếu là người từ TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

“Nhưng do hiện nay bệnh viện chỉ có thể cai nghiện heroin bằng thuốc Methadol, còn nghiện ma túy đá thì chỉ điều trị cắt cơn tạm thời chứ chưa thể điều trị dứt điểm, nên khoảng 95%-98% người bị tái nghiện”, bác sĩ Kính nói.

Theo 1 cán bộ ở TP.Mỹ Tho, tệ nạn “ngáo đá” ngày càng tràn lan gây bức xúc xã hội có nguyên nhân sâu xa là các quy định còn bất cập của pháp luật hiện hành. “Hiện nay chỉ những người mua bán, tàng trữ, vận chuyển mới bị xem là tội phạm ma túy, còn người sử dụng thì được xem là con bệnh, đó là 1 nghịch lý.

Vì vậy mà nhiều con nghiện tuyên bố: cứ chơi cho đã, khi bị bắt thì được Nhà nước đưa đi chữa bệnh miễn phí, không phải ở tù, chẳng việc gì phải sợ. Theo tôi, những kẻ sử dụng ma túy là gánh nặng cho xã hội, phải bị xem là tội phạm và xử lý nghiêm minh thì mới có cơ may đẩy lùi vấn nạn “ngáo đá” đang tràn lan từ thành thị đến nông thôn”, vị cán bộ bày tỏ.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
35 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Nhức nhối tệ nạn mang tên 'ngáo đá'