Cùng với kết quả thực hiện BHXH cho người lao động trong ngành tiểu thủ công nghiệp thì việc thực hiện BHXH cho người lao động trong khu vực hợp tác xã nông nghiệp là những cơ sở thực tiễn quan trọng để mở rộng BHXH cho người lao động khu vực kinh tế ngoài quốc doanh sau này...

Thúc đẩy thực hiện BHXH cho nông dân hợp tác xã nông nghiệp

tuyetnhung | 09/09/2019, 17:13

Cùng với kết quả thực hiện BHXH cho người lao động trong ngành tiểu thủ công nghiệp thì việc thực hiện BHXH cho người lao động trong khu vực hợp tác xã nông nghiệp là những cơ sở thực tiễn quan trọng để mở rộng BHXH cho người lao động khu vực kinh tế ngoài quốc doanh sau này...

Từ kết quả thực hiện BHXH cho người lao động của ngành tiểu thủ công nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, việc thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động trong khu vực kinh tế tập thể nói riêng và người lao động thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh nói chung đã trở thành một đòi hỏi khách quan.

Chính sách BHXH không chỉ đảm bảo đời sống của người lao động khi gặp rủi ro, mà còn tạo thêm động lực phát triển sản xuất, thiết lập sự công bằng về quyền lợi,nghĩa vụ của họ đối với các chính sách kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian này, do chưa có sự chỉ đạo thống nhất của Nhà nước nên, theo BHXH Việt Nam, việc thực hiện chế độ BHXH cho nông dân, người lao động còn một số vấn đề tồn tại.

Thứ nhất, do Nhà nước chưa xây dựng và ban hành chính sách BHXH riêng cho lao động ngoài quốc doanh nên phần lớn các ngành, các địa phương đều dựa theo chính sách BHXH bắt buộc cho công chức, viên chức để quy định chế độ BHXH cho những đối tượng này, dẫn đến không phù hợp với đặc điểm lao động, tiền lương, thu nhập và quan hệ lao động trong các đơn vị kinh tế tập thể.

Thứ hai, do chưa có sự chỉ đạo, quản lý nhà nước thống nhất, nên việc quy định mức đóng góp và quản lý quỹ BHXH chưa phù hợp. Quỹ BHXH được hình thành từ các nguồn đóng góp với mức thấp nên ở nhiều địa phương đã không đảm bảo cân đối thu - chi.

Thứ ba, các chế độ BHXH cho nông dân, người lao động làm việc trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ra đời từ năm 1982, trong cơ chế bao cấp, được Nhà nước bao cấp lương thực và cung cấp một số mặt hàng thiết yếu nên trợ cấp BHXH tạm đủ cho cuộc sống. Nhưng đến giai đoạn sau này, đặc biệt là từ năm 1986, do chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, hạch toán kinh doanh, các mặt hàng bao cấp không còn nữa, giá cả biến động, mức trợ cấp thực tế giảm trong khi đó Nhà nước không có chính sách đảm bảo về tài chính cho quỹ BHXH của các ngành này.

Thứ tư, việc phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động ở khu vực này chưa thống nhất, mỗi địa phương áp dụng cách thực hiện khác nhau, làm cho người lao động chưa thật sự an tâm, tin tưởng ở chủ trương mới này. Vì vậy, cho đến năm 1986, theo báo cáo của Hội đồng Liên minh các hợp tác xã và Hội Nông dân Việt Nam, cả nước mới chỉ có khoảng 10 vạn người lao động trong các hợp tác xã và nông dân tham gia BHXH, trong khi lực lượng lao động thuộc khu vực này trong cả nước có tới gần 30 triệu người.

Từ thực trạng tình hình thực hiện chế độ BHXH giai đoạn 1975-1985, đặc biệt là việc thực hiện BHXH cho nông dân và xã viên các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, cho thấy nhu cầu được tham gia BHXH của lực lượng lao động này. Đó là nhu cầu chính đáng, phù hợp với đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của đảng. Do đó, triển khai xây dựng, ban hành và quản lý thống nhất chính sách BHXH cho lao động ngoài quốc doanh là nhiệm vụ cấp bách, góp phần tạo điều kiện cho kinh tế nhiều thành phần phát triển, tạo đà cho công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy thực hiện BHXH cho nông dân hợp tác xã nông nghiệp